Sợi Thế Kỷ: Vượt qua thách thức ngắn hạn, kiên định con đường phát triển bền vững

Sợi Thế Kỷ: Vượt qua thách thức ngắn hạn, kiên định con đường phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với thông điệp chủ đạo và xuyên suốt “giảm carbon footprint, chống biến đổi khí hậu” Sợi Thế Kỷ (STK) đã lần đầu tiên giành giải nhất Báo cáo Phát triển Bền vững (PTBV).

Trong 6 năm gần đây, STK luôn lọt vào danh sách Top 10 Báo cáo PTBV tốt nhất và lần lượt đoạt giải 3 và giải 2 vào năm 2020 và 2021, cạnh tranh trực tiếp và sòng phẳng với các doanh nghiệp vốn hóa lớn.

Không dừng ở đó, Sợi Thế Kỷ tiếp tục gây ấn tượng mạnh với Hội đồng bình chọn Báo cáo Quản trị công ty (QTCT) tốt nhất, vượt lên nhiều doanh nghiệp để được xướng tên trong Top 5 Báo cáo QTCT nhóm midcap.

Cả 2 hạng mục giải thưởng đều có “sức nặng” trong hệ thống giải của cuộc Bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2022, với các tiêu chí chấm liên tục được cải thiện qua các năm theo hướng khắt khe hơn, áp dụng nhiều thông lệ tốt trên thế giới hơn.

Theo ý kiến của thành viên Hội đồng bình chọn, đây là một phần thưởng rất xứng đáng cho một tầm nhìn dài hạn, những nỗ lực không mệt mỏi, sự kiên định trong chiến lược thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững của Sợi Thế Kỷ.

Từ năm 2016, để đón đầu làn sóng tiêu dùng xanh, STK đã sớm dự báo nhu cầu sợi tái chế sẽ bùng nổ trong tương lai, khi mà hàng trăm thương hiệu thời trang, giày dép như Nike, Adidas, Puma, H&M, Hugo Boss… cùng cam kết tăng thị phần polyster tái chế lên 45% vào năm 2025. Sợi Thế Kỷ đã quyết định đưa loại sợi này thành sản phẩm trọng tâm, động lực tăng trưởng cho Công ty trong trung và dài hạn. Song song đó, Công ty liên tục triển khai hàng loạt sáng kiến bảo vệ môi trường như tái sử dụng ống giấy, tái chế sợi phế thành hạt nhựa để tái sử dụng, tái sử dụng nước thải của hệ thống điều không, sử dụng điện mặt trời.

Cần nói thêm, ngành may mặc và da giày giầy chiếm khoảng 8,1% tác động đến tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, trong đó tất cả công đoạn làm ra sản phẩm sợi nhân tạo chịu trách nhiệm đến 68% lượng phát thải của toàn ngành.Việc Sợi Thế Kỷ tăng tỷ lệ sử dụng nguồn nguyên liệu tái chế, tăng tỷ trọng sợi Recycle trong tổng doanh thu lên hơn 50%; sợi nhuộm dope dyed, sử dụng năng lượng tái tạo… có một ý nghĩa rất lớn. Những thành tựu của Công ty trong lĩnh vực phát triển bền vững đã được các thương hiệu thời trang hàng đầu như Nike, Adidas, Decathlon, Uniqlo... đánh giá cao và góp phần củng cố vị trí của công ty trong chuỗi cung ứng dệt may của các thương hiệu này.

Nắm bắt cơ hội phát triển và gắn kết với xu hướng phát triển bền vững, Sợi Thế Kỷ ngày càng tăng dần tỷ trọng cơ cấu sợi thân thiện với môi trường như sợi Recycle. Năm 2021, tỷ trọng sợi recycle trong tổng doanh thu đã đạt hơn 50% và hướng tới mục tiêu 100% năm 2025 (đối với nhà máy hiện hữu ở Củ Chi và Trảng Bàng). Công ty đã gián tiếp tái chế 3,04 tỷ chai nhựa đã qua sử dụng, góp phần giảm rác thải nhựa trên Trái đất.

Trên hết, chiến lược này về lâu dài sẽ thúc đẩy nhu cầu sợi trong nước lên cao do lợi thế quy tắc xuất xứ theo các FTA thân thiện với môi trường giúp hoạt động kinh doanh của Sợi Thế Kỷ hưởng lợi.

Đánh giá của Hội đồng bình chọn Báo cáo PTBV, với một báo cáo PTBV được trình bày sáng tạo, Sợi Thế Kỷ đã rất thành công trong việc cung cấp cho cổ đông, nhà đầu tư và các bên liên quan một bức tranh toàn diện về cuộc chiến “giảm carbon footprint,chống biến đổi khí hậu”. Kỳ vọng, Sợi Thế Kỷ tiếp tục vượt qua các thách thức trước mắt, kiên định trên con đường tiến đến mục tiêu NetZero của Việt Nam và thế giới vào năm 2050.

Sợi Thế Kỷ là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh các loại sợi xơ dài polyester chất lượng cao - sản phẩm sợi được sử dụng để sản xuất quần áo thể thao, dã ngoại, giày thể thao, túi vải polyester, đồ bơi, rèm - màn cửa, đệm bọc xe hơi, băng quấn y tế…

Đến nay, Sợi Thế Kỷ đã định vị thành công hình ảnh doanh nghiệp kiên định đi theo xu hướng phát triển bền vững, qua đó cũng nắm bắt được cơ hội từ xu hướng “tiêu dùng xanh”. Lịch sử kết quả kinh doanh của Sợi Thế Kỷ cũng cho thấy, trải qua những thăng trầm, đối diện với nhiều thách thức trong ngắn hạn nhưng với chiến lược phát triển bền vững, cải thiện liên tục quản trị công ty thì bức tranh dài hạn, Sợi Thế Kỷ là doanh nghiệp có tăng trưởng ổn định.

Đặt trong bối cảnh nhiều thách thức sau khi toàn thế giới trải qua 2 năm chống chọi với đại dịch covid và hiện đang đối diện với cuộc chiến chống lạm phát, câu chuyện tỷ giá, sức tiêu thụ đang bị ảnh hưởng…, Sợi Thế Kỷ cũng không nằm ngoài tác động, nhưng dài hạn, Công ty đang cho thấy khả năng hồi phục khi thị trường chung ổn định lại.

Kết quả kinh doanh quý III/2022 của Công ty ghi nhận doanh thuần đạt 515 tỷ đồng, tăng 10%, nhờ doanh thu sợi tái chế tăng 21%; kết quả lợi nhuận sau thuế đạt 50 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ, chủ yếu do hàng tồn kho tăng cao của các khách hàng trong chuỗi giá trị nên lượng đơn hàng giảm.

Ghi nhận trong buổi chia sẻ thông tin với nhà đầu tư trong tháng 11, Ban lãnh đạo dự kiến nhu cầu về sợi nguyên sinh vẫn sẽ yếu, trong khi nhu cầu về sợi tái chế sẽ ổn định trong quý IV/2022. Công ty cũng đối mặt với việc tỷ giá USD/VND tiếp tục giảm trong quý IV/2022, điều này sẽ gây bất lợi lớn cho lợi nhuận. Riêng tỷ giá USD/VND đã mất giá 4% trong ngày 22/10.

“Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, Sợi Thế Kỷ sẽ tập trung vào các đơn hàng có giá trị gia tăng cao hơn. Mặc dù cách tiếp cận như vậy có thể dẫn đến các đơn đặt hàng có khối lượng nhỏ hơn, nhưng những đơn đặt hàng này cũng đi kèm với tỷ suất lợi nhuận gộp cao hơn nhiều”, Ban lãnh đạo Công ty cho biết.

Hiện STK có 2 nhà máy đặt tại Củ Chi, TP.HCM và Trảng Bàng, Tây Ninh với tổng công suất thiết kế là 63.300 tấn sợi/năm, hệ thống máy móc có thể sản xuất cả sợi nguyên sinh và sợi tái chế.

Công ty đang triển khai xây dựng nhà máy sợi tổng hợp Unitex, và đang chờ giấy phép xây dựng. Dự án này có thể mở rộng năng lực sản xuất của STK thêm 60% khi đi vào hoạt động, dự kiến vào cuối năm 2023. Công ty đang nộp hồ sơ để tiến hành phát hành riêng lẻ nhằm tài trợ cho dự án này, đang chờ phê duyệt.

Tin bài liên quan