Chia sẻ về tầm nhìn quốc gia năm 2045, Thủ tướng Chính phủ mong muốn Việt Nam trở thành một quốc gia phồn vinh, hạnh phúc, gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập cao.

Chia sẻ về tầm nhìn quốc gia năm 2045, Thủ tướng Chính phủ mong muốn Việt Nam trở thành một quốc gia phồn vinh, hạnh phúc, gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập cao.

Tầm nhìn quốc gia

Việc lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ về tầm nhìn quốc gia năm 2045 không chỉ đặt ra trách nhiệm lớn lao cho các cơ quan hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, mà còn là trách nhiệm của mỗi bộ, ngành, địa phương, của mỗi người dân Việt Nam cùng hành động vì mục tiêu chung.

Năm 2045 là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam, bởi khi đó, đất nước tròn 100 năm độc lập, kể từ mùa Thu năm 1945. Dân tộc Việt Nam không hề kém bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới; khả năng con người Việt Nam không hề kém hơn so với dân tộc khác; lòng yêu nước của chúng ta cũng không hề thua kém họ. Đó là lý do để Thủ tướng Chính phủ mong muốn vào năm 2045, Việt Nam trở thành một quốc gia phồn vinh, hạnh phúc, gia nhập nhóm các quốc gia thu nhập cao, nơi người dân có cuộc sống hạnh phúc nhất thế giới.              

Tại thời điểm đó, Việt Nam trở thành một quốc gia có nền kinh tế tri thức cạnh tranh, nằm trong 20 quốc gia đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu cũng như chỉ số về môi trường kinh doanh thuận lợi…

Và trước 2045, chúng ta còn có tầm nhìn 2030, cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chia sẻ rất thẳng thắn. Theo đó, Việt Nam sẽ hướng tới một xã hội khá thịnh vượng, thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình cao.

Hàng loạt chỉ tiêu cơ bản cho sự thịnh vượng cũng đã được nhấn mạnh, từ GDP bình quân đầu người đạt ít nhất 18.000 USD (theo giá PPP năm 2011), tương đương Malaysia vào năm 2010; rồi phần lớn (trên 50%) dân số Việt Nam sống ở khu vực đô thị; hay tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP ở mức hơn 90%, đóng góp hơn 70% việc làm; tỷ trọng của khu vực tư nhân trong GDP ít nhất là 80%...

Chúng ta “không được chọn nơi mình sinh ra, nhưng ta được chọn nơi mình sẽ sống”. Khi chia sẻ câu ngạn ngữ này, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, đây phải là phương châm và là động lực để nghĩ về những định hướng phát triển, tầm nhìn của Việt Nam đến năm 2030 và 2045, nghĩ về một tương lai tươi sáng hơn cho đất nước, về một Việt Nam hùng cường, nơi nhân dân có cuộc sống hạnh phúc như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Có tầm nhìn, có khát vọng sẽ thôi thúc các cơ quan hoạch định chính sách, chiến lược phát triển của quốc gia trong xây dựng thể chế, chính sách để hiện thực hóa khát vọng đó, thôi thúc cả hệ thống chính trị cùng hành động vì khát vọng chung của đất nước. Có nghĩa, không chỉ là mơ ước, mà trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam là phải nghiêm túc thực hiện khát vọng đó.

Mọi chuyện không bao giờ dễ dàng, nhất là khi Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như thách thức tụt hậu, thách thức rơi vào bẫy thu nhập trung bình… Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, không chỉ là sụt giảm tăng trưởng toàn cầu, mà còn là bất ổn địa chính trị, chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang quay trở lại… thì thách thức sẽ càng lớn hơn.

Nhưng hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng là mệnh lệnh của nền kinh tế, của đất nước, là trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp, từng bộ, ngành, địa phương, nhất là các địa phương.

Khi chia sẻ về tầm nhìn quốc gia 2030-2045, Thủ tướng Chính phủ đã nhắc đến những đô thị như Hà Nội, TP.HCM… vào năm 2030 sẽ tương tác với nền kinh tế toàn cầu và đảm bảo tính đa dạng đô thị, nhờ đó khuyến khích học tập, sáng tạo, phát triển sản phẩm mới, kết nối mọi người và doanh nghiệp trên thế giới. Nếu mỗi địa phương trong cả nước, nhất là các đầu tàu kinh tế, đều có thể trỗi dậy mạnh mẽ, thì kinh tế quốc gia sẽ phát triển mạnh hơn, đất nước sẽ thêm phần thịnh vượng. Khi đó, tầm nhìn 2030, sau đó là tầm nhìn 2045 sẽ trở thành hiện thực.

Tin bài liên quan