Cuộc họp chính sách tiếp theo của Fed được ấn định vào ngày 15 - 16/3/2022

Cuộc họp chính sách tiếp theo của Fed được ấn định vào ngày 15 - 16/3/2022

Dự báo tác động tới Việt Nam khi Fed tăng lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng nhanh và mạnh lãi suất USD kể từ tháng 3 tới nhằm kiểm soát lạm phát như thị trường đang dự báo thì mức độ ảnh hưởng tới Việt Nam dự kiến cũng sẽ không lớn. 

Ông Lê Vĩnh Phúc, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Fed thắt chặt tiền tệ và tăng lãi suất sẽ có tác động đến thị trường tài chính - tiền tệ của Việt Nam. Lãi suất USD tăng giúp giá trị USD được nâng lên. Theo đó, tỷ giá USD/VND có khả năng tăng, nhưng dự kiến không nhiều, do kinh tế đang phục hồi (GDP năm 2022 được dự báo tăng 6,5 - 7% nếu kiểm soát tốt dịch bệnh và thực hiện thành công Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội), lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (năm 2022 dự kiến trong khoảng 3,4 - 3,7%), cung - cầu ngoại tệ cơ bản ổn định và cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư.

Bên cạnh đó, lãi suất USD tăng đồng nghĩa với nghĩa vụ trả nợ bằng USD của nhiều quốc gia tăng lên, nhất là trong bối cảnh vay nợ của nhiều nước tăng nhanh thời gian qua. Nhưng với Việt Nam, tác động này dự kiến cũng không nhiều, do chúng ta đang giảm dần vay nợ nước ngoài, trong đó có nhiều loại ngoại tệ khác nhau, thời hạn dài (bình quân 13,8 năm), lãi suất thấp (bình quân 1,35%/năm).

Tuy nhiên, VND đang được neo theo USD và khi USD tăng giá thì VND sẽ tăng theo, khiến hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đắt hơn, làm giảm khả năng cạnh tranh đối với các thị trường khác ngoài Mỹ. Năm ngoái, Việt Nam là nước nhập siêu lớn khi tổng giá trị nhập khẩu là 668 tỷ USD, trong khi giá trị xuất khẩu là 336 tỷ USD. Nguyên liệu sản xuất cơ bản phụ thuộc vào việc nhập khẩu, nên khả năng “nhập khẩu lạm phát” thông qua nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu vào rất lớn.

Ngoài ra, USD tăng giá sẽ có lợi cho Trung Quốc khi xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ cũng như xuất khẩu vào Việt Nam. Trong điều kiện cán cân thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc đang ở tình trạng nhập siêu, giá trị nhập siêu dự kiến sẽ tăng. Trong năm 2021, tổng giá trị hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc là hơn 110 tỷ USD so với 668 tỷ USD nhập khẩu; giá trị hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 50 tỷ USD so với 336 tỷ USD xuất khẩu.

Đối với dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, Fed tăng lãi suất có thể dẫn đến nhiều thị trường trên thế giới diễn ra các đợt thoái vốn ngoại. Năm 2021, tại Việt Nam, vốn ngoại rút ròng mạnh, dù chúng ta giữ được giá đồng nội tệ. Thực tế, động thái này nằm trong xu hướng chung ở các thị trường mới nổi và cận biên. Từ đầu năm 2022 đến nay, khối ngoại tiếp tục có động thái bán ròng, nhưng giá trị không quá lớn, không ảnh hưởng nhiều đến thị trường chứng khoán.

Một vấn đề có tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam là giá dầu thế giới đang tăng cao, một trong những nguyên nhân chính gây ra lạm phát, khiến Fed phải lên kế hoạch tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.

Theo thống kê, chi phí logistic hiện chiếm gần 21% chi phí hàng hóa, chi phí vận tải chiếm 60% chi phí logistic, chi phí nhiên liệu chiếm 40 - 45% chi phí vận tải, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 6% chi phí hàng hóa.

Với mức giá dầu đang tiến lên ngưỡng 100 USD/thùng, gần mức cao nhất trong 9 năm trở lại đây và thực tế thị trường xăng dầu còn có nhiều biến động phức tạp, giá thành các sản phẩm, cả đầu ra và đầu vào cũng như đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng.

Cụ thể, giá dầu tăng sẽ kéo theo giá thành sản xuất và giá bán hàng hóa cao hơn, làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu và làm tăng giá thành sản phẩm nhập khẩu.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng

Lạm phát tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và khu vực châu Âu, đang ở mức cao. Với thương mại toàn cầu như hiện nay, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng đó, nhất là khi nước ta vẫn đang phải nhập khẩu nhiều loại hàng hóa. Tuy nhiên, do nền kinh tế mới mở cửa trở lại và lạm phát hiện nay của Việt Nam vẫn đang trong tầm kiểm soát, nên mức độ ảnh hưởng đến kinh tế sẽ không quá lớn.

Một trong những yếu tố góp phần dẫn đến lạm phát là giá dầu thế giới đang tăng nhanh, đạt 95 USD/thùng, gần mức cao nhất trong 9 năm trở lại đây.

Giá dầu đại diện cho năng lượng, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Do đó, giá dầu tăng đã thúc đẩy lạm phát do các chi phí đầu ra, giá vốn, giá thành, nguyên vật liệu tăng theo. Tuy vậy, nếu các quốc gia có thể gia tăng việc sử dụng những nguồn năng lượng thay thế như năng lượng gió, điện, nhiên liệu sinh học, nước thì sẽ ít bị phụ thuộc vào dầu mỏ, giúp kinh tế vẫn tăng trưởng, nhu cầu sử dụng cao nhưng chi phí rẻ.

Fed dự định nâng lãi suất USD trong cuộc họp tháng 3 tới và nhiều người đang hiểu lầm về vấn đề này. Không phải tăng lãi suất là xấu và giảm là tốt, mà vấn đề là tác động sau đó là gì. Tăng lãi suất giúp lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh kinh tế duy trì mức độ tăng trưởng ổn định (không cần nhanh) thì đó là điều tốt và thị trường tài chính vẫn được hỗ trợ. Tuy vậy, trong ngắn hạn, lãi suất tăng thường tạo ra tâm lý phòng thủ, có thể ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.

Ông Hoàng Hải Ninh, Giảng viên bộ môn Kinh tế đầu tư, Khoa Kinh tế, Học viện Tài chính

So với mức lạm phát cao kỷ lục tại Mỹ hay các nước thuộc khu vực châu Âu thì lạm phát của Việt Nam đang được kiểm soát ở mức chấp nhận được. Tình hình lạm phát hiện nay của nước ta chưa phải là nỗi lo đối với nền kinh tế. Có được điều này là do trong năm 2021, Việt Nam có các giải pháp kiềm chế lạm phát trước áp lực về giá cả hàng hóa liên tục tăng cao và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng diễn ra trên diện rộng.

Năm 2022, Việt Nam có khả năng “nhập khẩu lạm phát”, do nền kinh tế có nhiều ngành nghề sản xuất - kinh doanh phụ thuộc vào nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào từ nước ngoài. Khi giá cả các mặt hàng này ở các quốc gia nhập khẩu tăng lên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản xuất của nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt, các nguyên liệu thiết yếu như xăng dầu, kim loại… sẽ có tác động lan tỏa.

Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những yếu tố tác động tới lạm phát, nếu như Chính phủ có các biện pháp điều tiết nền kinh tế kịp thời và hiệu quả như năm 2021 thì sẽ kiềm chế được lạm phát.

Nếu Fed tăng lãi suất, quyết định này sẽ kéo theo nhiều tác động, với mức độ khác nhau ở các quốc gia. Đối với Việt Nam, tỷ giá và dòng vốn đầu tư có thể bị ảnh hưởng.

Cụ thể, kinh tế Mỹ đang phục hồi, lãi suất USD tăng giúp giá trị ngoại tệ này tăng, khiến đồng tiền của các nước khác, nhất là các nước mới nổi mất giá tương ứng, cộng với lạm phát nội tại có xu hướng tăng, ngân hàng trung ương có thể phải tăng lãi suất. Theo đó, tỷ giá USD/VND nhiều khả năng sẽ biến động, nhưng dự kiến không mạnh, do kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục.

Về dòng vốn đầu tư gián tiếp, quyết định tăng lãi suất của Fed trong ngắn hạn có thể hỗ trợ thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm, vì phản ánh kỳ vọng nền kinh tế thế giới đang hồi phục tốt, nhưng dự báo đó chỉ là xu hướng tạm thời.

Mặt khác, lãi suất tăng có thể khiến dòng vốn ngoại rút ra khỏi các thị trường nhận đầu tư, vì giá trị đồng nội tệ bị giảm. Dòng tiền sẽ quay về các thị trường lớn như Mỹ hay EU, nhằm tránh rủi ro, bởi lãi suất đang tăng. Hiện tượng rút vốn có thể xảy ra tại Việt Nam, nhưng khó có thể ồ ạt như trước, vì việc tăng lãi suất là điều đã được dự báo và thị trường có thể chuẩn bị tâm lý cho việc này.

Một tác động khác đáng chú ý từ việc Fed tăng lãi suất là nghĩa vụ trả nợ bằng USD của các quốc gia sẽ gia tăng. Đối với Việt Nam, tác động này là có, nhưng cũng ở mức thấp, do mức độ vay nợ nước ngoài có xu hướng giảm. Nợ nước ngoài đang ở mức 38,8% GDP đã điều chỉnh, giảm so với mức 42% GDP bình quân giai đoạn 2010 - 2019.

Ngày 14/2/2022, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis James Bullard cho rằng, Fed cần “đi trước đón đầu” và nâng lãi suất lên 1% vào tháng 7/2022. Theo ông James Bullard, uy tín của Fed đang bị ảnh hưởng sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất trong 40 năm qua. CPI tháng 1/2022 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2021. Không tính đến giá năng lượng và thực phẩm, hai nhóm hàng hoá có biến động liên tục, CPI lõi tháng 1 của Mỹ tăng 6%.

Ông Bullard là thành viên của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed. Cuộc họp chính sách tiếp theo của Fed được ấn định vào ngày 15 - 16/3/2022.

Tin bài liên quan