Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng gần đây tăng 0,2 - 0,3%/năm

Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng gần đây tăng 0,2 - 0,3%/năm

Tác động từ Fed không lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng thêm 0,5% lãi suất cơ bản đồng USD, phần nào tạo sức ép lên lãi suất tiền đồng, dù lạm phát của Việt Nam vẫn được kiểm soát.

Dự báo tác động khi lãi suất USD tăng

Kết thúc cuộc họp chính sách ngày 4/5/2022, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) của Fed đã quyết định tăng lãi suất 0,5%, nhằm khống chế lạm phát hiện ở mức đỉnh 40 năm. Theo đó, lãi suất dao động trong khoảng 0,75 - 1%/năm. Nhiều ý kiến dự báo, lãi suất chuẩn tại Mỹ sẽ tăng lên 2,75 - 3%/năm vào cuối năm nay.

Dù chính sách tiền tệ chuyển sang thắt chặt, nhưng Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng, kinh tế Mỹ có thể “hạ cánh mềm”, tức lạm phát có khả năng được kiềm chế nhanh mà không khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng hoặc gây ra suy thoái kinh tế (lạm phát đang ở mức 8,5% và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,6%, dẫn tới nguy cơ suy thoái kinh tế ở mức cao).

Ngân hàng Trung ương Mỹ đã không tăng lãi suất quá 0,25% kể từ tháng 5/2000, duy trì lãi suất gần bằng 0 trong cả năm 2021 nhằm kích thích kinh tế tăng trưởng sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, giá cả hàng hóa tăng vọt đã buộc các quan chức Fed phải suy nghĩ lại về chính sách tiền tệ. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát của Fed đã tăng 6,6% trong 12 tháng kết thúc vào tháng 3/2022, trong khi cơ quan này đặt mục tiêu lạm phát hàng năm là 2%.

“Lạm phát đang ở mức quá cao và chúng tôi hiểu khó khăn mà người dân gặp phải. Chúng tôi đang khẩn trương khắc phục tình trạng này và cam kết mạnh mẽ rằng giá cả sẽ ổn định trở lại”, ông Jerome Powell nói.

Cam kết của Chủ tịch Fed khiến thị trường dự đoán, Fed có thể sẽ thực hiện nhiều đợt tăng lãi suất, mỗi lần 0,5% trong thời gian tới.

Mặc dù vậy, dường như ông Powell cũng hàm ý rằng, Fed sẽ không trở nên quá “diều hâu” (mạnh tay tăng lãi suất và thắt chặt tiền tệ), sau khi đã có 2 đợt tăng lãi suất kể từ tháng 3/2022, tổng cộng tăng 0,75%.

Trước đó, khi đại dịch Covid-19 ập đến vào đầu năm 2020, Fed đã hạ lãi suất xuống gần 0%, đồng thời thực hiện chương trình mua trái phiếu để bơm tiền vào nền kinh tế. Kết quả, bảng cân đối kế toán bị “thổi phồng” lên gần 9.000 tỷ USD. Vì thế, không chỉ tăng lãi suất, từ 1/6/2022, Fed sẽ giảm mua 30 tỷ USD trái phiếu kho bạc và 17,5 tỷ USD chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp mỗi tháng. Sau 3 tháng, mức giảm mua đối với trái phiếu kho bạc và các khoản thế chấp lần lượt tăng lên 60 tỷ USD và 35 tỷ USD.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính nhận định, việc Fed tăng lãi suất sẽ có một số tác động nhất định như chi phí vay và trả nợ nước ngoài bằng USD tăng lên; tỷ giá tăng; sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư mạnh hơn, cụ thể là dòng vốn sẽ quay trở về Mỹ (vì lãi suất cao hơn) và một phần quay trở lại châu Âu (vì mức độ rủi ro ở đó được đánh giá thấp).

Ngoài ra, TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính cho rằng, Fed tăng thêm 0,5% lãi suất cũng sẽ tác động lên lãi suất tiền đồng. Vả lại, trước nhu cầu tín dụng tăng trong 4 tháng đầu năm 2022 và dự báo tiếp tục cải thiện, đòi hỏi trước hết đối với các ngân hàng là phải có kế hoạch tăng cường, chuẩn bị tốt thanh khoản. Theo đó, động thái tăng lãi suất huy động sẽ tiếp diễn.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB chia sẻ, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm thời gian qua đã được điều chỉnh giảm xuống mức thấp nên khó tránh khỏi lãi suất tiền gửi sẽ tăng trở lại trong năm nay. Mặt bằng lãi suất tiết kiệm có chiều hướng tăng sẽ tác động lên chi phí của các ngân hàng.

Huy động và cho vay đều tích cực

Ông Huỳnh Trung Minh nhận định, lạm phát của Việt Nam sẽ được kiểm soát ở mức thấp, 3,5 - 4%, nên người gửi tiền tiết kiệm với mức lãi suất 5 - 6,5%/năm cho kỳ hạn dài được hưởng lãi suất thực dương. Đối với kỳ hạn gửi tiền từ 5 tháng trở xuống, các ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất 3 - 3,9%/năm và có dấu hiệu sẽ tiếp tục tăng. Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã tăng 0,2 - 0,3%/năm trong 3 tháng trở lại đây, nhằm thu hút tiền nhàn rỗi.

Việc Fed tăng lãi suất sẽ có một số tác động nhất định như chi phí vay và trả nợ nước ngoài bằng USD tăng lên, tỷ giá tăng, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư mạnh hơn.

Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM Nguyễn Đức Lệnh cho biết, 4 tháng đầu năm 2022, các ngân hàng trên địa bàn huy động vốn tăng 2,74% so với cuối năm 2021, trong đó tiền gửi tiết kiệm dân cư tăng 3,26%. Tốc độ huy động vốn 4 tháng đầu năm 2022 tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 1,25%) và năm 2020 (tăng 0,13%); tiền gửi tiết kiệm dân cư cao hơn so với các hình thức tiền gửi khác, chiếm 37% trong tổng tiền gửi của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, các ngân hàng chạy đua chuẩn bị thanh khoản để đáp ứng cầu vốn của nền kinh tế gia tăng sau đại dịch. Tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng đến cuối tháng 4/2022 đạt 6,75%. Tính riêng TP.HCM, dư nợ tín dụng đạt trên 3 triệu tỷ đồng, tăng 7% so với cuối năm 2021.

Giữ ổn định lãi suất cho vay

Mặc dù chi phí đầu vào tăng khi lãi suất tiền gửi đi lên, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là tiếp tục giảm (0,1 - 1%/năm) trong năm 2022.

“Lãi vay giữ ổn định thì chi phí tài chính doanh nghiệp sẽ thấp hơn, hoạt động thuận lợi, tạo ra khả năng trả nợ cho ngân hàng cũng tốt hơn. Hiện OCB vẫn cố gắng tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ khách hàng sau dịch. Trên cơ sở tiết giảm các chi phí vốn, Ngân hàng cũng đa dạng hóa nguồn vốn”, Tổng giám đốc OCB nói.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank cho hay, Ngân hàng phấn đấu ổn định lãi suất cho vay trong năm 2022 nhằm hỗ trợ khách hàng.

TS. Châu Đình Linh, Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, kịch bản tốt nhất hiện nay đối với Việt Nam là duy trì lãi suất cho vay hiện tại, không để gia tăng theo lãi suất của Fed; thực hiện nhanh gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp để phục hồi sản xuất - kinh doanh. Quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước tăng cao, hiện đạt gần 110 tỷ USD, gấp 10 lần quy mô năm 2010, gấp gần 4 lần so với năm 2015 và dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới theo quy mô của nền kinh tế sẽ giúp củng cố an ninh quốc gia, phòng ngừa những tác động bên ngoài, duy trì niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối ở mức cao và cán cân thanh toán thặng dư là những điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định tỷ giá.

Mặc dù đánh giá đợt tăng lãi suất lần này của Fed không ảnh hưởng nhiều đến lãi suất và tỷ giá, song giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam phải thận trọng với hành động của Fed từ nay đến cuối năm, nhất là khi lãi suất tăng nhiều lần với cường độ mạnh.

Tin bài liên quan