“Sóng” chứng khoán duy trì được bao lâu?

(ĐTCK) Thị trường đã có những phiên khởi sắc liên tiếp với niềm hứng khởi của nhà đầu tư, giúp VN-Index tiếp tục vượt qua ngưỡng kháng cự 510 điểm, đạt 516,98 điểm (kết thúc phiên giao dịch ngày 9/1) và đang từng bước chinh phục ngưỡng cản mới, 520 điểm.
“Sóng” chứng khoán duy trì được bao lâu?

Theo ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc môi giới CTCK MHBS, việc thị trường tăng điểm trong vài phiên gần đây một phần xuất phát từ hiệu ứng nới room cho nhà đầu tư nước ngoài của các tổ chức tín dụng, mà quan trọng hơn, nhà đầu tư kỳ vọng việc nới room này sẽ là bước đệm để cơ quan quản lý xem xét nới room đối với khối DN niêm yết. Hơn nữa, để nới room, DN phải được ĐHCĐ thông qua nên nhiều người đang kỳ vọng quyết định này sẽ được ban hành trước thời điểm DN bước vào mùa ĐHCĐ (chủ yếu vào tháng 3, 4).

Bên cạnh đó, sự “hô hào” nhiệt tình của nhiều môi giới trong cuộc đua thị phần cũng là một nhân tố giúp thị trường có những phiên giao dịch sôi động.

Nhìn trong ngắn hạn có thể thấy, thị trường đang được đón nhận nhiều thông tin hỗ trợ tích cực, giúp VN-Index tiến tới đỉnh cũ (528 điểm) để thoát khỏi xu thế giằng co. Diễn biến tích cực cũng chiếm chủ đạo trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index tăng 1,17 điểm và đạt 71,16 điểm (phiên ngày 9/1).

Dòng tiền có dấu hiệu trở lại và xoay vòng giữa các nhóm ngành, cổ phiếu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu tài chính. Trong đó, nhóm cổ phiếu CTCK đã có một phiên giao dịch bùng nổ và tăng mạnh như VND, PSI, APS…, mặc dù không có nhiều thông tin hỗ trợ ngoài việc công bố thị phần giao dịch quý IV và cả năm 2013 của khối CTCK.

Theo CTCK IVS, khi ngưỡng kháng cự quan trọng là 515 điểm đối với VN-Index và 70 điểm đối với HNX-Index đã vượt qua, thì khả năng dòng tiền sẽ quay trở lại thị trường sớm hơn dự kiến. Trong 2 phiên giao dịch gần đây, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã góp phần vào hiệu ứng tăng điểm của thị trường, do nhiều CTCK có kết quả kinh doanh khả quan.

Tuy nhiên, xu hướng này có kéo dài, hay TTCK đến thời điểm trước Tết âm lịch có sóng hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là những tin tức từ nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản. Đến thời điểm hiện tại, chưa nhiều DN 2 ngành này công bố kết quả kinh doanh năm 2013.

Mặc dù kết quả kinh doanh là một trong những yếu tố quyết định giá cổ phiếu, song trên thị trường vẫn có khá nhiều cổ phiếu đi ngược lại quy luật, nghĩa là dù DN đạt lợi nhuận thấp, thậm chí thua lỗ nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng và ngược lại. Tình trạng này diễn ra ở khá nhiều mã trong thời gian gần đây, đặt ra nhiều câu hỏi nghi ngờ về việc cổ phiếu có bị làm giá hay không?

Theo chu kỳ, vào thời điểm trước Tết âm lịch, thị trường thường có những diễn biến khác thường so với mức giao dịch trung bình, nghĩa là thanh khoản có thể giảm hoặc tăng một cách rõ rệt. Hơn nữa, trong xu hướng chung thị trường dao động tích lũy, dòng tiền được dự báo tiếp tục có sự phân hóa mạnh, theo hướng tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechips đầu ngành, cổ phiếu thuộc ngành nghề được kỳ vọng kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2014.

Trong năm 2013, nhóm cổ phiếu cơ bản đã dẫn dắt thị trường và tạo được sức hút rất lớn. Sang năm 2014, nhóm cổ phiếu này được dự báo tiếp tục tạo ra sức hấp dẫn với nhà đầu tư.

Thực tế, thời gian vừa qua, nhiều cổ phiếu sụt giảm mạnh, mà đây là những cổ phiếu có tính đầu cơ cao, nên trong ngắn hạn, nhóm cổ phiếu tài chính chứng khoán “nổi sóng” trong hai phiên (8/1; 9/1) cũng có phần giải thích được.

Tuy nhiên, muốn bứt phá, nhóm cổ phiếu chứng khoán sẽ cần thêm sự tích lũy, nên sẽ có những phiên “chững” lại. Đây là thời điểm mà nhà đầu tư có thể cân nhắc đầu tư.

Tin bài liên quan