Sóng "ngầm" lãi suất tiết kiệm ngày càng dâng cao

Sóng "ngầm" lãi suất tiết kiệm ngày càng dâng cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trước áp lực Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng tiếp 0,75% lãi suất trong ngày 2/11 lên, nâng lãi suất USD lên 3 -4%, lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND được các ngân hàng liên tục điều chỉnh tăng.

Phổ biến 9% và cao nhất lên 11%/năm

Lãi suất huy động tiết kiệm của ngân hàng tăng lên từng ngày và mức cao nhất đã chạm ngưỡng 11%/năm, đây là mức lãi cao nhất trên thị trường hiện nay, còn phổ biến 8-9,5%/năm cho kỳ hạn từ 7 tháng trở lên. Thậm chí, một số nhà băng cộng thêm biên độ 0,5 - 1%.

Cụ thể, Techcombank áp dụng biểu lãi suất huy động mới từ ngày 2/11, tăng thêm 1% ở nhiều kỳ hạn, đưa mặt bằng lãi suất tiền gửi cao nhất tại ngân hàng này lên 8,7%/năm.

Ở sản phẩm tiền gửi Phát Lộc tại quầy dành cho khách hàng cá nhân VIP1, lãi suất khách hàng được nhận cao nhất là 8,7%/năm khi gửi số tiền từ 3 tỷ đồng, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Đối với khách hàng thường, lãi suất cao nhất từ 8,5%/năm trở lên cho các kỳ hạn dài trên 12 tháng. Các mức lãi suất này tiếp tục tăng thêm 1% so với cuối tháng 10/2022. Còn kỳ hạn từ 1-6 tháng, Techcombank cũng áp dụng lãi suất kịch trần là 6%/năm.

Tại Nam A Bank, người gửi tiền tiết kiệm online kỳ hạn từ 6 tháng trở lên sẽ được lãi suất 8,3%/năm. Lãi suất cao nhất ngân hàng này áp dụng khi gửi tiết kiệm online là 8,5%/năm các kỳ hạn từ 12 đến 36 tháng.

Đặc biệt, riêng với sản phẩm gửi tiết kiệm Happy Future của Nam A Bank xuất hiện mức lãi suất 11%/năm thu hút sự quan tâm của khách hàng.

Tuy nhiên, Nam A Bank cho biết, mức lãi suất huy động 11%/năm xuất hiện trong biểu lãi suất của gói sản phẩm trên, áp dụng trong 3 tháng đầu và lãi suất bình quân của sản phẩm này cao nhất là 7,61%/năm (do 6 tháng cuối lãi suất áp dụng là 5,95%/năm).

Còn ở kỳ hạn 12 tháng, 6 tháng đầu có lãi suất 9,9%/năm, 6 tháng sau là 5,95%/năm; kỳ hạn 18 tháng thì 12 tháng đầu có lãi suất 8,9%/năm, 6 tháng sau là 5,95%/năm…

Không chỉ Nam A Bank, VPBank cũng vừa điều chỉnh lãi suất tiền gửi có kỳ hạn Prime Savings, mức lãi suất tháng đầu lên cao nhất 10,02%/năm ở kỳ hạn 36 tháng, tháng sau còn 8,35%/năm; mức lãi suất 10%/năm ở kỳ hạn 24 tháng, tháng sau 8,33%/năm; 12 tháng có lãi suất tháng đầu là 9,68%/năm, tháng sau còn 8,07%/năm; kỳ hạn gửi 6 tháng có lãi suất 9,17%/năm ở tháng đầu, tháng sau còn 7,65%/năm…

Kể từ tháng 11/2022, khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại VPBank có thể được hưởng lãi suất ưu đãi lên đến 8,9%/năm cùng nhiều quà tặng hấp dẫn trong chương trình sinh nhật 27 năm của ngân hàng.

Theo đó, khách hàng gửi tiết kiệm online lãnh lãi cuối kỳ sẽ hưởng lãi suất 8,9%/năm các kỳ hạn 9, 12, 13 và 15 tháng. Kỳ hạn 1- dưới 6 tháng tháng, lãi suất áp dụng ở mức kịch trần 6%/năm.

Ngân hàng Bản Việt áp dụng lãi suất 8,6%/năm khi khách hàng gửi tiết kiệm từ 100 triệu đồng với kỳ hạn 6 tháng và lãi suất 8,9%/năm nếu khách gửi kỳ hạn 12 tháng.

Thậm chí, ở kỳ hạn 6 tháng, một số ngân hàng có mức lãi suất cao trên 8%/năm. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm online SCB lên đến 8,7%/năm đối với lãnh lãi cuối kỳ, còn lĩnh lãi trước là 8,32%/năm, lĩnh lãi hàng tháng là 8,53%/năm; 9 tháng là 8,85%/năm, 12 tháng là 9,15%/năm, từ 15 tháng trở lên là 9,3%/năm.

Sóng "ngầm" lãi suất tiết kiệm ngày một cao

Thế nhưng, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm không nằm yên ở mức cao trên mà nhích lên từng ngày. Thậm chí, một số nhà băng nhỏ còn thỏa thuận "ngầm" về biên độ lãi suất cộng thêm cho khách hàng để hút thêm tiền gửi tiết kiệm trong bối cảnh hiện nay.

Nhân viên quan hệ khách hàng của một ngân hàng cho biết, mức lãi suất cao nhất mà nhà băng này đang áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng là 9,9%/năm, cao hơn so với mức niêm yết chỉ có 8%/năm.

Kỳ hạn tiền gửi 7 tháng được trả mức lãi suất 10%/năm; 9 tháng là 10,3%/năm và 12 tháng là 10,5%/năm. Mức lãi suất này đều cao hơn 1% so với bảng lãi suất mà ngân hàng trên niêm yết công khai.

Tuy nhiên, muốn hưởng được mức lãi suất trên khách hàng phải tới giao dịch tại quầy và hạn mức tiền gửi cũng có trị giá từ khoảng 1 tỷ đồng trở lên.

Thực trạng hiện nay cho thấy, không chỉ mỗi nhà băng trên cạnh tranh thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi, một số nhà băng quy mô vừa và nhỏ đã "lách" bằng cách cộng thêm biên độ lãi suất cho khách hàng.

Một phần vì áp lực tăng lãi suất lên cao của Fed, tín dụng tăng trưởng cao lệch pha so với huy động vốn, thanh khoản cuối năm và áp lực đáo hạn trái phiếu đối với những nhà băng nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp cao trước đó.

Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, 9 tháng đầu năm 2022, tín dụng tăng trưởng gần 11% trong khi huy động vốn chỉ tăng 4,04%. Huy động vốn tăng thấp hơn cùng kỳ và chênh lệch lớn với tín dụng tạo áp lực thanh khoản lớn cho hệ thống.

Đáng chú ý, tiền gửi của doanh nghiệp vào hệ thống ngân hàng sụt giảm mạnh trong 2 tháng qua. Một phần, do khó vay vốn khi room tín dụng hạn chế và trái phiếu doanh nghiệp bị "siết".

Việc tiền gửi doanh nghiệp sụt giảm mạnh các tháng liên tiếp gần đây đã kéo nguồn vốn huy động chung của toàn hệ thống tăng trưởng thấp trong 9 tháng đầu năm, dẫn đến chênh lệch lớn với tăng trưởng tín dụng.

Cụ thể, trong tháng 7, tháng 8/2022, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã sụt giảm tới hơn 171 nghìn tỷ đồng, trong khi tiền gửi của dân cư có tăng trưởng nhưng không nhiều (tăng hơn 17 nghìn tỷ đồng). Theo đó, tổng tiền gửi tại hệ thống đã giảm gần 154 nghìn tỷ đồng chỉ trong 2 tháng.

Nhưng theo lãnh đạo NHNN, tính đến nay, huy động vốn tăng khoảng 4,6% so với đầu năm, tức chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng, đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng rất cao, cũng gây quan ngại về thanh khoản của hệ thống ngân hàng vì có huy động được tiền mới cho vay được nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, với áp lực bảo đảm nguồn vốn để có thể bảo đảm thanh khoản cho các tổ chức tín dụng cũng như có nguồn vốn để cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, NHNN đã điều chỉnh các mức lãi suất điều hành từ tháng 9 và gần đây nhất là từ 25/10 điều chỉnh lần 2, tăng lãi suất điều hành và tăng lãi suất trần huy động của các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng.

Điều này bảo đảm cho các tổ chức tín dụng có khả năng huy động thêm được nguồn vốn để bảo đảm an toàn thanh khoản, và thứ hai là có điều kiện để cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Thực tế, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã được các ngân hàng tăng trở lại mức cao so như trước đại dịch Covid-19.

Thế nhưng, hiện các ngân hàng trung ương trên thế giới, điển hình là Fed tiếp tục tăng lãi suất nhanh và rất mạnh khiến cho đồng tiền nội tệ của các nước mất giá theo.

Các nước sau đó tiếp tục tăng lãi suất với hai mục tiêu: một là chống lạm phát trong nước, hai là chống đỡ sự giảm giá của đồng nội tệ so với USD. Vì thế, để có thể kiểm soát được tỷ giá VND, phương án được lựa chọn là tăng thêm lãi suất.

ACBS đưa ra nhận định, khả năng NHNN tăng lãi suất điều hành lên 0,5 - 1 điểm % những tháng cuối năm nay.

Sang năm 2023, nếu hành động của các ngân hàng trung ương có tác động như dự kiến và lạm phát được kiểm soát, các chuyên gia dự kiến chính sách tiền tệ có thể được nới lỏng trong nửa cuối năm sau.

SSI cho rằng, các ngân hàng thương mại đều đã đồng loạt điều chỉnh tăng 0,3-1% tùy kỳ hạn, trong đó kỳ hạn dưới 6 tháng ở hầu hết ngân hàng cổ phần đã đẩy lên mức trần 6%/năm.

Mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng hiện đã về lại vùng trước Covid-19 hoặc thậm chí cao hơn, với mức tăng trung bình 3-4% so với cuối năm 2021, nhưng dự báo cuộc đua lãi suất chưa dừng lại.

Tin bài liên quan