Tình hình an ninh phức tạp, cư dân tại chung cư Citihome tự gia cố cho căn hộ của mình

Tình hình an ninh phức tạp, cư dân tại chung cư Citihome tự gia cố cho căn hộ của mình

Sống tại chung cư, cẩn trọng không thừa

(ĐTCK) Vụ hỏa hoạn thương tâm xảy ra tại chung cư Carina Plaza, phường 16, quận 8, TP.HCM rạng sáng 23/3 khiến không chỉ các chủ đầu tư mà cả những cư dân chung cư cũng phải tự nhìn nhận lại cách sống của mình trong môi trường tập thể.

Thị trường bất động sản phát triển mạnh, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, đi theo đó là những tòa nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều để đáp ứng nhu cầu chỗ ở của người dân. Phân khúc chung cư được coi là lựa chọn hàng đầu của các hộ gia đình có thu nhập trung bình, khá.

Phần lớn những người lựa chọn sống trong căn hộ vì an toàn, tuy nhiên, những sự việc xảy ra gần đây tại các tòa nhà cao tầng khiến nhiều người không khỏi hoang mang. Trong thảm họa mới nhất là vụ cháy chung cư Carina Plaza, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM cho biết, nguyên nhân phát cháy từ một xe ở tầng hầm.

Hoặc đầu tháng 3 vừa qua, tại tòa nhà Nam Định Tower trên đường Điện Biên (TP.Nam Định), một bé trai 3 tuổi tử vong vì rơi từ tầng 20 xuống tầng 6. Mới đây tại Chung cư Khang Gia, quận Gò Vấp (TP.HCM), không ít người phải hoảng hồn khi chứng kiến một em bé trèo ra ngoài cửa sổ từ một căn hộ tại tầng 11. Rất may, em đã được hàng xóm phát hiện và đưa vào nhà kịp thời.

Chia sẻ với phóng viên Đầu tư Bất động sản, chị Huỳnh Thị Phi Yến, cư dân tại chung cư Khang Gia cho biết, lúc chị đang ngồi hướng dẫn con học bài ở cửa sổ thì phát hiện, bên phía nhà đối diện có một em bé đang trèo ra ngoài qua đường cửa sổ. Quá hoảng hốt, chị liền hô hoán gọi người trong nhà ra đưa bé vào nhưng không thấy ai trả lời.

“Lúc tôi nhìn thấy thì em bé đó đã buông một cánh tay và một chân ra khỏi thành cửa để dò dò phía sau. Lúc đó tim tôi gần như thắt lại vì sợ hãi cho em bé”, chị Yến kể lại.

Theo tìm hiểu của phóng viên, cửa sổ của các căn hộ tại chung cư Khang Gia, quận Gò Vấp, được thiết kế theo dạng cửa lùa để người dân có thể dễ dàng thoát hiểm và đón gió. Tuy nhiên, đối với những gia đình có trẻ nhỏ thì cần lưu ý che chắn để tránh xảy ra những tình huống nguy hiểm. Bởi trong khoảng 2 năm trở lại đây, liên tiếp những vụ tai nạn đã xảy ra khiến nhiều em bé tử vong khi rơi từ ban công, cửa sổ ở những tòa nhà cao tầng.

Điểm chung của hầu hết các vụ tai nạn này là các em còn nhỏ tuổi, hiếu động, rơi ngã khỏi ban công khi ở nhà một mình hay người lớn không thường xuyên để mắt. Tuy nhiên, một yếu tố tiềm ẩn có nguy cơ xảy ra tai nạn đó là cửa sổ tại nhiều chung cư được thiết kế không đúng tiêu chuẩn.

Chia sẻ về vấn đề này, kiến trúc sư Phạm Cảnh Đông, Giám đốc dự án tại Công ty cổ phần xây dựng Conteccons cho biết, đối với những dự án cao tầng, phần kính ở bên dưới nằm trong tầm với của trẻ em phải là những tấm kính chết, không thể mở được. Còn đối với những cánh mở được phải luôn luôn vượt qua tầm với của trẻ em.

“Những nguyên tắc an toàn đã được quy định trong luật xây dựng như lan can phải cao tối thiểu 1,4 m, các song sắt thiết kế đứng, cửa sổ chữ A, nên sử dụng kính cường lực 2 lớp và khung sắt để đảm bảo chịu lực an toàn”, ông Đông chia sẻ.

Dĩ nhiên là không có một công trình nào tuyệt đối an toàn đối với trẻ nhỏ nếu không có sự giám sát chặt chẽ của người lớn. Do đó, người lớn phải thường xuyên chú ý đến con em mình để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Cũng là câu chuyện từ cái cửa sổ, nhưng những cư dân hiện đang sinh sống tại chung cư Citi Home quận 2 (TP.HCM) đang cảm thấy bất an khi tình trạng trộm “ghé thăm” thường xuyên dù nhà ở trên cao và bên dưới đã có bảo vệ.

Nhiều cư dân tại đây cho biết, những vấn đề vướng mắc đang xảy ra tại chung cư Citi Home quận 2, cư dân đã nhiều lần đề nghị được ngồi lại với chủ đầu tư là Công ty cổ phần Kiến Á và Ban quản lý tòa nhà để cùng nhau trao đổi, đưa ra ý kiến chung, nhưng đến nay vẫn chưa có cuộc họp nào được đưa ra.

 “Do nhà bên cạnh chưa có người vào ở nên đêm đó trộm đã trèo qua cửa sổ để vào nhà tôi, may mắn là toàn thể thành viên trong gia đình vẫn an toàn. Thôi thì của đi thay người, tôi đang thuê người hàn khung sắt ở ngoài cửa sổ để cho an toàn rồi”, anh Hoàng, nạn nhân vụ trộm “thăm” nhà nói.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một vấn đề nếu hàn khung sắt quá kỹ lưỡng, nếu rủi ro hỏa hoạn xảy ra thì người trong nhà rất khó thoát ra ngoài. Do đó, giải pháp mành thép bọc nhựa nhỏ nên được sử dụng. Và điều quan trọng hơn, sống trong một chung cư là sống trong một tập thể lớn, cư dân phải hiểu rằng mỗi bất cẩn của mình có thể gây họa cho số đông người xung quanh. Đồng thời, mỗi ban quản lý nhà chung cư cũng cần thống nhất có những chế tài nghiêm khắc hơn đối với những hành vi có thể gây mất an toàn tại chung cư.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan