Sức mua các dòng sản phẩm điện thoại máy tính đã tăng trong quý III và kỳ vọng sẽ bùng nổ với sự ra mắt của iPhone 15.

Sức mua các dòng sản phẩm điện thoại máy tính đã tăng trong quý III và kỳ vọng sẽ bùng nổ với sự ra mắt của iPhone 15.

Sức mua đã tăng trở lại, doanh nghiệp bán lẻ kỳ vọng khởi sắc cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Doanh nghiệp ngành bán lẻ từ đầu năm đến nay gặp khó khăn khi sức cầu sụt giảm, một số công ty ghi nhận doanh thu và lợi nhuận lao dốc. Tuy nhiên, thị trường bắt đầu phục hồi dần từ quý III đem lại kỳ vọng khởi sắc cho doanh nghiệp vào cuối năm.

Nửa đầu năm khó khăn

Theo báo cáo tài chính bán niên, trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu của Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail - mã chứng khoán FRT) đạt 8.118 tỷ đồng, giảm 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái do cầu hàng hóa giảm mạnh bởi tác động tiêu cực từ các yếu tố vĩ mô, khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là với những mặt hàng giá trị cao. Một yếu tố khác là mức độ cạnh tranh giá bán của các nhà bán lẻ diễn ra mạnh mẽ và liên tục trong suốt hai quý đầu năm 2023.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2023, FRT cũng ghi nhận lợi nhuận âm 213 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 216 tỷ đồng.

Tương tự, trong 6 tháng đầu năm 2023, Thế Giới Di động (MWG) ghi nhận doanh thu đạt 56.570,6 tỷ đồng, giảm 20,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 38,7 tỷ đồng, giảm 98,5% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả kinh doanh khó khăn cũng khiến Thế Giới Di Động không còn công bố con số lợi nhuận hàng tháng trong năm nay giống như vẫn làm trước đó.

Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld - mã chứng khoán DWG) cũng có nửa đầu năm đầy khó khăn khi doanh thu giảm 28% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 8.555 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 162,4 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ năm ngoái.

Digiworld giải trình, nguyên nhân sụt giảm này hoàn toàn đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Mảng máy tính xách tay và máy tính bảng sụt giảm mạnh do nhu cầu tiêu dùng trong thời kỳ kinh tế khó khăn giảm.

Kỳ vọng cuối năm

Sau nửa đầu năm gặp nhiều khó khăn, ngành bán lẻ được kỳ vọng sẽ có đà tăng trưởng trong cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng được cải thiện.

Công ty Chứng khoán SSI nhận định, nhà đầu tư đang quan tâm về sự phục hồi của sức tiêu dùng và các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn của doanh nghiệp. Về sức tiêu dùng, SSI Research cho rằng, giai đoạn khó khăn nhất có thể đã qua và cầu tiêu dùng đã bắt đầu phục hồi dần, tuy rằng tốc độ khá chậm. Hầu hết các doanh nghiệp đều kỳ vọng có tăng trưởng từ quý III năm nay.

Ảnh tác giả

Tình hình kinh tế đã có rất nhiều dấu hiệu tích cực trong quý III, chúng tôi nhận thấy rõ sức mua đã có những dấu hiệu tăng trưởng so với 2 quý đầu năm khi thị trường bước vào mùa lễ hội, năm mới và đặc biệt có sự kiện ra mắt iPhone 15 series

Ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc FPT Retail

Bên cạnh đó, để đối phó với các thách thức đến từ bên ngoài như nền kinh tế tăng trưởng chậm, lạm phát cao, sức cầu yếu…, các doanh nghiệp đã chủ động áp dụng nhiều chiến lược khác nhau như tăng tốc độ mở rộng chuỗi cửa hàng để chiếm lĩnh thị phần trên thị trường bán lẻ (FRT, MSN, PNJ), đa dạng hoá danh mục sản phẩm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng (FRT, DGW, PNJ), thay đổi nhận diện thương hiệu (VNM) hoặc giảm đòn bẩy. Những động thái này không chỉ giúp các công ty vượt qua những thách thức ngắn hạn mà còn thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, bán lẻ có thể cải thiện bức tranh kinh doanh cuối năm khi sức cầu tiêu dùng phục hồi khả quan.

Về phía các doanh nghiệp, ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc FPT Retail đánh giá, năm 2023 là một năm kinh tế đặc biệt khó khăn và Công ty sẽ cố gắng để có kết quả tốt nhất trong quý III và quý IV.

"Tình hình kinh tế đã có rất nhiều dấu hiệu tích cực trong quý III, chúng tôi nhận thấy rõ sức mua đã có những dấu hiệu tăng trưởng so với 2 quý đầu năm khi thị trường bước vào mùa lễ hội, năm mới và đặc biệt có sự kiện ra mắt iPhone 15 series", ông Việt Anh đánh giá và cho biết, ngoài sức mua các dòng sản phẩm máy tính (bao gồm MacBook) tăng cao, thì iPhone 14 Series cũng có sức bán rất tốt dù đang trong giai đoạn chờ ra mắt sản phẩm mới.

"Do đó, chúng tôi vẫn kỳ vọng lớn vào việc iPhone mới ra mắt chắc chắn vẫn có sức tiêu thụ tốt trên toàn thị trường, đặc biệt tại FPT Shop và F.Studio by FPT. Chúng tôi kỳ vọng doanh số iPhone 15 series sẽ tăng trưởng khoảng 20% so với dòng sản phẩm tiền nhiệm", ông Việt Anh nhấn mạnh, đồng thời cho biết, FPT Retail luôn theo sát thị trường để có kế hoạch hành động phù hợp, chuẩn bị kỹ lưỡng về hàng hoá cũng như thiết kế các chương trình khuyến mãi hấp dẫn dành tặng khách hàng.

Trong khi đó, dù doanh thu vẫn sụt giảm so với cùng kỳ trong các tháng của quý III, nhưng mức sụt giảm của Thế Giới Di Động đã thấp dần đều. Cụ thể, nếu trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của Công ty sụt giảm 20,1% so với cùng kỳ, thì 7 tháng đầu năm còn sụt giảm 19% và 8 tháng đầu năm chỉ còn sụt giảm 17% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 8, doanh thu đạt 9.956 tỷ đồng, tăng 1% so với tháng trước.

Trong đó, đối với chuỗi Bách hoá Xanh, luỹ kế 8 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu đạt 19.200 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 8, chuỗi này ghi nhận doanh thu đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.

Điều này cho thấy, bức tranh kinh doanh của MWG đang sáng dần. Đặc biệt, theo thông tin mới nhất mà Reuters đăng tải, Thế Giới Di Động có thể bán 20% chuỗi Bách Hóa Xanh trong quý I/2024. Với thương vụ bán cổ phần này, chuỗi Bách Hoá Xanh có thể được định giá lên tới 1,7 tỷ USD.

Nếu thương vụ này thành công, dự kiến Thế Giới Di Động sẽ ghi nhận khoản lợi nhuận lớn trong nửa đầu năm sau.

Trong báo cáo về ngành bán lẻ mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ có thể vẫn yếu trong quý III do ảnh hưởng của mùa thấp điểm nhưng dự kiến sẽ có sự phục hồi rõ ràng hơn từ quý IV. Những công ty dẫn đầu thị trường sẽ tiếp tục tăng thị phần sau giai đoạn giảm tốc.

Tăng trưởng dài hạn sẽ tập trung vào các phân khúc có độ phân mảnh và tiềm năng mở rộng cao. 3 động lực chính thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ là sự phát triển của tầng lớp trung lưu, sự chuyển đổi từ kênh bán lẻ truyền thống sang hiện đại và sự gia nhập vào các phân khúc phân mảnh cao của các chuỗi bán lẻ.

Đồng quan điểm, ông Tạ Việt Dự, Chuyên gia Khối Khách hàng cao cấp, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, ngành bán lẻ có nhiều động lực để kỳ vọng tăng trưởng trở lại trong các tháng cuối năm, như chính sách giảm 2% thuế VAT được thực thi đang kích thích tiêu dùng và thúc đẩy hơn nữa các hoạt động sản xuất kinh doanh. CPI vẫn trong tầm kiểm soát và tiềm năng Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh thêm 1 đợt lãi suất nữa vẫn hiện hữu qua đó giúp doanh nghiệp và người dân có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn rẻ. Chỉ số PMI sản xuất lần đầu trong năm vượt lên trên 50 điểm, cho thấy sản xuất đã hồi phục. Ngoài ra, nhu cầu sản xuất/tiêu dùng luôn gia tăng trong các tháng cuối năm với nhiều sự kiện như Giáng Sinh, Tết Dương/Âm lịch...

Tin bài liên quan