Tài chính tiêu dùng: Cuộc chơi lắm gian nan

Tài chính tiêu dùng: Cuộc chơi lắm gian nan

(ĐTCK) Được đánh giá có sức hấp dẫn lớn, khi nhu cầu vay phục vụ mua sắm trong dân ngày càng tăng, nhưng “sân chơi” tài chính tiêu dùng cũng vô cùng khốc liệt.

VVF: thành lập Gần hai năm vẫn chưa đi vào hoạt động

Ngày 13/12/2016, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản chấp thuận việc sáp nhập Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF) vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) để mở đường cho việc thành lập Công ty TNHH MTV Tài chính SHB (SHB FC) vào ngày 12/1/2017 với vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng.

Khi đó, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết, việc sáp nhập một công ty tài chính, thay vì thành lập mới xuất phát từ việc SHB muốn phát triển thêm mảng bán lẻ tiêu dùng. VVF đã có sẵn bộ máy và mạng lưới hoạt động, nên việc sáp nhập sẽ có lợi hơn về chi phí cơ hội, cũng như chi phí đầu tư.

Tuy nhiên, cho đến nay, SHB FC vẫn chưa được đưa vào hoạt động. Nguyên do của sự chậm trễ này được lãnh đạo SHB tiết lộ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 diễn ra vào tháng 4 vừa qua.

Đó là Công ty vẫn đang trong giai đoạn tuyển dụng nhân sự, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, quy trình, quy chế... Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB chia sẻ, dự kiến, SHB FC tháng 7 mới bắt đầu hoạt động và chưa có mục tiêu rõ ràng về doanh thu, lợi nhuận, quy mô của công ty tài chính tiêu dùng này.

Điều đó có nghĩa, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2018 là 2.050 tỷ đồng của SHB vẫn chưa tính đến đóng góp từ SHB FC.

Áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt

Ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc FE Credit (Công ty Tài chính của VPBank) cho biết kết quả kinh doanh của Công ty trong nửa đầu năm 2018 chậm lại so với các năm trước.

Cụ thể, tăng trưởng tín dụng mới đạt khoảng 4% và chiếm 22% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng hợp nhất. Lợi nhuận của FE Credit đóng góp khoảng 36% vào tổng lợi nhuận của VPBank trong 6 tháng đầu năm, giảm mạnh so với mức hơn một nửa trong năm 2017. 

Tăng trưởng tín dụng của FE Credit chậm lại là do Công ty điều chỉnh ở một số đối tượng cho vay và thu hồi nợ gặp vấn đề do tỷ lệ nhân viên nghỉ việc tăng lên (bị đối thủ cạnh tranh thu hút).

Công suất thu hồi nợ cũng bị giảm sút. Nếu như thời điểm tháng 2/2018, mỗi cán bộ thu hồi nợ đạt 1.077 khoản, thì đến tháng 5 chỉ còn 888 khoản nợ/cán bộ.

“Giai đoạn đầu năm 2018, FE Credit bị mất nhân sự, dẫn đến việc thu hồi nợ xấu không được như dự kiến. Thời gian tới, Công ty sẽ cải thiện vấn đề vận hành và chất lượng khoản vay để đảm bảo chất lượng nợ tốt hơn, giảm nợ xấu và gia tăng lợi nhuận. Hiện, tỷ lệ nợ xấu của Công ty ở mức khoảng 5%”, ông Kalidas nói.

Còn Home Credit giờ đây đã đánh mất vị trí dẫn đầu thị trường với thị phần hiện còn chưa đầy 20%.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo cao cấp một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, sự cạnh tranh trên thị trường tài chính tiêu dùng hiện đang diễn ra rất gay gắt, khốc liệt. Các ngân hàng gần như đều chung nhận định đây là “miếng bánh ngon”, nên khá quyết liệt gia nhập.

“Đó là chưa kể, với sự tham gia của nhà đầu tư ngoại như Công ty TNHH Thẻ Lotte, Tập đoàn Shinhan Financial Group từ Hàn Quốc… cùng xu hướng cho vay tiêu dùng qua thẻ của các ngân hàng đang nở rộ, thị trường béo bở này sẽ không còn dễ ăn”, vị lãnh đạo trên nói.

Được biết, ngày 1/2/2018, Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) đã tham gia phiên đấu giá công khai mua cổ phần Công ty Tài chính TNHH một thành viên Bưu điện (PTF) của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và là đơn vị trúng đấu giá cao nhất với mức giá 710 tỷ đồng.

Ngày 22/5/2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có quyết định chấp thuận việc mua bán, chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của Tập đoàn VNPT tại Công ty PTF cho SeABank. Sau khi hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng, ngày 22/6, Tập đoàn VNPT chính thức bàn giao Công ty PTF cho SeABank.

Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) dự kiến sau khi bán một phần vốn của công ty cho thuê tài chính trực thuộc sẽ thành lập công ty tài chính tiêu dùng.

Còn tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) cũng tái trình cổ đông kế hoạch thành lập công ty tài chính trong năm 2018…

“Công ty dự báo vẫn có những khó khăn phía trước, đến từ cả nội tại lẫn từ thị trường. Thời gian tới chúng tôi sẽ có những thay đổi phù hợp”, ông Kalidas nói.

Tin bài liên quan