Sửa Luật Chứng khoán: Cách nào bảo vệ nhà đầu tư nhỏ?

Sửa Luật Chứng khoán: Cách nào bảo vệ nhà đầu tư nhỏ?

(ĐTCK) Nhân cơ hội sửa Luật Chứng khoán lần này, cần định hình cơ chế nào để bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, vốn dễ bị tổn thương trước những sai phạm trên thị trường? Báo Đầu tư Chứng khoán đã trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico xung quanh chủ đề này. 

Chiếm tỷ lệ áp đảo trên thị trường, đóng góp đáng kể vào doanh thu của các công ty chứng khoán, cũng như đóng góp không nhỏ thuế cho Nhà nước, nhưng nhà đầu tư nhỏ lẻ đang than phiền hiện cơ chế bảo vệ họ trước những rủi ro trên thị trường chứng khoán vừa chưa rõ ràng, vừa kém hiệu quả. Ông chia sẻ gì về nỗi niềm này của nhà đầu tư?

Đúng là chế tài xử lý các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán nói chung, hành lang pháp lý bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường hiện vừa thiếu, vừa yếu.

Chính điều này khiến cho nhà đầu tư nhỏ lẻ dễ chịu thiệt đơn, thiệt kép khi đối mặt với các rủi ro, tranh chấp phát sinh trong quá trình tham gia thị trường. Điều này ảnh hưởng xấu đến niềm tin của nhà đầu tư, làm xấu hình ảnh của thị trường trong con mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đáng lo ngại là trong khi các vi phạm trên thị trường ngày một diễn ra tinh vi, với tính chất và mức độ nghiệm trọng ngày một gia tăng thì chế tài xử phạt vẫn còn nhẹ, nên không tạo ra tính răn đe.

Để khắc phục tình trạng trên, qua đó bảo vệ hiệu quả nhà đầu tư nhỏ lẻ, theo ông, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng nên bổ sung những quy định nào?

Việc gia tăng mức phạt về hành chính đang gặp khó khăn do mức trần xử phạt bị khống chế trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, mức phạt tối đa với tổ chức vi phạm chỉ là 2 tỷ đồng, còn cá nhân là 1 tỷ đồng. Mức phạt này là quá nhẹ, không phù hợp với đặc thù vi phạm trên thị trường chứng khoán, nên không đảm bảo tính răn đe.

Do đó, Luật Chứng khoán sửa đổi lần này cần tìm cách định ra nguyên tắc nâng mức xử phạt hành chính tối đa lên hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Mức xử phạt phải tính bằng mức gấp vài lần giá trị thu lợi bất chính hay giá trị vi phạm thì mới đủ sức răn đe.

Luật sư Trương Thanh Đức 

Mức phạt phải cao hơn nhiều so với nguồn lợi có được từ việc vi phạm thì mới làm chùn tay các đối tượng vi phạm. Kèm theo đó là các hình thức xử phạt bổ sung như cấm giao dịch trên thị trường chứng khoán trong một khoảng thời gian nhất định… 

Còn với chế tài hình sự thì sao? Theo ông, có nên mở rộng các hành vi bị xử lý theo chế tài này, hoặc nâng mức xử phạt?

Chế tài hình sự với các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán được thay đổi trong Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017, vừa có hiệu lực từ năm 2018, nên không thể bàn đến việc sửa đổi tại thời điểm hiện nay. Điều quan trọng lúc này là tổ chức triển khai nghiêm chế tài hình sự để bảo vệ tính công bằng cho thị trường, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ trước những vi phạm ngày một diễn ra tinh vi, phức tạp.

Câu hỏi đặt ra là vì sao thời gian qua chế tài hình sự chưa phát huy tác dụng trong đấu tranh với các hành vi vi phạm? Là do quy định trước đây thiếu cụ thể, thiếu khả thi, thậm chí không loại trừ khả năng có sự “chạy chọt”, “nương tay”, xuê xoa chuyển từ xử lý hình sự xuống xử lý vi phạm hành chính, từ xử lý hành chính với mức xử phạt cao xuống mức thấp.

Để đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm, Bộ Tài chính từng đề xuất trao thẩm quyền điều tra cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhưng Quốc hội cũng như nhiều bên liên quan không ủng hộ. Theo ông, hiện đã là thời điểm chín muồi để trao thẩm quyền này cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước?

Các vi phạm trên thị trường chứng khoán có tính chuyên môn sâu, hơn nữa, thông lệ quốc tế cũng trao thẩm quyền điều tra cho cơ quan quản lý thị trường chứng khoán, nên ở thời điểm hiện tại trao thẩm quyền điều tra cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là hợp lý.

Điều này sẽ giúp cho cơ quan quản lý thị trường chứng khoán chủ động và hiệu quả hơn trong đấu tranh ngăn chặn các trường hợp vi phạm, từ đó kịp thời tạo ra tính răn đe, đồng thời giảm thiểu các tác động lan rộng ra thị trường.

Tăng chế tài xử phạt, thêm thẩm quyền điều tra cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, theo ông như thế đã đủ bảo vệ hiệu quả nhà đầu tư nhỏ lẻ nói riêng, đảm bảo tính công bằng, minh bạch cho thị trường nói chung?

Theo tôi là chưa đủ. Để đảm bảo tính minh bạch cho thị trường, việc xử phạt chỉ là biện pháp cuối cùng, cái gốc vẫn phải từ ý thức tuân thủ nghiêm túc pháp luật của doanh nghiệp, cũng như nhà đầu tư và các thành phần khác tham gia thị trường.

Dù pháp luật có “rào” kín đến mấy, nhưng một khi các đối tượng tham gia thị trường vẫn tìm cách cố tình vi phạm, vượt rào thì vẫn gây nên những hậu quả khó lường trên thị trường.

Do đó, cái gốc để giảm thiểu các vi phạm phát sinh là doanh nghiệp niêm yết, các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty kiểm toán… cần nâng cao chất lượng quản trị công ty, cũng như tính liêm chính và minh bạch trong hoạt động. Nhà đầu tư cần nói “không” với các vi phạm vì mục tiêu kiếm lợi bất chính.

Thêm vào đó, cơ quan quản lý, tổ chức thị trường cũng cần nâng cao tính công bằng, minh bạch và nghiêm minh trong kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm.

Sự góp sức của tất cả các thành viên tham gia thị trường mới có thể “làm sạch” môi trường hoạt động của thị trường. Khi giá trị minh bạch, công bằng được đề cao trên thực tế, mang lại giá trị bền vững cho các bên liên quan thì sẽ có tác dụng trong đẩy lùi các hành vi vi phạm, tiêu cực.

Cần lập định chế tài chính bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI)

Tính minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán còn không ít hạn chế, khiến nhà đầu tư khó tiếp cận thông tin. Điều này cộng với kiến thức của không ít nhà đầu tư còn hạn chế, nên họ khó có khả năng nhận biết về tình hình hoạt động của các công ty chứng khoán, cũng như khó phân biệt công ty nào mạnh, yếu.

Thêm vào đó, số lượng công ty chứng khoán nhiều, mức độ cạnh tranh sống còn trong khối công ty này ngày một gay gắt. Điều này dẫn đến tiềm ẩn rủi ro các công ty chứng khoán lâm vào tình trạng giải thể, phá sản, có thể làm mất vốn và tài sản của nhà đầu tư.

Rủi ro về mất vốn và tài sản của nhà đầu tư do công ty chứng khoán gây ra thấp hơn nhiều trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy đã từng xảy ra những vụ giải thể, phá sản hay mất khả năng thanh toán của một số công ty chứng khoán, dẫn đến gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Vì vậy, việc thành lập một định chế tài chính dạng như Công ty bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán như ở Mỹ, hay Trung tâm bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán ở Đài Loan…, để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư là yêu cầu cần thiết từ khách quan.

Đây là loại hình doanh nghiệp đặc biệt, có nhiều điểm tương tự như tổ chức bảo hiểm tiền gửi của hệ thống ngân hàng thuơng mại. Các thành viên của Công ty Bảo vệ nhà đầu tư là các công ty chứng khoán, phải có nghĩa vụ đóng góp vốn và phí hàng năm cho công ty để hình thành Quỹ đền bù cho nhà đầu tư trong các tình huống công ty chứng khoán bị giải thể, phá sản hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, làm mất vốn của nhà đầu tư.

Thị trường chứng khoán của nhiều nước phát triển đã ra đời và hoạt động hàng trăm năm, khuôn khổ pháp lý đã hoàn thiện rất nhiều so với nước ta, hệ thống công ty chứng khoán của họ có tiềm lực tài chính mạnh nhưng vẫn cần sự tồn tại của Công ty bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, bởi đây là công cụ tài chính để bảo vệ vốn và tài sản của nhà đầu tư, giúp nhà đầu tư an tâm khi tham gia đầu tư trên thị trường. Từ kinh nghiệm này, trong quá trình sửa Luật Chứng khoán đang được triển khai, Việt Nam nên tham khảo để bổ sung cơ chế nhằm mở đường cho sự hình thành định chế tài chính bảo vệ nhà đầu tư. 

Nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ chưa được bảo vệ xứng đáng

Nhà đầu tư Trần Tiến Dũng

Nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện chiếm tỷ lệ áp đảo trên thị trường, mang lại doanh thu không nhỏ cho các công ty chứng khoán, đồng thời họ cũng đóng góp đáng kể về thuế cho nhà nước, kể cả khi bị thua lỗ vẫn đóng thuế. Có đóng góp đáng kể cho thị trường như vậy, nhưng nhà đầu tư nhỏ lẻ như tôi đang cảm thấy chưa được bảo vệ trước những rủi ro phát sinh khi tranh chấp xảy ra trong quá trình đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Có một nỗi niềm mà nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ không biết giãi bày cùng ai. Đó là lâu nay họ luôn mang tiếng là đầu tư theo kiểu bày đàn. Họ đâu muốn hùa theo kiểu đầu tư này, nhưng thử hỏi trước thực tế họ quá thiệt thòi về tiếp cận thông tin, đương nhiên kèm theo đó là tiềm ẩn lắm rủi ro, họ nào còn cách lựa chọn nào tốt hơn.

Cũng vì hiện trạng còn nhiều kẽ hở của cơ chế pháp lý trong kiểm soát lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông nội bộ của doanh nghiệp sử dụng lợi thế thông tin để mua bán cổ phiếu theo hướng có lợi cho họ, gây nhiều rủi ro cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, vốn là đối tượng biết thông tin sau cùng. Hệ quả là khi tin tốt ra, thì lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông lớn bán xong cổ phiếu, chỉ còn nhà đầu tư nhỏ lẻ là gánh rủi ro.

Đó là chưa kể tình trạng lãnh đạo chủ chốt tại doanh nghiệp đăng ký mua cổ phiếu với khối lượng lớn, nhưng bất ngờ bán mạnh cổ phiếu để thu lợi bất chấp đối mặt với việc bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt và chịu tai tiếng. Đó là sự thật đau xót với nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ. Điều này giải thích tại sao dù muốn đầu tư giá trị, nhưng nhà đầu tư cá nhân không thể vì tiềm ẩn nhiều rủi ro. Họ đành chọn cách “đánh nhanh rút gọn”.

Luật Chứng khoán sửa đổi lần này nếu không định hình hệ thống cơ chế đủ mạnh và khả thi cao trong bảo vệ nhóm nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, thì sẽ khó cải thiện được “chỉ số” niềm tin trong giới đầu tư này.

Tin bài liên quan