“Sốt ruột” với tiến độ tái cơ cấu

“Sốt ruột” với tiến độ tái cơ cấu

Sau khi được đặt lên bàn nghị sự của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ, việc triển khai Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, đang được kỳ vọng sẽ có bước đột phá trong thời gian tới.

>> Cổ phần hóa các “ông lớn” lại chậm

>> Tái cơ cấu, quyết liệt nhưng không thể vội vàng

 

Chuyển biến chưa sắc nét

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa diễn ra, Chính phủ đã xem xét Báo cáo về tình hình triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tuy việc triển khai Đề án đã mang lại một số kết quả tích cực, nhưng Chính phủ thẳng thắn thừa nhận: tiến độ tái cơ cấu nói chung và 3 lĩnh vực trọng tâm nói riêng còn chậm; các giải pháp thực hiện vẫn trong khuôn khổ hệ thống thể chế hiện hành, chưa có những thay đổi đột phá tạo lập môi trường vi mô năng động, thúc đẩy phân bố và sử dụng nguồn lực hợp lý, hiệu quả...

Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, thành công của Đề án là đã vạch ra đường hướng lớn cho thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng các giải pháp triển khai lại chưa chi tiết, khả thi đến từng ngành, từng DN cụ thể.

“Sốt ruột” với tiến độ tái cơ cấu ảnh 1

Vinatex là một trong những tập đoàn đã được Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu

“Vì còn thiếu các giải pháp triển khai chi tiết, chưa kịp thời trong đưa ra các giải pháp khắc phục bất cập phát sinh, nên đến thời điểm này, không chỉ triển khai Đề án chậm, mà kết quả đạt được chưa như mong đợi, nếu không muốn nói là mờ nhạt…”, TS. Cao Sĩ Kiêm, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, đồng thời cho rằng, điều này thể hiện rõ nét trên cả 3 lĩnh vực tái cơ cấu then chốt mà Đề án đặt ra. Nhìn vào kết quả đạt được bước đầu trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, DNNN, đầu tư công, chưa thấy mối liên hệ thực sự rõ nét rằng đây là kết quả của việc triển khai các giải pháp tái cơ cấu, hay vẫn chỉ là công việc điều hành nhiệm vụ kinh tế đơn thuần.

Đơn cử như đối với tái cơ cấu DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty, tuy nhiều đơn vị đã được phê duyệt đề án tái cơ cấu từ đầu năm nay như: Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem)…, nhưng đến nay, tiến độ triển khai chậm, hiệu quả mờ nhạt. Sau nhiều lần trì hoãn, kế hoạch cổ phần hóa Công ty mẹ Vinatex đến nay vẫn bất định, khiến thị trường, giới đầu tư mất niềm tin.

Một trong những vướng mắc lớn trong quá trình tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty hiện nằm ở khâu thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Nguyên nhân là thị giá của các khoản đầu tư này hiện quá thấp so với giá vốn đầu tư ban đầu, trong khi yêu cầu đặt ra trong quá trình tái cơ cấu là phải bảo toàn vốn nhà nước. Vì yêu cầu này mà Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam , Vinachem đã nhiều lần thất bại trong thoái vốn đầu tư vào các CTCK, công ty bảo hiểm… Đến nay, hướng tháo gỡ khó khăn này vẫn chưa rõ. Vì bất cập này mà tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa diễn ra, các thành viên Chính phủ đã đề xuất nhiều kiến nghị liên quan đến việc ban hành quy định riêng hướng dẫn về thoái vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN.

 

Chờ đột phá

Thực tế trên đang đặt ra đòi hỏi bức bách là cần sớm có các giải pháp đột phá, để thúc đẩy quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra quyết liệt và sâu rộng hơn.

Đáng chú ý, ngay sau khi được Chính phủ đánh giá, để đưa ra giải pháp triển khai trong thời gian tới, Đề án tái cơ cấu nền kinh tế cũng sẽ được Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đang diễn ra bàn thảo, với những vấn đề được đặt ra một cách trực diện: phải chăng thời gian qua, việc tái cấu trúc 3 lĩnh vực ưu tiên được triển khai bị động trong bối cảnh kinh tế vĩ mô không ổn định, nên chưa thực hiện được mục tiêu, yêu cầu đề ra; tới đây cần tiếp tục có những điều chỉnh và kiên trì tiến hành một cách bài bản hơn theo hướng nào...?

Từ nhận diện trên, ông Kiêm kỳ vọng, sau Hội nghị này, sẽ có bước bột phá trong tổ chức triển khai Đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Để đạt mục tiêu này, điều quan trọng là các giải pháp tái cơ cấu đưa ra phải cụ thể hóa trách nhiệm của từng ngành, từng tập đoàn, tổng công ty… Trong đó phải phân định rõ cơ quan quản lý, DN làm gì, làm theo lộ trình nào, trách nhiệm của các bên liên quan đến đâu nếu để xảy ra chậm trễ trong tổ chức triển khai, chứ nếu vẫn chung chung như hiện tại, thì những giải pháp đưa ra vẫn chỉ nằm trên giấy.