Sự lựa chọn đúng để hỗ trợ phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội với quy mô lớn chưa từng thấy.
Để hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi, gói hỗ trợ tài khóa mới được thiết kế với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Để hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi, gói hỗ trợ tài khóa mới được thiết kế với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Việc Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội với quy mô lớn chưa từng thấy, trong đó, riêng gói tài khóa lên đến 291.000 tỷ đồng (bao gồm cả tiền giảm thuế giá trị gia tăng - GTGT) có thể nói là sự lựa chọn đầy khó khăn.

Lựa chọn khó khăn, bởi đây là lần đầu tiên kể từ năm 1999 (thời điểm bắt đầu áp dụng thuế GTGT) đến nay, Việt Nam mới xem xét việc giảm sắc thuế này từ 10% xuống 8% trong bối cảnh xu hướng chung của thế giới hiện nay là giảm thuế trực thu, tăng thuế gián thu. Đáng nói nữa là, cũng chỉ cách đây vài năm, Bộ Tài chính từng kiến nghị nâng thuế suất thuế GTGT từ 10% lên 12% nhằm bảo đảm cân bằng thu chi trong xu hướng giảm thuế trực thu và giảm thu do thực hiện các hiệp định thương mại tự do.

Năm 2020, Chính phủ đã thực hiện gói tài khóa thông qua việc gia hạn thời gian nộp các khoản thuế trị giá 97.500 tỷ đồng; miễn giảm thuế, phí 31.500 tỷ đồng. Năm 2021, quy mô gói tài khóa tiếp tục được mở rộng lên đến 145.000 tỷ đồng, trong đó gia hạn 120.000 tỷ đồng, miễn giảm 25.000 tỷ đồng.

Hai gói tài khóa này đã góp phần quan trọng vào việc duy trì đà tăng trưởng kinh tế năm 2020 với tốc độ tăng trưởng 2,91% và năm 2021 là 2,58%

Thực tế, GDP năm 2021 tăng 2,58% một phần do sức cầu trong nước quá yếu. Năm 2020 và 2021, lần đầu tiên, Việt Nam chứng kiến sự suy giảm sức cầu ở thị trường nội địa khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm tương ứng 1,2% và 6,2%, thay vì tăng bình quân 9 - 10%/năm như trước đây.

Kinh tế suy giảm đầu ra khiến hoạt động sản xuất sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của khu vực doanh nghiệp khó tăng trưởng cao dù được Chính phủ hỗ trợ bằng hàng loạt giải pháp tài khóa, tiền tệ, theo đó mới tập trung chủ yếu hỗ trợ đầu vào, mà chưa hỗ trợ nhiều cho tiêu thụ sản phẩm.

Để hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi, gói hỗ trợ tài khóa mới được thiết kế với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Bên cạnh việc tiếp tục gia hạn tiền thuế, tiền thuê; miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, Chính phủ còn thực hiện giảm thuế GTGT dự kiến lên đến 49.400 tỷ đồng cho hầu hết sản phẩm hàng hóa, dịch vụ (trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang có lợi thế phát triển, gồm viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, kim loại, khai khoáng, hóa chất...).

Thuế GTGT là sắc thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng. Việc giảm thuế GTGT sẽ gián tiếp góp phần giảm giá hàng hóa, dịch vụ trong nước, qua đó kích thích sản xuất.

Trong tất cả các sắc thuế, việc điều chỉnh thuế GTGT là khó khăn nhất, bởi không chỉ tác động ngay tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn tác động đến người tiêu dùng và các loại hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, việc Chính phủ trình Quốc hội thông qua gói giảm thuế GTGT năm 2022 được xem là đầu máy đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, cùng với đầu máy kéo là các giải pháp tài chính, tiền tệ còn lại theo đúng chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022.

Song chính sách nào cũng có 2 mặt. Năm 2008, kinh tế Việt Nam bị suy thoái do chịu tác động tiêu cực bởi khủng hoảng tài chính thế giới. Để phục hồi kinh tế, khi đó, Chính phủ cũng thực hiện hàng loạt gói giải pháp cả tài khóa lẫn tiền tệ lên tới 6,9 tỷ USD (5,6% GDP). Gói kích thích kinh tế này đã giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng, là một trong số ít quốc gia trên thế giới giữ vững mức tăng trưởng dương (5,7% trong năm 2008; 5,4% trong năm 2009). Nhưng hậu quả là lạm phát leo thang (lên tới 22,97% vào năm 2008 và 18,58% vào năm 2011); nợ công, bội chi tăng đến mức, Bộ Tài chính phải chấp nhận “vay nóng” trên thị trường với lãi suất 11 - 13%/năm…

Lạm phát tăng sẽ xóa bỏ hầu hết kết quả kinh tế đạt được, thu nhập thực tế của người dân cũng bị giảm. Gói kích thích kinh tế, nếu kém hiệu quả sẽ khiến nợ công, bội chi, nợ nước ngoài tăng.

Quy mô nền kinh tế, trình độ phát triển kinh tế, trình độ quản trị tài khóa, tiền tệ của các cơ quan quản lý nhà nước đã được cải thiện nhiều so với cách đây 10 năm. Nhưng bài học năm 2008 - 2009 vẫn còn nguyên tính thời sự, nhất là khi lạm phát không còn là nguy cơ tiềm ẩn, mà đã quay trở lại tại nhiều nền kinh tế phát triển hơn Việt Nam rất nhiều lần như EU, Hoa Kỳ...

Bởi vậy, từ bài học năm 2008 - 2009, hy vọng trong quá trình thực thi gói tài khóa, tiền tệ nói chung, gói giảm thuế GTGT nói riêng, các bộ, ngành vẫn kiểm soát được lạm phát, đầu tư công.

Tin bài liên quan