Một góc nông trại Vinamit

Một góc nông trại Vinamit

Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương “sáng tác” cớ, Vinamit liêu xiêu

Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương bác kiến nghị của cử tri muốn xoá sổ nông trại của Vinamit làm khu dân cư, nhưng lại "bẻ lái" khi kết luận về hiệu quả kinh tế thiếu cơ sở.

Ai muốn xoá nông trại làm khu dân cư? 

Tiếp tục làm rõ tiếng kêu cứu của Công ty CP Vinamit (Vinamit), chúng tôi phát hiện, vào tháng 8/2019 có buổi làm việc với sự tham dự của Đoàn kiểm tra Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương, UBND huyện Phú Giáo, UBND xã Phước Sang (nơi có Nông trại hơn 152 ha của Vinamit).

Tại đây, đại diện UBND xã Phước Sang đã thông tin: Theo đồ án quy hoạch nông thôn mới xã Phước Sang đã được UBND huyện Phú Giáo phê duyệt tại Quyết định số 250/QĐ-UBND ngày 17/10/2012 và Tờ trình về việc rà soát, đánh giá, kiến nghị, điều chỉnh quá trình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới thì “UBND xã Phước Sang có đề nghị quy hoạch 2 điểm dân cư và Trường trung học cơ sở thuộc khu đất của Vinamit đang quản lý…”. 

UBND xã Phước Sang đã có báo cáo gửi UBND huyện Phú Giáo về đề xuất quy hoạch, nhưng do chưa đủ hồ sơ, thủ tục nên chưa được phê duyệt.

Nên không ngẫu nhiên, liên tục năm 2019, 2020, có hiện tượng cử tri đề nghị tỉnh Bình Dương xoá sổ nông trại làm khu dân cư để phát triển kinh tế địa phương. 

Tất nhiên làm cả 2 điểm dân cư và trường học trên mảnh đất rộng như trên thì phải có nhà đầu tư “khủng” về vốn. 

Bác đề xuất cử tri nhưng lại “kết án” doanh nghiệp.

Điều đáng nói, đề xuất quy hoạch của UBND xã Phước Sang gửi đi không được duyệt nhưng sau đó Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương lại lập đoàn thanh kiểm tra Vinamit căn cứ trên kiến nghị của cử tri.

Điều này thể hiện trên “giấy trắng mực đen” tức tại văn bản trả lời ý kiến cử tri trước kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Bình Dương khóa IX, đơn vị huyện Phú Giáo, Sở nêu rõ: “Trên cơ sở kiến nghị (kiến nghị thu hồi đất làm khu dân cư của cử tri- PV), Sở TNMT đã thành lập kiểm tra công tác quản lý, sử dụng đất của Công ty CP Vinamit tại xã Phước Sang, huyện Phú Giáo. Liên quan nội dung kiến nghị của người dân về quy hoạch khu dân cư tập trung dọc hai tuyến đường ĐH.504 và 508,  Sở Tài nguyên và Môi trường ghi nhận và phối hợp cùng UBND huyện Phú Giáo xác định các dự án đầu tư và tiến độ thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt nhằm tạo tiềm lực phát triển kinh tế xã hội của địa phương”. 

Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương “sáng tác” cớ, Vinamit liêu xiêu ảnh 1

Trồng rau trong nhà lưới tại nông trại.

Tháng 7/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương lập đoàn kiểm tra. Tới tháng 11/2019, khi kết thúc thanh kiểm tra, Sở đã có báo cáo với UBND tỉnh Bình Dương về kết quả giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Bình Dương khóa IX.

Theo đó, đối với kiến nghị của cử tri xã Phước sang đề nghị thu hồi đất của Vinamit làm khu dân cư, Sở TNMT đã làm đúng chức năng khi trả lời “Việc cử tri đề nghị thu hồi đất của Công ty Vinamit là không có cơ sở”

Bởi theo kết quả thanh kiểm tra của Sở thì hơn 152 ha đất nông trại của Vinamit đã chuyển sang hình thức Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất 1 lần. Vinamit đã nộp tiền này là hơn 32 tỷ đồng năm 2007; diện tích đất Vianamit sử dụng thuộc quy hoạch đất nông nghiệp và không có trong kế hoạch thu hồi chuyển mục đích sử dụng. 

Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương “sáng tác” cớ, Vinamit liêu xiêu ảnh 2

Rau củ trồng theo phương pháp hữu cơ không hoá chất phân bón ở nông trại được đóng gói tại chỗ đưa vào hệ thống siêu thị tại TP.HCM

Tuy nhiên ở vế 2 trong trả lời cử tri,  Sở Tài nguyên và Môi trường lại bất ngờ bẻ lái “kết án” doanh nghiệp sử dụng đất chưa phù hợp với nguyên tắc sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 điều 6 Luật đất đai năm 2013 (Tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh). 

Nguyên nhân,  Sở Tài nguyên và Môi trường nêu rõ " qua kiểm tra tình hình thực tế sử dụng đất của Vinamit cho thấy, từ năm 2004 khi được Nhà nước cho thuê đất đến nay, công ty chỉ thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất nộp Ngân sách. Diện tích đất trên 150 ha công ty đang quản lý sử dụng là rất lớn nhưng hiện trạng chỉ để sản xuất nông nghiệp (mít, khóm, chuối..), hiệu quả việc sử dụng đất mang lại đóng góp vào Ngân sách để phát triển kinh tế tại địa phương thời gian qua là không có. Việc sử dụng đất như trên là chưa phù hợp với nguyên tắc sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật đất đai 2013”.

Điều ngạc nhiên, đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ được giao nhiệm vụ kiểm tra “việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực đất đai” của Vinamit, theo đúng chức năng chuyên môn.

Khi làm việc, đoàn chỉ thực địa kiểm tra hiện trạng đất,  kiểm tra hồ sơ liên quan đến đất như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các quyết định phê duyệt cấp đất của UBND tỉnh Bình Dương, giấy nộp tiền sử dụng đất… 

Tóm lại đoàn không kiểm tra cũng không thể hiện phương pháp đánh giá về hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp, nhưng lại kết luận “Hiệu quả việc sử dụng đất mang lại đóng góp vào Ngân sách để phát triển kinh tế tại địa phương thời gian qua là không có.

Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương “sáng tác” cớ, Vinamit liêu xiêu ảnh 3

Nông trại Vinamit trồng trọt không thuốc trừ sâu, phân bón độc hại.

Trong khi đó, theo Vinamit, nông trại tại Phú Giáo chỉ là 1 mắt xích trong toàn bộ chuỗi cung ứng cho hoạt động sản xuất và kinh doanh của công ty. Là doanh nghiệp tư nhận, hiệu quả hoạt động của công ty thế nào do chính Vinamit tự chịu trách nhiệm, có lời thì đóng thuế và thụ hưởng phần lợi nhuận còn lại của mình; thua lỗ thì công ty tự gánh lấy thiệt hại. 

Và bởi đặt trụ sở tại tỉnh Bình Dương, được quy định nộp thuế vào ngân sách tỉnh này nên Vinamit đã kinh doanh nộp thuế đủ đầy, thậm chí năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, từ 2017 đến 2019 Vinamit nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 11 tỷ đồng; nộp thuế giá trị gia tăng năm 2019 hơn 34 tỷ đồng, năm 2018 gần 30 tỷ đồng, 2017 hơn 28 tỷ đồng. 

Nên kết luận của  Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương rõ là không thuyết phục. 

Nhưng  Sở Tài nguyên và Môi trường lại lấy cái cớ trên để kiến nghị dẫn tới việc UBND tỉnh Bình Dương giao Thanh tra chủ trì kiểm tra toàn diện Dự án Vinamit. 

Bởi thế, dù trong khốn đốn, trong cách ly xã hội vì đại dịch Covid-19, người lao động Vinamit vẫn phải "bò ra" chuẩn bị hồ sơ chứng từ pháp lý phục vụ yêu cầu của đoàn thanh tra tỉnh. 

Tin bài liên quan