Sửa Luật Doanh nghiệp: Thông thoáng nhưng phải tăng hậu kiểm

(ĐTCK) Trong khi Luật Doanh nghiệp (DN) còn một số băn khoăn của các đại biểu về vấn đề hậu kiểm, thì Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước nhận được nhiều ý kiến đóng góp về vấn đề quan hệ giữa chủ sở hữu và người đại diện chủ sở hữu.
Sửa Luật Doanh nghiệp: Thông thoáng nhưng phải tăng hậu kiểm

Phải trong tầm kiểm soát

DN có quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm, nhưng vẫn cần phải quản lý được, để tránh tình trạng DN ma, lừa đảo, lạm dụng vốn, nợ thuế, nợ bảo hiểm.

Đó là ý kiến của hầu hết đại biểu trong phiên thảo luận tại tổ về Dự án Luật DN (sửa đổi). Nhiều ý kiến ghi nhận sự tiến bộ trong Dự luật khi cụ thể hóa nguyên tắc tự do kinh doanh đã được Hiến pháp công nhận bằng cách bãi bỏ việc ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh trên Giấy ĐKKD.

Tuy nhiên, cùng với việc bãi bỏ này, có ý kiến lo ngại về khía cạnh quản lý nhà nước trong khi làm công tác thống kê, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội theo từng ngành sẽ khó khăn, bởi Giấy ĐKKD không ghi ngành nghề.

“Nếu bỏ đầu vào cho biết DN hoạt động kinh doanh ngành nghề nào, thì khi DN làm các báo cáo, quyết toán thuế vẫn cần phải ghi, như vậy mới đáp ứng công tác thống kê, hoạch định chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước. Không nhất thiết phải ghi chi tiết mã ngành nhỏ như hiện nay, mà có thể phân loại theo mã ngành lớn như công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ…”, Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa gợi ý.

Chia sẻ quan điểm này, một số đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề hậu kiểm khi việc đăng ký thành lập DN quá thông thoáng, trong khi khâu hậu kiểm đang bị buông lơi, dẫn đến tình trạng DN ma, mua bán hóa đơn, trốn thuế, lừa đảo…

Theo Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, thực tế hiện nay nhiều DN “ma” trốn thuế, không trả tiền đối tác, nhưng không thể khởi kiện được vì tìm không thấy đương sự. Ngay cả cơ quan thuế, hải quan, bảo hiểm cũng không truy đòi được các nghĩa vụ với Nhà nước. Do đó, tạo điều kiện thuận lợi cho DN được khai sinh là tốt, nhưng không thể để khâu quản lý bị vướng, bởi như vậy là không bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên tham gia giao dịch, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh trong sạch.

Trong khi đó, Đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá, hồ sơ ĐKKD quá dễ dàng, chỉ cần CMND phô tô, để có môi trường kinh doanh trong sạch, thì cá nhân thành lập DN cần có lý lịch tư pháp.

“Phải minh bạch, rõ ràng danh mục những gì Nhà nước cấm kinh doanh, những gì kinh doanh có điều kiện. Danh sách cấm thì cơ bản đã có. Nhưng phần có điều kiện hiện nay các bộ đưa lên rất nhiều ngành có điều kiện, tôi đề nghị đưa lên Quốc hội xem, thảo luận, quyết định chỗ nào thực sự cần điều kiện”, Đại biểu Trần Du Lịch kiến nghị, đồng thời nêu ý kiến, đối với khối CTCP, cần phải xử lý được tình trạng DN muốn giảm vốn điều lệ mà không được. Hiện DN muốn giảm vốn điều lệ thì phải chuyển đổi mô hình hoạt động, từ CTCP sang công ty TNHH, thực hiện giảm vốn, rồi chuyển lại thành mô hình CTCP. Làm như vậy sẽ gây tốn kém thời gian và chi phí cho cả DN và cơ quan quản lý.

Quản lý vốn Nhà nước: khó về mô hình

Với Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, đây là luật mới và có vai trò quan trọng trong việc quản lý đồng vốn của Nhà nước. Do đó, Dự luật phải làm rõ Nhà nước kinh doanh trong lĩnh vực gì.

“Khác với DN ngoài Nhà nước được kinh doanh những gì pháp luật không cấm, thì Nhà nước chỉ được kinh doanh những lĩnh vực pháp luật cho phép”, Đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Liên quan đến những quy định về chủ sở hữu và người đại diện của chủ sở hữu tại các DN có vốn đầu tư Nhà nước, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, Dự luật quy định chưa rõ ràng, quá nhiều đại diện từ Chính phủ, bộ, ngành, địa phương…

“Dự Luật phải dứt khoát để không còn tình trạng các bộ làm chủ quản DNNN. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì Dự Luật không đạt yêu cầu”, một đại biểu nêu ý kiến.

Về mối quan hệ giữa chủ sở hữu và người đại diện cũng còn nhiều vấn đề cần xem xét làm rõ hơn. Ở DN bình thường, người không góp vốn nhưng tham gia vào quản trị, điều hành DN được xem là người làm thuê. Vậy những người được cử làm đại diện vốn Nhà nước ở DN có tư cách gì? Hiện, Chủ tịch HĐQT hoặc thành viên HĐQT, Tổng giám đốc nhiều CTCP là viên chức nhà nước. “Tôi cho là phải quy định rõ người đại diện là người làm thuê cho Nhà nước. Không làm rõ không quản trị được”, Đại biểu Trần Du Lịch nói. 

Đồng tình với ý kiến này, một số đại biểu kiến nghị xem xét lại mô hình đại diện chủ sở hữu, vì liên quan đến việc ra quyết định ở các DN.

“Theo Dự luật, mô hình đại diện chủ sở hữu có các cấp từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, cơ quan tài chính các sở ban ngành. Trong khi đó, hoạt động DN đòi hỏi người đại diện nhiều khi phải ra quyết định tức thời. Nếu phải xin ý kiến sẽ rất mất thời gian. Hơn nữa, nếu quyết định sai gây thiệt hại thì trách nhiệm sẽ xử lý ra sao?”, Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa nói.   

Tin bài liên quan