Sôi động thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội

Sôi động thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội

(ĐTCK) Tiếp tục quy tụ nhiều tên tuổi lớn về đầu tư, bứt phá về hạ tầng, hệ thống tiện ích xã hội liên tục được bổ sung, nâng cấp, bất động sản phía Tây Hà Nội được kỳ vọng tiếp tục bùng nổ trong tương lai.

Đại gia nhập cuộc

Thông tin nóng nhất và được quan tâm nhất về thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội hiện nay chính là diễn biến sau phiên đấu giá cổ phần Vinaconex (VCG) của SCIC và Viettel diễn ra cách đây không lâu. Bỏ ra tới 7.367 tỷ đồng, cao hơn gần 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm, Công ty TNHH An Quý Hưng đã mua trọn lô cổ phần tương đương với 57,71% vốn chủ sở hữu của Vinaconex.

An Quý Hưng từng bị đặt vô vàn câu hỏi về nguồn tiền 7.300 tỷ đồng bơm ra mua cổ phần của SCIC trong đợt bán đấu giá cổ phiếu tháng trước.

Và sáng ngày 11/1/2019, đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019 của Vinaconex diễn biến rất kịch tính với sự tham gia của nhiều đại gia, trong đó có ông Đào Ngọc Thanh, người góp phần quan trọng tạo dựng thương hiệu dự án xanh Ecopark, hiện đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Contana (CSC), Phó chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API), góp vốn rất nhiều cùng các nhóm cổ đông vào các thương vụ mua bán đất đai khác...

Ông Thanh bất ngờ đại diện cho An Quý Hưng ứng cử thành viên HĐQT Vinaconex và đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT Vinaconex nhiệm kỳ mới.

Từng tham gia vào khá nhiều thương vụ ở các công ty con của Vinaconex, việc “tham chiến” của An Quý Hưng được cho là không nằm ngoài mục đích hướng tới Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora), nơi mà Vinaconex nắm quyền sở hữu 50%. Ở dự án này, theo lời chia sẻ của cựu Tổng giám đốc Vinaconex Đỗ Trọng Quỳnh, hiện diện tích đất sạch còn tới hơn 200 ha và là một trong số ít dự án có diện tích lớn nhất ở phía Tây Hà Nội đang triển khai.

Tại Dự án Splendora, với vị trí vô cùng đắc địa, lại do 2 tên tuổi lớn của Việt Nam là Vinaconex và của Hàn Quốc là Posco E&C liên doanh triển khai, dự án từng nhận được rất nhiều kỳ vọng của giới đầu tư về một “Nơi ước đến - Chốn mơ về”.

Tuy nhiên, những trục trặc trong quá trình hợp tác giữa 2 bên khiến dự án liên tục gặp vấn đề và vẫn còn dang dở sau nhiều năm khi mới hoàn thành được một phần dự án. Khi dự án hoàn toàn thuộc về nhà đầu tư nội, dự án được kỳ vọng sẽ được tái khởi động và tạo ra cú bứt phá cho thị trường.

Trước thương vụ của An Quý Hưng không lâu, hồi cuối tháng 12/2018, khu vực phía Tây cũng rộn ràng với sự ra mắt rầm rộ của Vincity Sportia tại Đại Mỗ, Nam Từ Liêm. Là một trong hai siêu dự án đầu tiên mang thương hiệu Vincity của Vingroup, dự án có quy mô lên tới khoảng 58 tòa chung cư với chiều cao từ 35-39 tầng (tương tự như Vincity Ocean Park Gia Lâm).

Dự án được triển khai trên khu đất có diện tích lên tới 280 ha, với vị trí ngay sát Đại lộ Thăng Long, tương tự như Vincity Gia Lâm ra mắt trước đó, Vincity Đại Mỗ ngay lập tức thu hút sự quan tâm đông đảo của người mua nhà và cộng đồng đầu tư.

Với sự tham gia của các tên tuổi lớn, dự án Splendora sẽ sớm trở lại mạnh mẽ  

Cách Vincity Đại Mỗ không xa cũng không thể không nhắc tới dự án FLC Premier Parc do Tập đoàn FLC công bố. Tọa lạc tại khu vực Đại Mỗ, dự án có tổng diện tích lên tới 64 ha, bao gồm biệt thự, shophouse kết hợp chung cư cao cấp này sở hữu một mạng lưới giao thông vô cùng thuận lợi khi tận dụng được trục đường Lê Quang Đạo kéo dài và trục đường 70 đang mở rộng.

Ngoài ra, cũng phải kể đến sự nhập cuộc khác ở khu vực phía Tây như việc Tập đoàn Thế kỷ (CEN Group) phối hợp cùng Công ty TNHH Hi Brand (Hàn Quốc) tái khởi động Dự án Daewoo Cleve, hay Tập đoàn Nam Cường đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện khu biệt thự cao cấp An Khang Villa và chào bán số sản phẩm còn lại thuộc Dự án Khu đô thị Dương Nội, đều thuộc quận Hà Đông.

Hạ tầng là nền tảng bứt phá

Theo đánh giá của các chuyên gia, khu vực phía Tây Hà Nội là nơi quỹ đất còn lớn, đồng thời hạ tầng đang tiếp tục được cải thiện, nên tiếp tục là tâm điểm của các dự án quy mô lớn trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Nghiên cứu CBRE Việt Nam cho biết, để tránh sự quá tải cho trung tâm Thủ đô, sau khi Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội, định hướng phát triển đô thị chính của Thủ đô là hướng Tây, trong đó khu vực dọc tuyến đường Vành đai 3 kéo sang Phạm Hùng sẽ trở thành trung tâm hành chính - kinh tế mới của Hà Nội.

Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều tuyến đường quan trọng như đường trên cao Vành đai 3, đường Tố Hữu, đường 70, đường Vạn Phúc, Lê Trọng Tấn liên tục được hoàn thiện…Bên cạnh đó, các tuyến đường lớn được đầu tư mới hoặc cải tạo mở rộng như nút giao Vạn Phúc - Lê Văn Lương kéo dài, hầm chui Thăng Long - Khuất Duy Tiến, đường Lê Trọng Tấn - Văn Phú, các cầu vượt, hầm chui…, cũng liên tục được hoàn thành, tạo sự thông suốt cho tam giác phía Tây là Hà Đông - Nam Từ Liêm - Cầu Giấy.

 Hạ tầng khu vực Tây Hà Nội tương đối hoàn chỉnh 

Đồng thời, tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội, Hà Đông - Cát Linh, cùng các công trình hạ tầng khác đang đi vào hoàn thiện đã tạo nên cú huých, giúp thị trường bất động sản khu vực này thu hút đông đảo khách hàng có nhu cầu thực về chỗ ở, cũng như nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đặc biệt, sắp tới đây khi đại siêu thị AEON Mall thứ 2 tại Hà Đông đi vào hoàn thiện, sẽ góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản khu vực phía Tây Hà Nội thêm phần sôi động.

Đồng quan điểm, ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT CEN Group cho rằng, dải đất phía Tây hiện vẫn là tâm điểm của người mua nhà lẫn doanh nghiệp bất động sản. Sau thời điểm Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, giá đất phía Tây vẫn có mặt bằng thấp, chi phí đầu tư thấp.

Trên tổng thể khu vực phía Tây, các nhà đầu tư thực sự lạc quan với những mắt xích giao thông mới trong tương lai như Nguyễn Trãi qua Lương Thế Vinh, đường Trung Văn kết nối Mễ Trì - Mỹ Đình, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, hay trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương cùng xe bus nhanh BRT kết nối khu vực… sẽ trở thành động lực để khu Tây phát triển với tốc độ đầy kỳ vọng trong thời gian tới. Giao dịch tại đây chưa có dấu hiệu chững do nguồn cung nhà ở giá ở bình dân chiếm lĩnh thị trường.

"Dòng dân cư mới mẻ, đông đúc được kéo giãn từ vùng lõi đã thúc đẩy nhu cầu thiết lập nhu cầu sinh hoạt, mua sắm mới nơi đây. Với sự xuất hiện của những dự án bất động sản đánh ‘đúng và trúng’ nhu cầu của khách hàng đã và đang tạo sức nóng cho bất động sản trục Tây Hà Nội. Dự đoán trong 10 năm tới, thị trường này sẽ là sân chơi của phân khúc trung cấp với hàng triệu căn hộ vừa túi tiền", ông Hưng nhấn mạnh.

Dự đoán về thị trường thời gian sắp tới, ông Nguyễn Quốc Huy, Phó chủ tịch Hải Phát Land cho rằng, trong thời gian sắp tới, các dự án, các hoạt động giao dịch lớn bắt đầu gia tăng tại các khu vực ngoại thành, xa trung tâm theo các trục chính.

Tuy nhiên, dù có kỳ vọng lớn thì cũng lưu ý rằng, cần có thời gian để thị trường tăng trưởng chứ không thể bùng nổ ngay tức khắc. Khi nói đến các dự án phía Tây Hà Nội, ai cũng hiểu chung chung, nếu không chịu khó tìm hiểu và thị sát kỹ các khu vực cụ thể thì sẽ rất khó để tìm cho mình một dự án có hạ tầng, tiện ích đồng bộ.

Do đó, giữa ma trận thông tin, người mua cần có những cân nhắc, cũng như lựa chọn dự án từ những chủ đầu tư hoặc sàn phân phối có uy tín để đảm bảo sự an toàn cho khoản đầu tư của mình.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan