“Sóng sánh” cổ phiếu đầu tư công

“Sóng sánh” cổ phiếu đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu đầu tư công cứ rộ lên từng đợt khi xuất hiện làn sóng thông tin liên quan tới kế hoạch giải ngân vào lĩnh vực này của Chính phủ.

Hưởng lợi từ thông tin giải ngân đầu tư công

Quan sát nhóm cổ phiếu đầu tư công (xây lắp, vật liệu xây dựng) trong vòng 2 năm trở lại đây có thể thấy, các nhịp tăng của nhóm cổ phiếu này thường gắn với làn sóng thông tin liên quan tới kế hoạch giải ngân đầu tư công của Chính phủ. Do vậy, phần lớn các cổ phiếu trong nhóm này có diễn biến tăng giá theo kỳ vọng rồi chững lại một thời gian để “chờ đợi” thông tin.

Sáu tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp nhằm tăng cường giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, cả nước đã giải ngân được 30,49% kế hoạch được giao cả năm, cải thiện vượt bậc so với con số 25,68% của cùng kỳ năm 2022, dù quy mô vốn đầu tư công được giao trong năm 2023 là rất lớn, khoảng 711.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước. Các địa phương có tốc độ giải ngân nhanh có thể kể đến như Tiền Giang (56,65%), Đồng Tháp (53,26%), hay Long An (53,11%). Bộ Giao thông Vận tải, với việc giải ngân 34.300 tỷ đồng vốn đầu tư công trong nửa đầu năm 2023, đạt 36,48% so với kế hoạch được giao, được đánh giá là điểm sáng trong việc giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay. Theo Công ty Chứng khoán DSC, việc hàng loạt tuyến cao tốc thành phần Bắc - Nam giai đoạn 1 được khánh thành và đưa vào sử dụng trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, cùng với công tác khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài 723,7 km, khởi công tuyến Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 Hà Nội đúng hẹn vào tháng 6, đã tạo tâm lý tích cực cho thị trường với nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công. Tuy vậy, các yếu tố này đã phần nào được phản ánh vào giá các cổ phiếu.

Ở thời điểm hiện tại, khi bức tranh tài chính quý II/2023 cũng như nửa đầu năm của các doanh nghiệp phần nào lộ rõ, các nhóm cổ phiếu này đang phân hóa theo kết quả kinh doanh của từng doanh nghiệp.

Với đặc thù giải ngân đầu tư công thường tăng nhanh trong giai đoạn cuối năm, ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Công ty Chứng khoán DSC kỳ vọng, các dự án giao thông sẽ được đẩy nhanh trong nửa cuối năm 2023, từ đó, giúp tốc độ giải ngân duy trì đà tích cực, hoàn thành kế hoạch Chính phủ đã giao, là động lực quan trọng hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng. Nhóm ngành xây dựng, vật liệu xây dựng sẽ được hưởng lợi. Đặc biệt, các nhà thầu xây dựng có năng lực thi công cao, uy tín, sở hữu nhiều gói thầu như Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã HHV), Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 (C4G), Tổng công ty Vinaconex (mã VCG), hoặc các doanh nghiệp sở hữu các mỏ đá có vị trí thuận lợi như Công ty cổ phần Khoáng sản và xây dựng Bình Dương (mã KSB), Công ty cổ phần Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa (mã VLB) sẽ hưởng lợi nhiều nhất.

Chuyển động tích cực từ doanh nghiệp

Cuối năm 2022, đầu năm 2023, Cienco4 cho biết, Công ty đã trúng thầu hai dự án lớn: dự án Cao tốc Bắc - Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh, với giá trị trúng thầu phần thi công là hơn 1.800 tỷ đồng; dự án Cao tốc Bắc - Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau, với giá trị trúng thầu hơn 1.700 tỷ đồng. Theo chia sẻ của lãnh đạo Cienco4, khối lượng công việc hiện tại đủ cho Công ty hoạt động trong 3 năm.

Công ty cổ phần FECON (mã FCN) cũng cho biết đã trúng nhiều gói thầu như thi công kè bê tông thuộc Dự án Cầu Hôn trị giá gần hơn 59,7 tỷ đồng tại Phú Quốc; gói thầu thi công cọc xi măng đất D1200 thuộc Dự án Royal Group Headquarters (tại Campuchia) trị giá hơn 22,2 tỷ đồng, hay gói sản xuất và ép cọc tại Dự án Clubhouse Vũng Bàu (Phú Quốc) trị giá 12,2 tỷ đồng. Ngoài ra, FECON cũng làm nhà thầu phụ tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2… Tính từ đầu năm 2023 đến nay, FECON đã trúng các gói thầu với tổng trị giá gần 800 tỷ đồng.

Đầu tư công là một chủ đề lớn của nền kinh tế và là câu chuyện hứa hẹn xuyên suốt thị trường chứng khoán trong nước năm 2023.

Ông Nguyễn Vũ Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán VNDIRECT

Công ty cho biết, sẽ tiếp tục duy trì quan điểm chọn lọc dự án để tham gia đấu thầu và triển khai thi công, đảm bảo nguồn lực tốt nhất cho các dự án, không trúng thầu bằng mọi giá bất chấp rủi ro thanh toán. Đây được cho là giải pháp an toàn trong bối cảnh lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn ở mức cao và trên thị trường, dòng tiền vẫn tiếp tục khó khăn.

Dự kiến, trong tháng 8/2023, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ khởi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1. Đại diện ACV cho biết, gói thầu thi công, xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1 (gói thầu 5.10) có 3 liên danh tham gia đấu thầu, hiện đang trong giai đoạn chấm thầu. Hiện UBND huyện Long Thành đã bàn giao 100% mặt bằng cho ACV để triển khai thi công dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 khu vực 1.810 ha và khu vực 722 ha. Đối với Dự án tuyến giao thông kết nối T1 có diện tích thu hồi đất 66,45 ha, đến nay, đã phê duyệt toàn bộ diện tích nêu trên. Trong đó, địa phương đã bàn giao mặt bằng cho ACV 38,14 ha, còn lại 22,42 ha UBND huyện Long Thành đang phối hợp với các ban ngành, đoàn thể của huyện vận động hộ dân nhận tiền và bàn giao mặt bằng.

Vinaconex cũng có giá trị trúng thầu các gói thầu thi công dự án đầu tư công khá lớn. Sau khi hoàn thành 3 gói thầu Phan Thiết - Dầu Giây (2.300 tỷ đồng), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (3.225 tỷ đồng) và Mai Sơn - Quốc lộ 45 (2.500 tỷ đồng), Vinaconex được giao các dự án giao thông lớn khác như gói XL -11 dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi (5.232 tỷ đồng), gói XL01 dự án Vũng Áng - Bùng (5.400 tỷ đồng), gói XL-12 dự án Quy Nhơn - Chí Thạnh (3.055 tỷ đồng), gói XL-02 dự án Vân Phong - Nha Trang (3.549 tỷ đồng).

Trong khi đó, Đèo Cả trúng thầu 3 gói trong dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, với tổng trị giá 14.677 tỷ đồng, thời gian thi công đến cuối năm 2026. Bên cạnh đó, sự hồi phục của ngành du lịch giúp hoạt động thu phí giao thông của Công ty khả quan hơn khi phần lớn các trạm BOT ở các tuyến từ Khánh Hòa đến Huế là các khu vực có du lịch phát triển...

Những chuyển động tích cực đang diễn ra trong ngành xây lắp nói chung và nhóm doanh nghiệp trúng thầu các dự án đầu tư công nói riêng.

Ông Nguyễn Vũ Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhìn nhận, đầu tư công là một chủ đề lớn của nền kinh tế và là câu chuyện hứa hẹn xuyên suốt thị trường chứng khoán trong nước năm 2023. Các dự án hạ tầng trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ để đến cuối năm hoàn thành ít nhất 95% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh thúc đẩy giải ngân, Chính phủ đã và đang có những giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, qua đó hỗ trợ nhiều ngành nghề liên quan đến đầu tư công và tạo động lực thúc đẩy kinh tế hồi phục.

VNDirect tin rằng, các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng sẽ được hưởng lợi lớn từ xu hướng đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong giai đoạn 2023 - 2025. Sau khi liên tiếp được chỉ định thầu tại các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (đầu năm 2023), các công ty xây dựng hạ tầng hàng đầu đã ghi nhận giá trị backlog (đơn hàng tồn đọng) tăng đáng kể sau tiến trình theo dõi báo cáo tài chính của 8 công ty niêm yết được chỉ định thầu đầu năm 2023 tại cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.

Tin bài liên quan