Soi tiềm lực công ty của "chuyên gia đào tạo" bất động sản Nguyễn Thành Tiến

0:00 / 0:00
0:00
Chỉ từ đầu năm 2022 đến nay, giá cổ phiếu VLA đã tăng gấp 3 lần lên 88.000 đồng/cổ phiếu, nhưng khối lượng giao dịch thấp, nhiều phiên không có cổ phiếu nào được khớp lệnh.
Ông Nguyễn Thành Tiến.

Ông Nguyễn Thành Tiến.

Doanh nhân Nguyễn Thành Tiến là ai?

Trong khoảng nửa năm trở lại đây, doanh nhân, diễn giả Nguyễn Thành Tiến nhận được sự chú ý lớn từ cộng đồng mạng với các khóa học về đầu tư bất động sản với các bài đăng, video tư vấn đầu tư cho các nghệ sĩ nổi tiếng như Chí Trung, Việt Anh, được chạy quảng cáo trên các kênh mạng xã hội như Facebook, Youtube.

Trong các khóa học về đầu tư, ông Nguyễn Thành Tiến được giới thiệu là “nhà sáng lập tổ chức giáo dục NIK từ 2012, chuyên gia đào tạo bất động sản đã hướng dẫn cho hơn 60.000 học viên từ 2012 về đầu tư và doanh nghiệp; chủ tịch HĐQT công ty niêm yết trên sàn chứng khoán; sở hữu đảo tư nhân ngoài biển; chủ đầu tư dự án bất động sản quy mô từ 3 ha - 89 ha; từng làm quản lý cho thuê 500 phòng, mua nhà sửa bán, đầu tư ven đô, đầu tư dự án, phân phối dự án, mua sỉ bán lẻ, mua xây cho thuê, lập dự án”.

Được biết, ông Nguyễn Thành Tiến sinh năm 1986, là kỹ sư chuyên ngành xây dựng. Ông Tiến được bổ nhiệm làm Phó giám đốc của CTCP Đầu tư và phát triển công nghệ Văn Lang (mã VLA - HNX) vào tháng 5/2020 và tới cuối tháng 7/2020, doanh nhân này được bầu vào HĐQT và sau đó làm Chủ tịch HĐQT VLA.

Trong một bài đăng trên Fanpage chính thức hồi tháng 8/2021, ông Tiến cho biết, một người đàn anh đi trước sở hữu công ty trị giá hàng ngàn tỷ trên sàn chứng khoán vào năm 2017 đã nói với ông Tiến về việc đưa công ty lên sàn.

“Vì thế, tôi cũng triển khai việc đó và mất khoảng 3 năm để sở hữu một công ty nhỏ trên sàn HNX, đó là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ Văn Lang. Tôi là chủ tịch công ty và cùng đội nhóm chúng tôi sở hữu 78% cổ phần”, ông Tiến cho hay.

Ông cũng lý giải, sở hữu công ty niêm yết trên sàn “không phải là mục tiêu mà chỉ là công cụ để sau này chúng tôi huy động vốn khi chúng tôi làm dự án. Và tôi cũng có thể bán công ty này bất cứ lúc nào”.

VLA được thành lập vào năm 2007 với vốn điều lệ 3 tỷ đồng. Đến cuối năm 2009, công ty tăng vốn lên mức 10,8 tỷ đồng và giữ nguyên từ đó đến nay.

Theo Báo cáo tình hình quản trị năm 2021, ngoài 9,08% cổ phần trực tiếp nắm giữ, những người thân của ông Tiến cũng đang nắm giữ tổng cộng 18,17% cổ phần tại VLA gồm: ông Nguyễn Văn Thọ (4,03%), bà Trần Thị Thanh Hoa (4,41%), bà Nguyễn Thu Hà (6,71%) và bà Vũ Thị Hiền Nhung (3,02%). Tổng cộng, ông Nguyễn Thành Tiến cùng người thân sở hữu 27,25% cổ phần công ty.

Ngành nghề kinh doanh chính của VLA là sản xuất phần mềm, xây dựng website, buôn bán máy tính và giáo dục khác chưa được phân vào đâu: đào tạo kỹ năng tư duy, marketing, bán hàng, giao tiếp, lãnh đạo, quản lý tài chính, quản lý thời gian, đào tạo kỹ năng nói trước công chúng.

Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, VLA đã bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh liên quan đến đầu tư dự án, tư vấn đầu tư và đầu tư chứng khoán.

Số cán bộ công nhân viên của công ty là 8 người, giảm 1/3 so với thời điểm giữa năm 2021 là 12 người. Trong năm 2021, VLA có sự biến động lớn về nhân sự, với 4/5 thành viên HĐQT được bổ nhiệm ngày 30/7/2021; thay toàn bộ thành viên Ban kiểm soát.

Lãi sau thuế 2021 tăng đột biến hơn 300 lần, dự tính tăng vốn lên gấp 4

Mới đây, VLA đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, qua đó hé lộ về hiệu quả kinh doanh, cũng như tiềm lực của công ty này.

Mặc dù có nhiều xáo trộn nhân sự, nhưng năm 2021, VLA đạt được kết quả kinh doanh có thể xem là đột phá.

Cụ thể, doanh thu thuần cả năm ghi nhận 14,5 tỷ đồng, tăng 86% so với năm 2020. Trong đó, doanh thu từ bán phần mềm là 1,9 tỷ đồng và doanh thu từ cung cấp dịch vụ đào tạo, bảo trì PM là 12,5 tỷ đồng.

Doanh thu tăng mạnh song giá vốn thấp hơn năm trước, dẫn lới lãi gộp của công ty đạt 11 tỷ đồng, tăng 155% so với năm 2020.

Mặc dù doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh 85% xuống còn 87,6 triệu đồng, nhưng do các chi phí trong năm 2021 cũng giảm so với năm ngoái, nên sau khi trừ đi các chi phí và thuế, lãi ròng của VLA đạt 5,7 tỷ đồng, tăng gấp 333 lần so với năm 2020, tương đương lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 5.248 đồng.

Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của VLA đạt 25,3 tỷ đồng, tăng 60% so với đầu năm. Đáng chú ý trong đó là công ty đã không còn ghi nhận 6 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn ngắn tại 2 ngân hàng như thời điểm đầu năm, trong khi ghi nhận mới 11,8 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh.

Ngoài ra, tài sản cố định vô hình trong năm của VLA cũng tăng mạnh từ 940 triệu đồng lên 5,7 tỷ đồng trong năm qua. Báo cáo tài chính cho thấy, đây là giá trị ghi nhận cho phần mềm quản lý.

Về nguồn vốn, công ty không có nợ dài hạn và tại thời điểm cuối năm 2021, nợ ngắn hạn của VLA là 4,5 tỷ đồng, tăng 19 lần so với đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 1 tỷ đồng là khoản vay cá nhân có tên Cao Thị Ngọc Hà.

Vốn chủ sở hữu của VLA tại ngày 31/12/2021 là 20,7 tỷ đồng, gồm 10,8 tỷ đồng vốn góp của chủ sở hữu, 3,1 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển và 6,6 tỷ đồng lãi sau thuế chưa phân phối.

Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2022 đã được thông qua, trong năm nay, VLA dự kiến tăng vốn điều lệ lên 40 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành cho cổ đông hiện hữu. Trong đó, 9,2 tỷ đồng tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chru sở hữu, 20 tỷ đồng còn lại phát hành cho cổ đông hiện hữu.

Bên cạnh việc mở rộng các khóa đào tạo, VLA còn dự định mở rộng kinh doanh đa ngành nghề dưới hình thức đầu tư góp vốn thành lập các công ty con gồm: VLA Quảng Ninh - kinh doanh bất động sản, VLA Pharma - sản xuất vè kinh doanh thực phẩm, và công ty về du lịch sinh thái... VLA đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 đạt 30 tỷ đồng, chi phí 20 tỷ đồng, lãi sau thuế 5 tỷ đồng.

Danh mục chứng khoán đầu tư: Cầm “hàng nóng” bất động sản

Danh mục đầu tư của VLA
Danh mục đầu tư của VLA

Danh mục đầu tư của VLA là 2 mã cổ phiếu nhóm bất động sản thu hút sự quan tâm rất lớn của thị trường thời gian qua là DIG và CEO.

Tính toán cho thấy, giá trung bình của cổ phiếu CEO mà VLA mua vào là 45.683 đồng/cổ phiếu, giá trung bình cổ phiếu DIG là 84.920 đồng/cổ phiếu.

Dữ liệu quá khứ cho thấy, cổ phiếu CEO từng chạm đỉnh 100.000 đồng/cổ phiếu (phiên 10/1) và cổ phiếu DIG từng chạm đỉnh 125.000 đồng/cổ phiếu (phiên 12/1/2022) trước khi lùi về giá 66.300 đồng đối với CEO và 88.100 đồng đối với DIG (đóng cửa phiên 25/2).

Nếu vẫn giữ đủ lượng cổ phiếu này đến ngày hôm nay (25/2), VLA đang tạm lãi 45% với khoản đầu tư vào CEO và 3,7% với khoản đầu tư vào DIG.

Đáng chú ý, giống như đà tăng nóng của 2 mã cổ phiếu trên thời gian qua, thị giá cổ phiếu VLA cũng đã tăng 3 lần từ đầu năm 2022 tới nay. Từ mức giá 28.500 đồng/cổ phiếu (giá tham chiếu phiên 4/1), VLA đã phi một mạch lên 88.000 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên 25/2). Tuy nhiên, sự khác biệt giữa VLA với 2 mã cổ phiếu trên là thanh khoản. Nếu như CEO và DIG khớp lệnh mỗi phiên hàng triệu cổ phiếu thì VLA chủ yếu chỉ giao dịch vài trăm tới vài nghìn cổ phiếu mỗi phiên và thậm chí có nhiều phiên không có giao dịch. Phiên đột biến về thanh khoản đáng chú ý là hôm 4/1/2022 có 55.400 cổ phiếu được khớp lệnh.

Tin bài liên quan