Sức mạnh của Trung Quốc trong chỉ số chứng khoán thị trường mới nổi khiến các nhà đầu tư toàn cầu phải đau đầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trọng số lớn của các cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc tại các thị trường mới nổi đã tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho nhiều nhà đầu tư.
Sức mạnh của Trung Quốc trong chỉ số chứng khoán thị trường mới nổi khiến các nhà đầu tư toàn cầu phải đau đầu

Trong nhiều năm qua, khi các công ty từ Trung Quốc phát triển nhanh chóng và vốn hoá thị trường tăng mạnh, Trung Quốc đã chiếm tỷ trọng hơn 40% trong một số chỉ số quốc tế chính về cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp.

Các quỹ đầu tư với lượng phân bổ lớn tương tự cho tài sản của Trung Quốc đã có diễn biến tích cực trong năm 2019 và 2020 khi sự trỗi dậy của quốc gia này thúc đẩy lợi nhuận ở các thị trường mới nổi. Nhưng kể từ đó, một đợt diễn biến kém khả quan đối với cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp của Trung Quốc đã khiến nhiều nhà đầu tư phải suy nghĩ lại về việc tiếp xúc nhiều với Trung Quốc và điều đó đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ như thế nào.

Thomas Drissner, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tín dụng châu Á tại Abrdn cho biết: “Đó là điều mà mọi người đều nghĩ đến”. Ông đang đề cập đến sự cần thiết phải đa dạng hóa hơn sau khi số vụ vỡ nợ trái phiếu gia tăng giữa các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã gây ra tổn thất nặng nề cho nhiều quỹ đầu tư vào năm 2022.

Abrdn gần đây đã thành lập một quỹ trái phiếu lợi suất cao ở châu Á và chịu ảnh hưởng nhẹ từ trái phiếu Trung Quốc. Abrdn kỳ vọng sẽ tạo ra lợi tức tương đương bằng cách đầu tư vào trái phiếu xanh và các khoản nợ khác và sẽ đặt một phần nhỏ tỷ trọng vào trái phiếu cấp đầu tư.

Chỉ số thị trường mới nổi MSCI đã mất khoảng 25% giá trị trong hai năm qua, với phần lớn sự sụt giảm liên quan đến việc bán tháo cổ phiếu Trung Quốc. Tỷ trọng của Trung Quốc trong chỉ số này đạt khoảng 42% vào tháng 9/2020 và gần đây là 33,5%. Chứng khoán Trung Quốc sụt giảm là do ảnh hưởng của các quy định trong nước siết chặt các công ty công nghệ, nhà phát triển bất động sản và các ngành công nghiệp tư nhân đang phát triển nhanh khác, cũng như chính sách Zero Covid đã làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này.

Tỷ trọng của chứng khoán Trung Quốc trong chỉ số thị trường mới nổi của MSCI

Tỷ trọng của chứng khoán Trung Quốc trong chỉ số thị trường mới nổi của MSCI

Đó cũng là một câu chuyện tương tự trên thị trường tín dụng. Chỉ số tín dụng châu Á của JP Morgan (JACI) - chỉ số theo dõi trái phiếu đô la cấp đầu tư và trái phiếu lợi suất cao với tổng mệnh giá khoảng 1.000 tỷ USD - đã giảm 11% vào năm ngoái, đó cũng là một trong những mức giảm hàng năm tồi tệ nhất từ trước đến nay. Trung Quốc chiếm 43% chỉ số này vì nhiều công ty từ nước này có trái phiếu đô la đáp ứng điều kiện để đưa vào.

Owen Gallimore, trưởng bộ phận phân tích tín dụng của Deutsche Bank cho biết: “Lỗ hổng chết người trong đầu tư trái phiếu châu Á luôn là sự tập trung”.

JPMorgan gần đây đã đề xuất tạo ra một chỉ số tín dụng châu Á mới mà họ cho biết sẽ mang lại sự đa dạng hóa hơn giữa các quốc gia bằng cách bao gồm trái phiếu do các ngân hàng và công ty từ Nhật Bản, Úc và New Zealand phát hành.

Theo Bank of America, chỉ số mới này sẽ theo dõi 1.500 tỷ USD trái phiếu và tỷ trọng trái phiếu Trung Quốc sẽ ở mức dưới 30%. Ngoài ra, chỉ số JACI mới này sẽ hoạt động tốt hơn phiên bản cũ cả về lợi nhuận hàng năm và tích lũy.

Dhiraj Bajaj, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại Lombard Odier cho biết: “Việc tiếp xúc ít hơn với Trung Quốc có nghĩa là chúng tôi đa dạng hóa hơn, và điều này xảy ra khi triển vọng tăng trưởng của phần còn lại của châu Á đang được cải thiện”.

Tại Mỹ, Hệ thống Hưu trí cho Giáo viên của bang Texas (TRS) đang cắt giảm phân bổ cho tài sản Trung Quốc xuống một nửa trong danh mục đầu tư chứng khoán các thị trường mới nổi trị giá hàng tỷ đô la.

Bộ phận quản lý đầu tư của tổ chức này cho biết vào mùa thu năm ngoái rằng họ đang giảm mức độ tiếp xúc với Trung Quốc do tỷ trọng quá lớn của quốc gia này trong Chỉ số thị trường mới nổi MSCI và sẽ tăng đầu tư vào Đài Loan, Ấn Độ, Hàn Quốc và các quốc gia khác.

Katy Hoffman, chánh văn phòng giám đốc đầu tư của TRS cho biết: “Những gì bạn thấy là phân bổ của Trung Quốc giảm xuống và tất cả các quốc gia khác tăng lên một cách tương ứng. Chúng tôi chỉ muốn cải thiện sự đa dạng của chỉ số”.

Động thái của các tổ chức lớn nhằm chuyển một số tài sản sang các thị trường châu Á khác đang diễn ra khi những đám mây che phủ chứng khoán Trung Quốc đang tan biến. Các nhà chức trách Trung Quốc trong những tháng gần đây đã dỡ bỏ gần như tất cả các hạn chế nghiêm ngặt do Covid-19 và quay trở lại tập trung vào tăng trưởng, nâng cao kỳ vọng của các nhà kinh tế về sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ. Sau khi chạm mức thấp nhất trong nhiều năm vào tháng 10/2022, chỉ số MSCI China Index đã phục hồi hơn 30%.

Mark Martyrossian, giám đốc của Aubrey Capital Management cho biết: “Tâm lý đối với thị trường Trung Quốc đã không còn quá tiêu cực nữa”. Quỹ đầu tư của ông gần đây đã tăng tỷ lệ sở hữu tại Trung Quốc trong quỹ đầu tư cho các thị trường mới nổi toàn cầu lên 42% từ 25% vào mùa hè năm 2022.

Ông Martyrossian cho biết, nhiều nhà đầu tư đã thận trọng và chuyển tài sản ra khỏi Trung Quốc vì rủi ro chính trị và quy định. Nếu như diễn biến của thị trường Trung Quốc vượt trội hơn so với chỉ số các thị trường mới nổi rộng lớn hơn, thì họ sẽ rất khó khăn để bắt kịp với với chỉ số.

Tin bài liên quan