Agribank cần được hỗ trợ để tiếp tục giữ vị trí trụ cột cung cấp tín dụng cho nông nghiệp, nông dân

Agribank cần được hỗ trợ để tiếp tục giữ vị trí trụ cột cung cấp tín dụng cho nông nghiệp, nông dân

“Sứ mệnh phục vụ nông nghiệp, nông thôn của Agribank luôn phải đặt lên hàng đầu”

(ĐTCK) Đó là chia sẻ của ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank với Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng về hoạt động của Ngân hàng thời gian qua. 

Nhìn lại năm 2018, có thể thấy đó là một năm thành công của Agribank trên nhiều mặt, đặc biệt là kết quả kinh doanh ấn tượng. Là người điều hành Ngân hàng, ông có thể cho biết, con số ấn tượng đó là đóng góp từ những lĩnh vực kinh doanh nào?

Nền kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt nhiều kết quả tốt đẹp, nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố và thị trường tiền tệ ổn định đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong đó có Agribank.

Với sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực của tập thể lãnh đạo và người lao động, Agribank đã đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2018, các chỉ tiêu kinh doanh tăng trưởng gấp hơn 2 lần so với thời điểm bắt đầu tái cơ cấu và là năm thứ 3 liên tiếp hoàn thành toàn diện các mục tiêu kinh doanh hàng năm.

Trong đó, tổng tài sản đạt gần 1,3 triệu  tỷ đồng, tăng 11,3%; lợi nhuận đạt trên 7.500 tỷ đồng, tăng 50% so với năm trước; khả năng sinh lời, năng suất lao động tăng cao.

Ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank

Nguồn vốn thị trường 1 tăng 11,8%; quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng, tín dụng tăng trưởng 14,6%, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm trên 70% dư nợ cho vay. Nợ xấu được kiểm soát có hiệu quả ở mức 1,5%, thu hồi nợ sau xử lý vượt chỉ tiêu đề ra. Agribank đã hoàn thành trước thời hạn về xử lý và kiểm soát nợ xấu theo Phương án cơ cấu lại giai đoạn 2016 - 2020 được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt (dưới 3%).

Bên cạnh những kết quả tích cực từ huy động vốn, cho vay và đầu tư còn có sự đóng góp rất lớn từ lĩnh vực dịch vụ với tổng doanh thu đạt 5.400 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2017. Kinh doanh dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ với hơn 14 triệu khách hàng, 213 sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được phân thành 10 nhóm cung ứng trên 7 kênh phân phối truyền thống và hiện đại (2.300 chi nhánh, gần 3.000 ATM, CDM và trên 20.000 EDC/POS, Mobile banking, Internet banking, CMS, tổ liên kết, ngân hàng đại lý và 68 điểm giao dịch lưu động) đã góp phần từng bước chuyển đổi mô hình kinh doanh từ phụ thuộc vào tín dụng sang kinh doanh đa dịch vụ, phù hợp với định hướng cơ cấu lại.

Với nền tảng thành công năm 2018, ông có thể chia sẻ những dự kiến trong hoạt động kinh doanh của Agribank năm 2019? Ngân hàng đề ra những giải pháp nào để triển khai thành công các mục tiêu đặt ra?

Phát huy kết quả ấn tượng đã đạt được trong năm 2018, để tạo dấu mốc chuẩn bị chuyển giao lịch sử từ NHTM 100% vốn nhà nước sang NHTM cổ phần và hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản trong phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020.

Năm 2019, Agribank phấn đấu đạt các mục tiêu sau: Tổng tài sản tăng từ 10 - 13%; nguồn vốn huy động thị trường 1 tăng từ 13 - 15%; dư nợ cho vay nền kinh tế tăng từ 11 - 14%, tiếp tục là NHTM giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực tín dụng nông nghiệp, nông thôn với tỷ lệ cho vay lĩnh vực này chiếm 65 - 70% dư nợ của Agribank; kiểm soát có hiệu quả nợ xấu ở mức dưới 3% và dự kiến mua lại trước hạn toàn bộ các khoản nợ đã bán cho VAMC bằng trái phiếu đặc biệt; tăng năng lực tài chính, đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định.

Để hoàn thành kế hoạch, trong năm 2019, ngoài việc phải bám sát mục tiêu, tiếp tục triển khai có hiệu quả 16 nhóm giải pháp về tái cơ cấu, ngay từ đầu năm Agribank còn xây dựng và tổ chức triển khai 7 nhóm giải pháp về hoạt động kinh doanh, 4 nhóm giải pháp quản trị điều hành.

Trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống cơ chế, quy trình nghiệp vụ đảm bảo an toàn, hiệu quả và đúng pháp luật; tăng cường huy động vốn, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng năng lực tài chính để nâng cao năng lực phục vụ nền kinh tế; tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng quản lý gắn với chuyển dịch cơ cấu tín dụng; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quan hệ dịch vụ với
Agribank…

Agribank và những ngân hàng có vốn nhà nước chi phối đã đề cập nhiều tới việc tăng vốn để nâng cao năng lực phục vụ nền kinh tế. Ông có thể cho biết câu chuyện này đang diễn ra như thế nào?

Những năm gần đây, các NHTM đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II, tuy nhiên kết quả còn hạn chế. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ an toàn vốn của khối NHTM nhà nước cũng đã sát với mức tối thiểu. Thời gian từ nay đến năm 2020 không còn nhiều nên việc tăng vốn, đảm bảo tỷ lệ an toàn theo quy định nhằm tăng năng lực phục vụ nền kinh tế trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Đối với Agribank là NHTM có 100% vốn nhà nước chưa được cổ phần hóa nên việc tăng vốn dựa vào ngân sách là chính. Từ một ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ, hiện nay Agribank có vốn điều lệ 30.500 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm “Big 4”.

Với quy mô tài sản, nguồn vốn, đầu tư tín dụng đều trên 1 triệu tỷ đồng, dẫn đầu toàn hệ thống và thực hiện vai trò chủ đạo trong tín dụng nông nghiệp nông thôn, hàng năm tăng trưởng tín dụng từ 11 - 14% để đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, từ cuối năm 2018, Nghị định 116 của Chính phủ về sửa đổi Nghị định 55 có hiệu lực đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng vay vốn không có tài sản đảm bảo, tuy nhiên lại là áp lực đối với Agribank khi tỷ trọng vay nông nghiệp nông thôn cao và phần lớn là cho vay không có tài sản bảo đảm dẫn đến quy mô tài sản có rủi ro tăng mạnh.

Mặc dù Agribank đã tích cực điều chỉnh cơ cấu tài sản, tiết giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận để bổ sung vốn tự có nhưng tỷ lệ an toàn vốn tiếp tục giảm dần và tiệm cận mức tối thiểu theo quy định. Trong năm 2019, nếu không được sớm cấp bổ sung vốn điều lệ, Agribank sẽ gặp khó khăn trong việc tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn, hạn chế ngay đến khả năng tăng trưởng tín dụng và đáp ứng nhu cầu vốn vay của khách hàng.

Vì vậy, Agribank kính đề nghị Chính phủ và các cơ quan bộ ngành sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, cấp bổ sung vốn điều lệ và cho phép Agribank phát hành trái phiếu dài hạn để tăng vốn tự có, tăng năng lực tài chính và khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Ông có thể cho biết kết quả hoạt động kinh doanh của Ngân hàng từ đầu năm 2019 đến nay?

Những tháng đầu năm 2019, hoạt động kinh doanh của Agribank tiếp tục tăng trưởng tốt, đến 30/4/2019, nguồn vốn huy động thị trường 1 đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng; tăng trưởng tín dụng 3,2% so với đầu năm, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, kịp thời cung ứng vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; nợ xấu tiếp tục được kiểm soát có hiệu quả ở mức dưới 2%; kinh doanh dịch vụ được đẩy mạnh, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2018. Kết quả tài chính tiếp tục tăng, lợi nhuận trước thuế 4 tháng đầu năm đạt trên 4.000 tỷ đồng, gấp 1,5 lần 4 tháng đầu năm 2018.

Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của NHTM nhà nước với sứ mệnh phục vụ nông nghiệp nông thôn và nông dân là chính; thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quan hệ dịch vụ với ngân hàng, năm 2019, Agribank đã tiếp tục giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, cân đối nguồn vốn hiệu quả, tiết giảm chi phí để giữ ổn định lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm; hỗ trợ kịp thời nguồn vốn để thu mua lúa gạo, tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, Agribank còn tiên phong triển khai các biện pháp nhằm góp phần hạn chế tín dụng đen: ban hành gói tín dụng quy mô 5.000 tỷ đồng để cho vay đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cấp bách của cá nhân, hộ gia đình với thủ tục vay vốn và thời gian cho vay được rút gọn; phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và các tổ chức chính trị xã hội khác đẩy mạnh cho vay qua 68.800 tổ nhóm với 1,5 triệu thành viên; triển khai 68 điểm kinh doanh lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng hoạt động trên địa bàn 389 xã trong toàn quốc, kịp thời cung ứng các sản phẩm dịch vụ tới hàng triệu khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa…

Nợ xấu của Agribank đang có chiều hướng tăng lên, ông nói gì về vấn đề này?

Thực tế cho thấy, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thường xuyên đối mặt với rủi ro thiên tai, dịch bệnh bất khả kháng, tình trạng được mùa rớt giá, chi phí hoạt động lớn và rủi ro cao. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2019, khi một số khách hàng của Agribank phải gánh chịu những thiệt hại do giá lúa gạo giảm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dịch sốt heo châu Phi và nhiều khách hàng vay vốn theo Nghị định 67 về phát triển thủy sản chậm trả nợ… dẫn đến nợ xấu ở một số chi nhánh có chiều hướng tăng nhẹ.

Với trên 70% dư nợ cho vay của Agribank dành cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, do vậy việc xử lý nợ xấu và kiểm soát hạn chế nợ xấu phát sinh, nâng cao chất lượng tín dụng luôn là nhiệm vụ trọng tâm và được Ban lãnh đạo Agribank quan tâm chỉ đạo. Bằng những biện pháp tổ chức quản lý chặt chẽ nợ xấu để có phương án xử lý kịp thời; phân công lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo, hỗ trợ chi nhánh trong việc xử lý nợ xấu và tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức, hệ thống cơ chế phù hợp với quy định Thông tư 13/2018/TT-NHNN… Trong những tháng đầu năm 2019, Agribank đã kiểm soát nợ xấu có hiệu quả ở mức dưới 2% và dự kiến sẽ hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Tin bài liên quan