Sức hút của trái phiếu

Sức hút của trái phiếu

(ĐTCK) Một năm trở lại đây, kênh đầu tư trái phiếu đã thu hút sự tham gia tích cực của các tổ chức đầu tư. Trái phiếu lên ngôi như một quy luật tất yếu, bởi tính chất an toàn của kênh đầu tư này trong một giai đoạn kinh tế nhiều khó khăn.

Vốn ngân hàng chảy mạnh vào trái phiếu

Tính chung cho 7 ngân hàng đang dẫn đầu trên thị trường trái phiếu - gồm BIDV, Vietcombank, Vietinbank, MBBank, Techcombank, VPBank, Sacombank - tổng lượng tiền đầu tư vào trái phiếu tính đến thời điểm 30/6/2013 đạt gần 345.000 tỷ đồng, tăng 40% so với thời điểm đầu năm 2012 và tăng gấp đôi so với thời điểm đầu năm 2011. Thống kê này chưa tính đến MaritimeBank và Agribank, hai thành viên trong nhóm đầu của thị trường trái phiếu, do hai ngân hàng không phải công khai báo cáo tài chính theo luật định.

Lượng vốn giải ngân vào thị trường trái phiếu của các ngân hàng đặc biệt tăng mạnh cho trái phiếu chính phủ (TPCP). 6 tháng đầu năm nay, BIDV đã tăng ròng đầu tư 16.000 tỷ đồng vào TPCP, MB Bank đầu tư thêm 4.600 tỷ đồng vào TPCP, Techcombank tăng ròng đầu tư vào TPCP 2.400 tỷ đồng, Sacombank tăng ròng 2.600 tỷ đồng, Vietinbank tăng ròng 2.000 tỷ đồng.

Sức hút của trái phiếu ảnh 1

Vẫn có những trường hợp giảm ròng đầu tư vào TPCP như Vietcombank, nhưng con số thực tế của khoản đầu tư vẫn lớn, bởi từ năm 2012, Vietcombank đã đầu tư một lượng tài sản lớn hơn hẳn các ngân hàng khác vào kênh này.

Nhu cầu đối với trái phiếu từ chỗ chỉ tập trung vào TPCP kỳ hạn ngắn đã lan sang các kỳ hạn dài, mở rộng ra trái phiếu chính phủ bảo lãnh và đến nay lan mạnh sang kênh trái phiếu doanh nghiệp.

Nếu như thời điểm đầu năm 2011, các ngân hàng lớn chỉ đầu tư phổ biến khoảng 8 - 14% tổng tài sản vào trái phiếu, thì đến cuối năm 2012 đã tăng lên mức 14 -24%. Đến giữa năm nay, dù tỷ trọng này đã giảm xuống phổ biến ở mức 14%, nhưng nhu cầu đối với kênh đầu tư này được cho là vẫn duy trì ở mức cao do kênh tín dụng của các ngân hàng vẫn chưa thể hồi phục.

Nhu cầu lớn đối với kênh đầu tư trái phiếu đã liên tục đẩy khối lượng phát hành của Chính phủ và khối lượng giao dịch lên những mức cao kỷ lục và đẩy lợi suất xuống các mức thấp kỷ lục. Trên thị trường sơ cấp, nhiều đợt đấu thầu của Kho bạc Nhà nước có tỷ lệ thành công 90% hoặc 100%, trong khi lãi suất giảm vài chục điểm mỗi phiên. Trên thị trường thứ cấp, tổng giá trị giao dịch 6 tháng đầu năm nay đã tăng 170% so với nửa đầu năm 2012.

“Khẩu vị rủi ro chưa có nhiều thay đổi trước bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước ảm đạm, phục hồi chậm. Các nhà đầu tư tiếp tục tìm đến các tài sản an toàn và có tính thanh khoản cao và TPCP chính là sự lựa chọn hàng đầu”, Báo cáo tháng 6 của Nhóm Nghiên cứu, Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ của BIDV viết.

 

Ngân hàng thu nhập lớn từ trái phiếu

Kênh trái phiếu đã đem lại nguồn lợi nhuận lớn cho các ngân hàng, thậm chí tốc độ gia tăng thu nhập từ trái phiếu tăng nhanh hơn tốc độ tăng của nguồn vốn đầu tư vào kênh này. Thu nhập từ trái phiếu của BIDV trong nửa đầu năm nay đã tăng gấp 3 lần so với nửa đầu năm ngoái, Vietcombank tăng gấp đôi trong khi MBBank tăng gấp rưỡi. So với năm 2011 và năm 2012, con số thu nhập tuyệt đối mà loại tài sản này đem lại cho các ngân hàng đã tăng với tốc độ từ 1,5 - 2,3 lần cho các ngân hàng thương mại.

Dù các ngân hàng thương mại luôn khẳng định tín dụng mới là hoạt động lõi, còn trái phiếu vẫn là đệm đỡ thanh khoản, nhưng thực tế lại cho thấy, đầu tư trái phiếu rõ ràng đang là một nguồn thu nhập quan trọng cho các ngân hàng, trong bối cảnh tín dụng chưa thể phục hồi.

Sức hút của trái phiếu ảnh 2

Nếu như trước kia, thu nhập từ trái phiếu chỉ chiếm dưới 15% của khoản mục “Thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự” của các ngân hàng, thì nay khoản thu nhập này đã chiếm tới 20%, thậm chí là gần 40% loại thu nhập trọng yếu nhất này của một ngân hàng. Cụ thể, 6 tháng đầu năm nay, trái phiếu đã chiếm 20% thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tại Vietinbank và Vietcombank. Tỷ lệ này tại MBBank và VPBank là hơn 30% và cá biệt chiếm đến 37% tại Techcombank.

Sức hút của trái phiếu ảnh 3

Tại MBBank, Ngân hàng có chiến lược tăng mạnh lượng đầu tư trái phiếu trong hơn 1 năm trở lại đây, thu nhập từ đầu tư trái phiếu trong 6 tháng đầu năm 2013 đã tăng gần 65% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp Ngân hàng báo cáo kết quả lợi nhuận vượt trội so với những ngân hàng tương đương về quy mô.

 

Quỹ đầu tư nhập cuộc

Nhờ sự sôi động của thị trường trái phiếu trong thời gian gần đây, các tổ chức trung gian trên thị trường cũng được hưởng lợi lớn. Vài quý gần đây, các công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng lớn như CTCK BIDV, CTCK Vietcombank, CTCK Agribank... đều đặn báo cáo các khoản doanh thu lớn từ hoạt động môi giới trái phiếu lẫn hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu. Các khoản doanh thu cho các tổ chức trung gian này có xu hướng còn tăng lên trong hai quý cuối năm.

Sức hút của trái phiếu ảnh 4

Sức hấp dẫn của trái phiếu lan sang cả ngành quản lý quỹ. Không phải ngẫu nhiên khi mà Vinawealth và MBCapital, hai công ty đầu tiên thành lập quỹ mở ở Việt Nam - lại chọn trái phiếu để khởi đầu loại sản phẩm mới của mình. Sự phát triển nhảy vọt của thị trường trái phiếu thời gian qua khiến những nhà lập quỹ tin tưởng sẽ thu hút được các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Trong buổi giới thiệu quỹ mở trái phiếu với nhà đầu tư, ông Andy Ho, Chủ tịch Vinawealth nhận định: “Chừng nào tín dụng vẫn còn tắc nghẽn và nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro thì trái phiếu vẫn là kênh đầu tư an toàn và cho lợi nhuận tốt so với các kênh đầu tư khác”.