Sửa Luật Khám chữa bệnh: Làm rõ quy định về tài chính, tài sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đã làm rõ một số vấn đề liên quan đến tài chính, tài sản gây nhiều ý kiến khác nhau tại kỳ họp trước.

Sáng 5/1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai Quốc hội khoá XV, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Trước đó, dự thảo Luật này đã được xem xét, cho ý kiến tại 2 kỳ họp trước, dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV vào tháng 11/2022. Tuy nhiên, Quốc hội đã cân nhắc thận trọng, toàn diện, quyết định điều chỉnh thời điểm xem xét, thông qua dự án sang Kỳ họp kế tiếp để có thêm thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp tục làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của các quy định trong Luật.

Với sự chuẩn bị tích cực, khẩn trương của các cơ quan, đến thời điểm này, dự án đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo bà Thúy Anh, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng một chương riêng về tài chính của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; ý kiến khác đề nghị xây dựng một chương về tài chính và tài sản của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát các quy định của dự thảo Luật; hoàn thiện, bổ sung các quy định liên quan đến tài chính trong khám bệnh chữa bệnh làm căn cứ để thiết kế 01 mục riêng về ”Các điều kiện bảo đảm về tài chính cho công tác khám bệnh, chữa bệnh” tại Chương X về Các điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Riêng quy định về tài sản, Ủy ban Xã hội xin phép Quốc hội chỉ quy định những nội dung liên quan trực tiếp đến khám bệnh, chữa bệnh tại dự thảo Luật như việc thu hút nguồn lực xã hội liên quan đến tài sản, thiết bị y tế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại điểm d và điểm đ khoản 3 Điều 109 và quy định về thiết bị y tế tại Điều 113.

Các vấn đề khác liên quan đến tài sản của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ được thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định khác có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sáng 5/1.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sáng 5/1.

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể hơn về mô hình, tổ chức, địa vị pháp lý của Hội đồng Y khoa quốc gia; có ý kiến cho rằng Hội đồng Y khoa quốc gia nên do Bộ Y tế thành lập.

Bà Thúy Anh nói rằng, đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia để chủ trì thực hiện việc đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề, do vậy, để thận trọng và thuận tiện cho Chính phủ trong quá trình điều hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Cơ quan soạn thảo việc ghi nhận hình thức tổ chức này trong dự thảo Luật theo hướng quy định Hội đồng Y khoa quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập với các nhiệm vụ cụ thể;

Giao Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động như thể hiện tại Điều 25.

Khi quy định cụ thể về Hội đồng Y khoa quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Về thời hạn của giấy phép hành nghề (Điều 27), có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, nên quy định thời hạn có giá trị chỉ có 05 năm, sau đó cấp lại, gia hạn thì cũng là 05 năm; ý kiến khác đề nghị có thể kéo dài ra 10 năm; có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm quy định về thời hạn của giấy phép hành nghề (5 năm).

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với quy định thời hạn của giấy phép hành nghề là 05 năm, nhằm thể chế hoá nội dung nội dung ”cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn theo thông lệ quốc tế” tại Nghị quyết 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Tuy nhiên, còn một số ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của một số hiệp hội chưa thống nhất với việc quy định thời hạn của giấy phép hành nghề và cho rằng, khi người hành nghề có hành vi vi phạm và không thực hiện cập nhật kiến thức y khoa liên tục, cơ quan nhà nước sẽ thực hiện thu hồi, như vậy là cũng có thời hạn; thậm chí có ý kiến cho rằng, việc quy định thời hạn giấy phép hành nghề là bước ”thụt lùi”.

Do còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng đề nghị Quốc hội tiếp tục thảo luận và cho ý kiến thêm về thời hạn của giấy phép hành nghề.

Về nguồn ngân sách nhà nước cho công tác khám bệnh, chữa bệnh (Điều 107), có ý kiến đề nghị quy định trong dự thảo Luật “nguồn ngân sách nhà nước không cấp chi thường xuyên cho các bệnh viện tự chủ mà cần được dành để chi cho việc khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng cần phải chi trả thông qua cơ chế đặt hàng và ngân sách nhà nước”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, hiện nay, ngân sách nhà nước đang bảo đảm chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo mức độ tự chủ của từng đơn vị. Trường hợp có sự thay đổi về mức độ tự chủ thì khoản kinh phí không phải chi thường xuyên cho đơn vị sẽ được hòa chung vào ngân sách dành cho y tế và có thể được sử dụng để mua bảo hiểm y tế cho người dân hoặc chi đầu tư cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước cũng đang chi cho các đơn vị cung cấp hoạt động dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thông qua hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ và thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao.

"Do đó, xin phép Quốc hội không quy định nội dung này tại dự thảo Luật", bà Thúy Anh nói.

Về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước (Điều 108), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ về cơ chế tự chủ của các bệnh viện; ý kiến khác đề nghị cần phải có tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện tự chủ bệnh viện.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Chính phủ đã có báo cáo rà soát và nêu cụ thể những vướng mắc, bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến việc thực hiện cơ chế, chính sách về tự chủ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

"Bên cạnh đó, trên cơ sở tham khảo quy định về tự chủ của các Luật có liên quan, để góp phần tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, dự thảo Luật đã bổ sung một điều về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước như thể hiện tại Điều 108 của dự thảo Luật", bà Thúy Anh thông tin.

Kỳ họp bất thường lần thứ hai Quốc hội khoá XV sáng 5/1

Kỳ họp bất thường lần thứ hai Quốc hội khoá XV sáng 5/1

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét tính khả thi của cơ chế tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và cần quy định việc tự chủ nhưng đồng thời bảo đảm chất lượng trong dịch vụ y tế.

Bà Thuý Anh nói rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, khoản 1 Điều 108 của dự thảo Luật quy định Nhà nước bảo đảm kinh phí đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước để thực hiện chức năng nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao khi thực hiện tự chủ.

Bên cạnh đó, điểm a khoản 3 Điều 110 về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đã quy định việc định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải bảo đảm nguyên tắc bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh, chữa bệnh, do vậy cơ chế tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước quy định như dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi khi thực hiện.

Dự thảo Luật cũng quy định ngân sách Nhà nước đảm bảo khi cơ sở thu không đủ chi để bảo đảm các điều kiện cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân tại khoản 2 Điều 107. Để đảm bảo chất lượng cung cấp dịch vụ, dự thảo Luật quy định bắt buộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm định kỳ đánh giá chất lượng và cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiểm tra trên cơ sở kết quả đánh giá của cơ sở tại khoản 7 Điều 60.

Có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung hình thức mua trả chậm, trả dần, thuê, mượn thiết bị y tế vào các các hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; bổ sung việc khuyến khích thành lập quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh như là một nội dung của xã hội hóa công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, khoản 2 và điểm đ khoản 3 Điều 109 dự thảo Luật đã được chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp.

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (Điều 110), có ý kiến đại biểu đề nghị thể hiện rõ hơn, đầy đủ hơn các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, như là về yếu tố con người, khấu hao tài sản, cơ sở vật chất, tiền lương, công nghệ thông tin, vấn đề đào tạo..., quy định rõ nguyên tắc của tính đúng, tính đủ nhưng không làm tăng chi phí cho người dân; đề nghị bổ sung quy định về phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho phù hợp và thống nhất với quy định của dự thảo Luật Giá.

Theo bà Thúy Anh, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng làm rõ các yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh; các chi phí để tính giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; căn cứ, nguyên tắc, thẩm quyền định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này như thể hiện tại Điều 110 và quy định lộ trình trước ngày 01/01/2025 phải tính đủ các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước như thể hiện tại khoản 8 Điều 120 của dự thảo Luật.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm tính khả thi của quy định này.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất một số nội dung đề nghị các vị đại biểu Quốc hội quan tâm tập trung thảo luận như vấn đề Hội đồng Y khoa quốc gia (Điều 25) và kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (Điều 24); Thời hạn giấy phép hành nghề; điều kiện, thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (Mục 3 Chương III); Điều kiện, thủ tục cấp, cấp lại, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Mục 1 Chương IV); Tự chủ tài chính (Điều 108), thẩm quyền định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (Điều 110) và các nội dung liên quan đến tài chính khác tại Mục 2 Chương X...

Tin bài liên quan