“Sống” trên thị trường giá xuống, cách nào?

“Sống” trên thị trường giá xuống, cách nào?

(ĐTCK-online) Với những biến động trong thời gian qua, có lẽ không phải bàn cãi nhiều về việc thị trường đang trong một downtrend hay uptrend. Vấn đề mang nhiều ý nghĩa hơn là đi tìm một chiến lược phù hợp trong giai đoạn phức tạp của thị trường.

Chúng ta đang ở trong một thị trường giá xuống (bear market)

Với sự sụt giảm gần như liên tục và khá mạnh trong 4 tháng gần đây nói riêng và 12 tháng qua nói chung, giới đầu tư dường như đều đồng tình rằng chúng ta đang sống trong một thị trường giá xuống.

 

Thị trường giá xuống
Thị trường giá xuống

Chiến lược mua và nắm giữ (buy and hold) chưa phát huy hiệu quả trong ngắn hạn

Theo cách phân loại của Colin Nicholson, trong thị trường tài chính tồn tại hai dạng NĐT chủ yếu: NĐT mua và nắm giữ (Buy-and-hold investors) và NĐT năng động (Active investors). Hai nhóm NĐT này có chiến lược và phản ứng khác nhau với biến động thị trường.

Tính chu kỳ của thị trường (các xu hướng tăng giảm nối tiếp nhau) sẽ khiến cho Buy-and-hold investors đôi khi không theo kịp những biến động ngắn hạn của thị trường, đặc biệt là trong những giai đoạn thị trường giá xuống (bear market period). Thực tế năm nay đã chứng minh chiến lược của nhóm Buy-and-hold investors khó thu được lợi nhuận.

Tuy vậy, nếu nhìn ra một chu kỳ dài hơn thì khả năng sóng 3 lớn theo Lý thuyết sóng Elliott sẽ đem lại lợi nhuận cho nhóm này trong 2 - 3 năm tới. Thông thường, các tổ chức có lượng vốn lớn cần một thời gian khá dài để giải ngân và khả năng phòng ngừa rủi ro cao, có thể thực hiện hiệu quả chiến lược này.

 

Đường trendline chống đỡ dài hạn
Đường trendline chống đỡ dài hạn

Những tín hiệu nào đã xuất hiện?

Sự đứt gãy của các ngưỡng chống đỡ quan trọng

Tín hiệu đáng chú ý nhất mà giới phân tích kỹ thuật chứng kiến trong năm nay là sự đứt gãy liên tục của các ngưỡng chống đỡ quan trọng. Hai ngưỡng chống đỡ lớn mà chúng ta có thể điểm qua:

Thứ nhất là đường trendline chống đỡ dài hạn. Sau hai lần chống đỡ rất tốt cho VN-Index tại ngưỡng 412,88 (ngày 20/7/2009) và 434,87 (17/12/2009) thì ngưỡng này đã bị thủng hoàn toàn vào ngày 12/8/2010.

Thứ hai là Fibonacci Retracement 38,2%. Đây là một trong những yếu tố chủ chốt giúp duy trì sự cân bằng của thị trường trong suốt 7 tháng đầu năm 2010. Tuy nhiên, nó cũng bị phá vỡ bởi sự lao dốc mạnh mẽ của thị trường trong giai đoạn tháng 8/2010.

Điều này đã thay đổi về cơ bản chiến lược trong những tháng cuối năm và thậm chí là đầu năm 2011.

 

 

Chiến lược nào cho chúng ta?

Cắt lỗ dứt khoát

Một trong những nguyên tắc được đúc kết là các ngưỡng kháng cự sẽ rất vững và các ngưỡng chống đỡ rất dễ bị phá vỡ trong một thị trường giá xuống. Vì vậy, việc cắt lỗ nhanh và dứt khoát có thể coi là điều quan trọng bậc nhất tại thời điểm hiện nay.

Vậy đâu là ngưỡng kỹ thuật để cắt lỗ? Nếu mua vào tại mức giá hiện nay, ngưỡng cắt lỗ sẽ nằm ở vùng 420 - 425 điểm, vì khi đó ngưỡng Fibonacci Retracement 50% sẽ bị phá vỡ hoàn toàn. Vấn đề đặt ra tiếp theo trong trường hợp này là vùng giá nào thì chúng ta có thể mua lại cổ phiếu. 

 

Xác định các vùng hội tụ mạnh

Hiện nay, giới phân tích kỹ thuật đang đưa ra giả thuyết cho rằng kịch bản tháng 02/2009 sẽ lặp lại. Điều này chủ yếu dựa trên hai lý do chính:

Thứ nhất, sự đồng tình rất lớn về việc đếm sóng. Hầu hết các nhà phân tích kỹ thuật tại Việt Nam đều cho rằng thị trường đang đi vào sóng c của sóng 2 lớn giảm điểm.

Thứ hai, hai loại Fibonacci Retracement và Fibonacci Projection tạo thành vùng converging zone rất mạnh là 350 - 380 điểm. Lật lại quá khứ, sự xuất hiện của vùng hội tụ mạnh như vậy của hai loại Fibonacci luôn là báo hiệu cho điểm dừng dài hạn của thị trường. Điều này có thể thấy rất rõ trong giai đoạn tháng 02/2009 và tháng 07/2009.

Điều thú vị là, hiện nay, một sự hội tụ với mức độ cao như thế đang hình thành tại vùng 350 - 380 điểm. Đây có thể coi là một trong những lý do chính, bên cạnh các báo hiệu của Time Zones, ủng hộ việc mua vào cho mục đích trung hạn.

 

Vùng 420 - 425 điểm là "nút sống" ngắn hạn của thị trường

Do vùng 420 - 425 điểm tập trung khá nhiều các ngưỡng chống đỡ mạnh nên ngưỡng này có thể coi là "nút sống" trong ngắn hạn của thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, như đề cập ở trên, trong một xu hướng giảm, các ngưỡng kháng cự sẽ khá vững chắc và các ngưỡng chống đỡ sẽ có khuynh hướng dễ bị xuyên thủng.

Mặt khác, cho dù giá có phá vỡ vùng này hay không thì việc mua vào mạnh tại vùng này có thể không phải là một lựa chọn tốt nhất, đặc biệt đối với NĐT cá nhân. Với thực tế thị trường Việt Nam bị chi phối rất mạnh bởi yếu tố tâm lý, việc bắt dao rơi là điều không được ủng hộ trong những tháng cuối năm.

 

Nên kiên nhẫn chờ đợi các tín hiệu dài hạn quay lại

Chúng tôi cho rằng, đối với những NĐT có lượng tiền mặt tương đối dồi dào thì việc bắt đáy từ từ vẫn có thể thực hiện. Đối với nhóm NĐT có tỷ lệ cổ phiếu hơn 60% thì chờ đợi có thể là chiến lược thích hợp nhất. Đây không phải là một chiến lược dễ chịu, nhưng việc mua trung bình giá không phải là lựa chọn hợp lý khi tiền mặt không còn dồi dào. Lý do chủ yếu là những NĐT thuộc nhóm này sẽ phải đối mặt với rủi ro cao nếu những ngưỡng chống đỡ mạnh bị đứt gãy (đặc biệt là vùng 420 - 425 điểm).

Chúng tôi đang chờ đợi tín hiệu mua của Parabolic SAR weekly và SMA 100. Những nghiên cứu của chúng tôi cho thấy hầu hết các đợt tăng kéo dài và mạnh trên thị trường Việt Nam đều có sự trùng hợp một cách ngạc nhiên của hai tín hiệu này. Đây là một thực tế rất đáng xem xét.