GAS, VNM, VCB, VIC, cùng với FPT là 5 doanh nghiệp Việt Nam lọt vào danh sách 122 công ty giá trị nhất Đông Nam Á

GAS, VNM, VCB, VIC, cùng với FPT là 5 doanh nghiệp Việt Nam lọt vào danh sách 122 công ty giá trị nhất Đông Nam Á

Tầm vóc những doanh nghiệp tỷ đô

(ĐTCK) Tính đến thời điểm 31/12/2014, thống kê hơn 700 DN trên hai sàn, có 20 cổ phiếu có mức vốn hoá từ 500 triệu USD trở lên, trong đó có 18 mã cổ phiếu giao dịch trên HOSE và 2 mã trên HNX, với lĩnh vực chủ yếu là ngân hàng, dầu khí, bất động sản, thực phẩm. Đáng chú ý, có 9 mã cổ phiếu có mức vốn hoá trên 1 tỷ USD, đáp ứng được một trong những tiêu chí quan trọng để nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên thị trường mới nổi.

9 cổ phiếu đạt quy mô vốn hoá tỷ USD

Đứng đầu về quy mô vốn hoá (thời điểm cuối năm 2014) là GAS, với giá trị vốn hoá đạt 6,248 tỷ USD, kế đến là VNM, VCB, VIC, MSN... Trong đó, cổ phiếu có P/E cao nhất là 17,467 lần, thuộc về BVH, theo sau lần lượt là VCB, VNM, VIC, GAS và thấp nhất là BID (7,98 lần), HPG (8,08 lần). Xét chỉ số ROA thì Top 3 lần lượt thuộc về VNM, GAS, HPG; xét chỉ số ROE thì Top 3 lần lượt là GAS, VNM, VIC; riêng MSN có ROA và ROE đều âm.

Đặc điểm chung của Top những cổ phiếu vốn hoá lớn nhất này là nằm trong rổ chỉ số VN30 (trừ GAS và BID), đều thuộc những DN hàng đầu trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính là tại đa số các DN, cổ đông Nhà nước vẫn giữ tỷ lệ sở hữu lớn. Chẳng hạn, tại GAS, cổ đông Nhà nước sở hữu 96,72% vốn, tại BID là 95,76%, VCB 77,11%, BVH 74,16%. Mặc dù vậy, với con số tuyệt đối về số lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường rất lớn, nên biến động giá của những cổ phiếu này có tác động không nhỏ tới xu hướng thị trường.

Nhìn lại hành trình đạt mức quy mô vốn hoá 1 tỷ USD của các DN cho thấy, ngay từ khi chào sàn, hầu hết DN đã cán mốc vốn hoá tỷ USD. Cụ thể, GAS chào sàn với hơn 68.000 tỷ đồng vốn hoá (khoảng 3,2 tỷ USD); VCB, CTG, BID, HPG, MSN, BVH đều có vốn hoá trên 1 tỷ USD. Riêng VNM và VIC chưa đạt vốn hóa tỷ USD tại thời điểm chào sàn. VNM niêm yết năm 2006 với vốn hóa trên 400 triệu USD, nhưng đầu năm 2007 đã đạt mức vốn hoá 2 tỷ USD. Kết thúc phiên 31/12/2014, vốn hoá VNM đạt 95.500 tỷ đồng, tương đương 4,467 tỷ USD, gấp hơn 10 lần so với thời điểm niêm yết. Còn VIC niêm yết năm 2007, đến cuối năm 2009 mới chạm mốc vốn hoá tỷ USD.

Tầm vóc những doanh nghiệp tỷ đô ảnh 1

Ngoài các cổ phiếu nêu trên, TTCK Việt Nam dự báo sẽ có thêm những gương mặt mới là những cổ phiếu “theo sát” hàng Top như STB, PVD, HAG, FPT, đều có giá trị vốn hoá trên 750 triệu USD. Những DN này hoạt động kinh doanh hiệu quả và có tiềm năng tăng trưởng. Theo đó, việc các DN đạt được vốn hoá tỷ USD có lẽ chỉ chờ yếu tố thời gian. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào những cổ phiếu hiện hữu, vốn hóa của TTCK khó có thể tăng mạnh. Với quyết tâm đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa DNNN, nhiều tổng công ty có quy mô vốn hàng nghìn tỷ đồng đã IPO trở thành CTCP. Chỉ cần những DN như Vietnam Airlines, Vinatex… lên niêm yết, câu chuyện “hàng chất lượng” và vốn hoá thị trường sẽ có sự thay đổi tích cực.

Vị thế trong khu vực

Các cổ phiếu vốn hoá lớn thường là những DN đầu ngành, có tiềm năng tăng trưởng và ảnh hưởng trực tiếp tới diễn biến chỉ số giá chứng khoán. Vì lẽ đó, cổ phiếu vốn hoá lớn vừa thích hợp cho đầu tư giá trị, vừa có thể thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các quỹ đầu tư theo chỉ số (ETF), vì các quỹ này bắt buộc phải sở hữu những cổ phiếu blue-chip có chung biến động giá với các chỉ số chứng khoán. Theo đó, càng nhiều cổ phiếu có vốn hoá lớn lên niêm yết, giá trị vốn hoá của TTCK Việt Nam càng tăng nhanh, thanh khoản được cải thiện và tạo điều kiện thu hút thêm dòng tiền.

Tầm vóc những doanh nghiệp tỷ đô ảnh 3

Xét chung cho toàn thị trường, với con số 9 DN có vốn hoá tỷ USD của TTCK Việt Nam có thể nói là một tín hiệu đáng mừng, nhưng so với nhiều thị trường trong khu vực thì vẫn còn khá nhỏ. Nhìn vào quy mô vốn hoá của từng thị trường cũng phần nào cho thấy sự chênh lệch này. Theo thống kê, kết thúc năm 2014, quy mô vốn hóa của thị trường Việt Nam đạt hơn 50 tỷ USD, bằng 1/10 thị trường Thái Lan, bằng 1/6 thị trường Philippines và bằng 1/14 thị trường Singapore. Trong khi đó, GDP Việt Nam bằng 1/3 Thái Lan. Xét về số lượng DN niêm yết, TTCK Thái Lan có khoảng 600 DN niêm yết trên sàn SET, nhưng giá trị vốn hoá thị trường rất lớn, xấp xỉ 11.500 tỷ THB, tương đương 350,8 tỷ USD; trong số đó có gần 80 tổ chức và DN nước ngoài, chiếm 30% tổng vốn hóa thị trường. Đặc biệt, Thái Lan thu hút được dòng vốn ngoại lớn, hiện có khoảng 20 quỹ đầu tư hàng đầu thế giới hoạt động tại thị trường này.


Tầm vóc những doanh nghiệp tỷ đô ảnh 4

TTCK Việt Nam đang có lợi thế về định giá để thu hút vốn ngoại, vì có mức P/E thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Cụ thể: VN-Index là 13 lần, trong khi P/E TTCK Indonesia là 19,9 lần, P/E Philippines là 20,5 lần; P/E Malaysia 15,6 lần, P/E Thái Lan 17 lần, P/E Singapore 27,3 lần. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, NĐT nước ngoài mua ròng liên tiếp trong 9 tháng đầu năm 2014, với tổng vốn đầu tư 136 triệu USD, không đáng kể so với mức đầu tư 3,76 tỷ USD vào TTCK Indonesia và 1,25 tỷ USD vào TTCK Philippines (hai thị trường được MSCI phân loại là thị trường mới nổi).

Theo tiêu chí phân hạng thị trường của MSCI, để xếp vào thị trường biên, cần có ít nhất 2 công ty có vốn hóa 512 triệu USD trở lên; để vào thị trường mới nổi, cần ít nhất 3 công ty có vốn hóa 1,2 tỷ USD trở lên. Hiện Việt Nam đang nỗ lực để nâng hạng thị trường lên nhóm mới nổi và đã đáp ứng được tiêu chí về số lượng DN vốn hoá lớn, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm như mở rộng khả năng tiếp cận TTCK cho khối ngoại, hoàn thiện thể chế và hạ tầng của thị trường, quảng bá, nâng cao hình ảnh thị trường…

Nhìn lại quá trình nâng hạng của hai thị trường mới nhất là Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Qatar cũng phải mất 5 năm mới thành công. Theo số liệu của Bloomberg, chỉ số ADX General Index của Abu Dhabi đã tăng 44% kể từ khi MSCI tuyên bố nâng hạng cho đến tháng 9/2014, đẩy giá trị vốn hóa TTCK UAE tăng thêm 33,5 tỷ USD. Tương tự, chỉ số Qatar Exchange Index tăng 47%, chỉ số DFM General Index của Dubai tăng hơn gấp đôi. Trong khi đó, chỉ số MSCI Emerging Markets Index (chỉ số MSCI thị trường mới nổi) chỉ tăng 4,2%.

Như lẽ tất nhiên, kỳ vọng về việc thu hút vốn ngoại vào thị trường khi nâng hạng đã thành hiện thực. TTCK Qatar đã hút kỷ lục 2,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong 9 tháng đầu năm 2014. TTCK Dubai tiếp nhận khoảng 1,35 tỷ USD tính đến tháng 9/2014 kể từ ngày 21/5/2014, một tuần trước khi thông báo nâng vị thế có hiệu lực.

Xét vị thế của các DN, mặc dù quy mô TTCK Việt Nam còn nhỏ, nhưng từng DN lại lọt vào danh sách những DN hàng đầu khu vực. Cuối tháng 11/2014, Tạp chí Nikkei Asian Review đã chọn ra danh sách 122 công ty giá trị nhất Đông Nam Á (ASEAN 100), gồm 25 công ty Singapore, 22 công ty Malaysia, 25 công ty Indonesia, 22 công ty Phillipines, 25 công ty Thái Lan và 5 công ty của Việt Nam (VNM, GAS, FPT, VCB, VIC). Đây là những DN niêm yết tại Đông Nam Á được Tạp chí Nikkei Asian Review theo dõi và đưa tin thường xuyên. Tiêu chí được đưa vào danh sách này dựa trên vốn hóa và tiềm năng tăng trưởng. Theo Nikkei Asian Review, các công ty Đông Nam Á đang ngày càng phát triển. 44 công ty trong ASEAN 100 có vốn hóa 10 tỷ USD trở lên, tính đến cuối tháng 10/2014. Trong khi đó, 24 DN có trên 1 tỷ USD lợi nhuận trong năm tài chính gần nhất.     

Tin bài liên quan