Tâm thư lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết giữa những ngày chứng khoán lao dốc

Tâm thư lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết giữa những ngày chứng khoán lao dốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Môi trường kinh doanh khốc liệt hơn và xung đột địa chính trị đã tác động, khiến doanh nghiệp Việt đứng trước những thách thức chưa từng có. Tái cấu trúc, phản ứng nhanh, linh hoạt được nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch hành động.

Đối diện với nhiều yếu tố vĩ mô biến động khó lường, thị trường chứng khoán giảm sâu, VN-Index mất mốc 1.000 điểm, xóa bỏ hết thành quả của 2 năm trước đó khiến tâm lý nhà đầu tư hoang mang sợ hãi, tâm lý của nhân viên làm ở những doanh nghiệp cũng có những áp lực riêng. Đứng trước tình cảnh đó, thông điệp, chia sẻ của người đứng đầu doanh nghiệp cũng nhanh chóng được phát ra.

Cổ phiếu VND của CTCP Chứng khoán VNDIRECT bất ngờ nằm sàn ngay từ phiên sáng 24/10 với dư bán sàn hơn 10 triệu đơn vị, tạo sự quan tâm đặc biệt tới cổ phiếu này, dù rằng nhóm chứng khoán đóng cửa cùng chung sắc xanh da trời.

“Chúng ta đang đi qua giai đoạn hết sức khó khăn của thị trường vốn quốc tế nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng. Những bất ổn của tình hình vĩ mô thế giới sau giai đoạn dịch bệnh và tiếp đến là các xung đột địa chính trị tạo ra nhiều khó khăn cho môi trường kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Vũ Long, Tổng giám đốc VND mở đầu trong thư gửi VNDIRECTORs chiều ngày 24/10 được cộng đồng nhà đầu tư truyền tay nhau.

Nội dung email được nhà đầu tư truyền tay trong các room chat

Nội dung email được nhà đầu tư truyền tay trong các room chat

Thị trường vốn của Việt Nam, bên cạnh chịu những rủi ro vĩ mô chung của thế giới còn chịu tác động khi chịu ảnh hưởng thêm từ việc:

(1) Thắt chặt tín dụng của Ngân hàng trung ương nhằm kiểm soát lạm phát dẫn đến dòng vốn tín dụng bị hạn chế.

(2) Thị trường trái phiếu bị ách tắc sau 2 sự việc lớn trong năm làm ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực gọi vốn trung dài hạn của các doanh nghiệp.

(3) Thị trường cổ phiếu niêm yết ở giai đoạn điều chỉnh sâu khi tâm lý bi quan bao trùm lên cả nhà đầu tư tổ chức lẫn nhà đầu tư cá nhân.

Những khó khăn đó làm cho mạch máu của nền kinh tế là dòng vốn không còn được lưu thông và dự báo sẽ tạo ra vô vàn khó khăn cho các doanh nghiệp, cho nền kinh tế trong những quý tiếp theo.

“VNDIRECT chúng ta chắc chắn cũng không thể tránh được những khó khăn, thử thách trong bối cảnh kinh tế đó. Chúng ta nhận được rất nhiều câu hỏi của thị trường về kết quả hoạt động kinh doanh quý 3 của công ty chỉ đạt mức 171 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, là quý có kết quả thấp nhất trong mấy năm gần đây.

Nếu kết quả quý 3 loại bỏ phần trích lập của trạng thái đầu tư dài hạn do giá cổ phiếu điều chỉnh trong quý (PTI), thì thấy mình vẫn may mắn duy trì được kết quả này. Bên cạnh đó, VND cũng vừa chốt thành công gần 100 triệu USD từ các định chế tài chính nước ngoài. Đây là khoản vay USD lớn thứ 2 trong năm và một lần nữa khẳng định vị thế của VND trên thị trường vốn quốc tế. VND cũng luôn fully hedging các khoản vay nước ngoài để đảm bảo kiểm soát toàn bộ rủi ro tỷ giá.

Những kết quả đó chính là động lực để tiếp tục đi trên con đường và triết lý kinh doanh đang xây dựng tại VNDIRECT, đó là con đường giúp khách hàng kiến tạo được sức khoẻ tài chính, sự thịnh vượng và tăng trưởng bền vững (health-wealth-grow); cũng là sứ mệnh kết nối, khơi thông dòng vốn giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có được nguồn tài chính để hiện thực hoá tầm nhìn kinh doanh của mình", ông Long chia sẻ qua email.

Theo báo cáo tài chính quý 3 công ty mẹ VND, doanh thu hoạt động 1.400 tỷ đồng, giảm 9%. Đáng chú ý, mảng tự doanh kém khả quan với lỗ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng mạnh 70%, lên mức 647,5 tỷ đồng đồng. Qua đó, kéo lợi nhuận tự doanh chỉ còn 20 tỷ đồng, giảm hơn 85% so với cùng kỳ. Mảng tích cực trong kỳ của VND là lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng 21% lên 377,5 tỷ đồng.

Trong phần chi phí, đáng chú ý với chí phí tài chính 336,5 tỷ đồng, tăng đến 250%, chi phí quản lý cũng tăng 40% lên 87 tỷ đồng.

Kết quả, VND lãi 93,5 tỷ đồng, giảm 83% so với quý 3/2021.

Bên cạnh đó, nội dung email cũng nêu: "Hiện nay có rất nhiều tin đồn vô căn cứ/sai sự thật, kể cả tin đồn sai lệch về Trung Nam và những tin đồn/bịa đặt về những bắt bớ sai phạm khiến VND gặp không ít khó khăn. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng đang nhận được rất nhiều sự chia sẻ, động viên của đối tác về niềm tin vào sự phát triển của thị trường Việt Nam, vào sự vững vàng của VNDIRECT.

Đây là lúc chúng ta cùng nhau cập nhật thông tin của VND, để có những thông tin đúng đắn và không bị tin đồn ảnh hưởng. Vì nếu chúng ta cũng hành xử theo tin đồn, thì chính chúng ta là một phương tiện thúc đẩy thêm đám đông sợ hãi".

Vấn đề lựa chọn doanh nghiệp, VNDIRECT lựa chọn doanh nghiệp luôn theo các chuẩn mực của 5Cs (Cashflow, Capital, Conditions, Collateral, Corporate Governance).

Theo đó, CEO VND cho rằng, Trung Nam Group là một tập đoàn năng lượng có quy mô lớn nhất Việt Nam, với tổng công suất lắp đặt năng lượng tái tạo chiếm 8% toàn thị trường. Với 9 nhà máy, tổng công suất hơn 1.600 MW hiện nay, Trung Nam luôn đảm bảo duy trì dòng tiền khá ổn định (cashflow). Với platform hiện có, Trung Nam đang có quy mô tổng tài sản dự kiến gần 50.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 14.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Trung Nam cũng đang được một tổ chức nước ngoài tư vấn để gọi vốn quốc tế, và các nhà đầu tư đang trong quá trình đánh giá thẩm định chi tiết (capital - khả năng huy động vốn mới).

Đối với các giao dịch trái phiếu cho VNDIRECT tư vấn phát hành, điều kiện phát hành của Trung Nam là vốn đầu tư cho các nhà máy điện và tạo dòng tiền tương lai, chứ không phải mua tài sản và đầu cơ tài sản chờ tăng giá (condition). Tài sản của Trung Nam là dòng tiền từ các nhà máy phát điện và quỹ đất tích luỹ từ quá trình đầu tư hạ tầng ở Đà Nẵng và Khánh Hoà và quy mô vốn chủ sở hữu lớn (Collateral).

Quan trọng hơn nữa, lãnh đạo Trung Nam là những con người có tầm nhìn và sứ mệnh đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và lợi thế của Trung Nam là làm chủ được năng lực đầu tư hạ tầng, có uy tín với các nhà cung cấp thiết bị để quá trình đầu tư nhanh và hiệu quả (Corporate Governance).

Việc đồng hành cùng Trung Nam chính là minh chứng cho sự kiên định với sứ mệnh dẫn vốn của VNDIRECT cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo vì ai cũng hiểu được tầm quan trọng của an ninh và tự chủ năng lượng của quốc gia sau những sự kiện đang diễn ra về sự thiếu hụt năng lượng của các nước Châu Âu.

"Hy vọng rằng mỗi VNDIRECTORs cùng nhau cập nhật, thông tin kiến thức cơ bản để có lăng kính soi sáng bản thân và là sứ giả truyền thông của tổ chức đến khách hàng, đối tác và đồng nghiệp", CEO VND chia sẻ qua email.

Không chỉ VNDIRECT, thông tin liên quan đến Tập đoàn Nova Group thời gian gần đây cũng được giới đầu tư đặc biệt quan tâm, cũng đã có những thông báo nội bộ trong ngày 24/10.

Thông báo nêu, Tập đoàn Nova đã và đang điều chỉnh chiến lược, kế hoạch hành động thông qua việc tập trung nguồn lực tối đa để triển khai các dự án trọng điểm như AquaCity, NovaWorld Phan Thiết, NovaWorld Ho Tram và các dự án bất động sản trung tâm TP.HCM; thu gọn một số hoạt động kinh doanh không hiệu quả, những hoạt động nào mang lại giá trị gia tăng cho các cụm đô thị thì tiếp tục triển khai để phục vụ khách hàng và cộng đồng.

Tôi tin rằng, sự điều chỉnh kịp thời này sẽ giúp Tập đoàn củng cố chiến lược phát triển, đối với cá nhân sẽ giúp phát huy nội lực, tập thể sẽ phát huy tối đa vai trò. Tất cả nhằm hướng đến mô hình hoạt động chuyên nghiệp - hiệu quả. Do đó, Ban Lãnh đạo mong muốn các cộng sự sẽ quyết tâm nỗ lực để hoàn thành tốt công việc được giao, cùng nhau chinh phục vượt qua thử thách”, Ban Lãnh đạo Nova Group chia sẻ trong thông báo.

Đồng thời, Novaland (NVL) cũng lên tiếng về tin đồn sai sự thật về dự án AquaCity.

Theo NVL, trên mạng xã hội đang lan truyền hình ảnh một đoạn nội dung “Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Tỉnh Biên Hòa cung cấp hồ sơ cho Phòng An ninh kinh tế - Công an TP.HCM về dự án IZUMI CITY và dự án AQUA CITY về sai phạm trong quản lý đất đai của Liên hiệp HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đồng Nai (Dona Coop) trước ngày 15/11/2022”. Novaland khẳng định, đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật và Tập đoàn đang làm việc với các cơ quan chức năng để có những biện pháp xử lý xác đáng việc lan truyền nội dung xuyên tạc trên, gây tâm lý hoang mang của cộng đồng xã hội, khách hàng, nhà đầu tư…

Đến thời điểm hiện tại, với việc nỗ lực đảm bảo tiến độ thi công, Khu đô thị sinh thái thông minh Aqua City đã chuẩn bị sẵn sàng mọi nguồn lực để chào đón những cư dân đầu tiên, các thương hiệu từ vui chơi, giải trí, mua sắm cũng đã đồng loạt hiện diện tại đô thị.

Phía Nam Long cũng lên tiếng trước thông tin này, cụ thể, Nam Long Group khẳng định, đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật về dự án Izumi City và đã được Công an TP.HCM xác nhận và bác bỏ thông tin vào chiều cùng ngày (24/10).

Những hình ảnh và thông tin sai lệch trên đang ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động của chủ đầu tư Izumi City. Để bảo vệ công ty thành viên cũng như đảm bảo quyền lợi của khách hàng, nhà đầu tư và các bên liên quan, Nam Long Group sẵn sàng làm việc với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý nghiêm những tổ chức/cá nhân đăng tải, lan truyền những thông tin sai lệch này.

Trước đó, trên mạng xã hội có lan truyền thông tin liên quan đến Nam Long chậm trả nợ cho nhà thầu tại dự án Izumi City.

Nam Long ngay lập tức đã có phản ứng trước thông tin này. Theo Nam Long, Izumi City (tên pháp lý: Dong Nai Waterfront) là dự án của Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai - một công ty con của Nam Long. Dự án được mua từ chủ đầu tư Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Đồng Nai (Dona Coop).

Công ty TNHH Thành phố Waterfront và Công ty Dona Corporation đang trong quá trình thỏa thuận những chi phí phát sinh về việc phát triển hạ tầng chung của toàn khu. Sự việc căng băng rôn là sự cố hiểu lầm ngoài ý muốn giữa các nhà thầu và chúng tôi đang cùng nhau giải quyết.

Nam Long cam kết luôn thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ liên quan mà Nam Long trực tiếp kí kết cùng đối tác.

Căn cứ theo BCTC hợp nhất quý 3/2022, tiền mặt của Nam Long Group là 3.900 tỷ đồng, nên việc đảm bảo thanh toán cho nhà thầu như cam kết hoàn toàn nằm trong khả năng của NLG. Thông tin lan truyền lan truyền trên mạng về việc NLG không đủ khả năng thanh toán là không chính xác.

Tin bài liên quan