Sự phức tạp của dòng vốn đầu tư

Sự phức tạp của dòng vốn đầu tư

(ĐTCK-online) Mặc dù tương quan giữa VN-Index và các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới gần đây đã giảm xuống, nhưng cuộc khủng khoảng nợ công ở châu Âu và các hệ lụy tác động tới kinh tế và thị trường vốn Việt Nam vẫn là chủ đề được nhiều NĐT quan tâm. Bởi vậy, hội thảo “Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu tới TTCK và thị trường bất động sản Việt Nam” do CTCK VNDirect tổ chức sáng 10/7 thu hút được nhiều NĐT tham gia.

Diễn giả chính của buổi hội thảo, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định, các diễn biến mới nhất từ châu Âu cho thấy, cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực này có thể không nghiêm trọng như những dự báo ban đầu. Thậm chí gần đây đã xuất hiện các tín hiệu tích cực: cả hai quốc gia có nợ công lớn là Ireland và Bồ Đào Nha đã phát hành thành công trái phiếu chính phủ. Mọi con mắt đổ dồn vào Hy Lạp - quốc gia châu Âu đầu tiên lâm vào cảnh “bần hàn”, nhưng vừa qua, nước này cũng đã thành công trong đợt phát hành trái phiếu và tạo ra sự lạc quan trong giới đầu tư toàn thế giới, đến mức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lập tức nâng tỷ lệ tăng trưởng GDP dự báo trung bình toàn thế giới năm 2010 lên mức 4%.

TS. Nghĩa đánh giá, trên bình diện chung, cuối quý I/2010 tình hình kinh tế thế giới là một bức tranh đa màu: châu Mỹ nửa sáng nửa tối, châu Âu không khả quan. Nhưng đến cuối quý II, bức tranh này đã chuyển dần sang các màu sắc ấm áp hơn: kinh tế Mỹ phục hồi tích cực hơn cách đây 3 tháng, kinh tế châu Âu đang chuyển từ gam màu tối sang sáng dần...

TS. Nghĩa cho biết, gần đây, khi trao đổi với các chuyên gia tài chính nước ngoài, góc nhìn của NĐT quốc tế với Việt Nam vẫn tích cực, vị thế địa chính trị của Việt Nam tiếp tục được củng cố. Đặc biệt, thị trường vốn vẫn được đánh giá hấp dẫn, khi số lượng công ty niêm yết, quy mô thị trường đang tăng nhanh. Tuy nhiên, mối quan tâm của NĐT nước ngoài đến kinh tế Việt Nam hiện nay là cán cân thương mại quốc tế, tỷ giá hối đoái, quá trình tái cơ cấu các tập đoàn như Vinashin diễn ra như thế nào...

Việt Nam là quốc gia tăng trưởng dựa trên xuất khẩu và đầu tư. Khu vực châu Âu vẫn là thị trường tiêu thụ lớn của Việt Nam trong nhiều mũi nhọn xuất khẩu như thủy sản, may mặc, giầy dép… Theo ông Nghĩa, các mô hình tính toán định lượng cho thấy, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu kéo dài có thể khiến Việt Nam giảm tới 1,7% GDP. Dự kiến, tới giữa năm sau, đồng tiền chung châu Âu mới phục hồi. Tuy nhiên, hiện tại giá vàng và giá USD đều tăng, do đó kéo theo tác động kép đến tỷ giá hối đoái của nhiều đồng tiền khác, trong đó có VND. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu. Đặc biệt, tại Việt Nam, tỷ giá hối đoái thực USD/VND gần đây được điều chỉnh, nhưng vẫn chậm hơn tốc độ lạm phát. Điều này có thể gây áp lực về chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Mặc dù vậy, áp lực này chưa đến mức lo ngại, vì sự mất giá của đồng nhân dân tệ có thể khiến Việt Nam tăng xuất khẩu, GDP nhiều khả năng tăng thêm 1%.

TS. Nghĩa cũng đánh giá, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu khiến dòng vốn trên thế giới luân chuyển hết sức phức tạp. Bất ổn từ các thị trường tài chính lớn có thể khiến dòng vốn lớn chảy sang châu Á - nơi các thị trường tài chính còn bình yên. Nhưng khi triển vọng phục hồi của châu Âu là rõ ràng thì dòng vốn này có thể chảy ngược lại. Hiện tại, nguồn vốn tư nhân có quy mô nhỏ đang trở nên linh hoạt, hướng vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, chính sự linh hoạt này khiến các thị trường tài chính biến động mạnh khó lường và khó kiểm soát, đặc biệt là sự xuất hiện của các tổ chức, các quỹ đầu cơ tấn công các tổ chức tài chính vốn kiệt quệ do cuộc suy thoái kinh tế thế giới trong hai năm qua.

Trước các diễn biến gần đây tại châu Âu, một số NĐT liên hệ tới tình trạng nợ công của Chính phủ Việt Nam. Về vấn đề này, ông Nghĩa cho biết, nợ công của Việt Nam không lớn, chỉ ở mức 41% GDP, hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát. Theo ông Nghĩa, tỷ lệ nợ công nhiều cũng không phải là xấu nếu sử dụng hiệu quả. Ngược lại, tỷ lệ nợ công thấp cũng đáng lo. Vấn đề là sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả hay không.