Do mâu thuẫn nội bộ, nên mãi tới tháng 10/2014, STT mới tổ chức được ĐHCĐ thường niên 2013 - Ảnh: Bùi Trang

Do mâu thuẫn nội bộ, nên mãi tới tháng 10/2014, STT mới tổ chức được ĐHCĐ thường niên 2013 - Ảnh: Bùi Trang

STT: ĐHCĐ thành nơi đấu tố cựu lãnh đạo

(ĐTCK) Diễn biến tại ĐHCĐ thường niên 2013 của CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT) tổ chức sáng nay cho thấy mâu thuẫn nội bộ của công ty này rất lớn.

Sáng nay (8/10), tại TP. HCM, CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT) tổ chức ĐHCĐ  thường niên năm 2013.

Với tình hình 4/5 thành viên HĐQT đệ đơn xin từ nhiệm, nội bộ lục đục, để đi đến tổ chức được ĐHCĐ này với STT là việc không đơn giản. Diễn biến ĐHCĐ đã bộ lộc rõ nét hơn mâu thuẫn trong nội bộ cổ đông của STT.

Trước đó, như Đầu tư Chứng khoán đã thông tin, Công ty này đang trong tình trạng thua lỗ 2 năm liên tiếp và có nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc. Thế nhưng, vào tháng 7 vừa qua, HĐQT cũ do ông Đỗ Phan Châu làm Chủ tịch HĐQT (nay đã từ nhiệm) đã triệu tập cuộc họp HĐQT để xem xét thanh lý hàng loạt tài sản có giá trị như thanh lý 100 xe taxi, thanh lý khu đất hơn 600 m2 tại quận Gò Vấp (TP. HCM), thanh lý xe đào tạo.

Sự kiện này như giọt nước tràn ly, một nhóm cổ đông 30% đã có đơn kiến nghị, khiếu nại lên nhiều cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét trách nhiệm của HĐQT, Tổng giám đốc đang tại vị.

Sau đó, lần lượt 4 thành viên HĐQT đã đệ đơn từ nhiệm.   

Tại Đại hội này, STT thông qua quyết định miễn nhiệm 4 thành viên HĐQT nói trên và bầu bổ sung 4 vị trí đó và 1 vị trí Ban kiểm soát còn khuyết. Đồng thời, thảo luận, xem xét và thông qua kết quả tình hình kinh doanh năm 2013 và kế hoạch phương hướng năm 2014.

Thế nhưng, ĐHCĐ đã diễn ra không suôn sẻ, bởi rất nhiều ý kiến, đề nghị, đề xuất, phát biểu… đến từ phía cổ đông khiến thời gian bị kéo dài.

Đầu tiên, Đại hội phải chờ cho đủ số cổ đông đại diện cho tỷ lệ 75% cổ phiếu có quyền biểu quyết có mặt đề đủ điều kiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Sau khi có đủ tỷ lệ cần thiết, Đại hội lại gặp vướng mắc với việc biểu quyết thông qua 6 thành viên Ban Kiểm phiếu.

Một cổ đông là cán bộ nhân viên trong Công ty, ông Phạm Tấn Hà, Phó giám đốc Công ty, đã phản đối việc bà Lành, Thư ký HĐQT tham gia Ban kiểm phiếu, bởi như thế không khách quan và đề xuất người khác có đủ “trình độ chuyên môn” để kiểm phiếu.

Tuy nhiên, ý kiến này gặp phải phản ứng của các cổ đông khác khi họ cho rằng, Ban kiểm phiếu làm việc theo tập thể, có nhiều người và công khai. Mặc dù vậy, các cổ đông này đề nghị biểu quyết, nếu ý kiến Đại hội không đồng ý với Ban kiểm phiếu do Chủ tịch đoàn giới thiệu thì mới xem xét một Ban kiểm phiếu mới.

Trao đổi ngoài lề với ĐTCK, một cổ đông nhận xét, chưa chắc người khác vào có khách quan hơn bà Lành hay không, nhưng qua ý kiến này cho thấy mâu thuẫn nội bộ Công ty đang rất lớn.

Cuối cùng đến hơn 10h sáng, Đại hội mới thông qua được Ban Kiểm phiếu gồm 6 thành viên mà Đoàn chủ tịch giới thiệu.

Với thực trạng thua lỗ, yếu kém đã rõ, nội dung bầu bổ sung thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát là nội dung trọng yếu nhất của Đại hội, được cổ đông quan tâm nhất.

Có 6 ứng viên tranh cử vào 4 vị trí HĐQT, trong đó có 2 ứng viên người Nhật là ông Kakazu Shogo, từng làm việc ở Công ty chứng khoán New-S Securities Co (Tokyo, Nhật Bản) và ông Ryotaro Ohtake, hiện là Giám đốc All Corporation Co và có kinh nghiệm làm việc trong ngành khách sạn ở Hawaii (Hoa Kỳ).

Trong đó, ông Kakazu đang được lựa chọn cho vị trí Tổng giám đốc STT từ 1/9 vừa qua.

Ngoài 2 ứng viên người Nhật Bản trên, còn có 4 ứng viên trong nước là ông Nguyễn Văn Hồng, cổ đông đại diện cho 16% vốn STT, hiện là Giám đốc Công ty TNHH MTV Giao nhận Phước An.

Ông Phạm Hải Đăng, hiện là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Trường Phúc, một công ty đầu tư tài chính và kinh doanh bất động sản. Ông Đăng từng làm việc ở Vụ Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính).

Ông Lê Thành Long, Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề bán công và ông Trần Mạnh Trí, Giám đốc Trung tâm dạy nghề bán công. Đây là một Trung tâm trực thuộc STT.

Trước khi cổ đông bỏ phiếu, ứng viên Lê Thành Long đã "cướp diễn đàn" nhằm bảy tỏ sự bức xúc về thực trạng thua lỗ, ăn vào vốn chủ của công ty và chỉ trích mạnh mẽ cá nhân cựu Tổng giám đốc của Công ty, yêu cầu HĐQT cũ phải chịu trách nhiệm về thực trạng của Công ty.
Trước thực trạng này, cổ đông Vũ Việt Cường tỏ ra bức xúc khi Đại hội biến thành nơi đấu tố. Cổ đông này cho biết, trước nguy cơ cổ phiếu biến thành giấy lộn, cổ đông quan tâm nhất là ứng viên đưa ra được chương trình hành động, kế hoạch kinh doanh... của ứng viên, chứ không phải là màn chỉ trích cá nhân cựu lãnh đạo công ty.

Đến tận 12h30, kết quả kiểm phiếu được công bố. Theo đó, 4 ứng viên trúng cử gồm ông Kakazu Shogo, ông Ryotaro Ohtake, ông Nguyễn Văn Hồng và ông Trần Mạnh Trí.

Dù HĐQT mới đã được bầu, nhưng Đại hội vẫn còn hàng loạt nội dung chờ thảo luận như báo cáo của HĐQT, báo cáo của Ban kiểm soát, báo cáo của Tổng giám đốc, các tờ trình…

Tin bài liên quan