Tân Chủ tịch nước, tân Thủ tướng Chính phủ: Vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhất trọng trách mới

Tân Chủ tịch nước, tân Thủ tướng Chính phủ: Vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhất trọng trách mới

0:00 / 0:00
0:00
Phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đều khẳng định sẽ vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhất trọng trách mới.

Phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội ngày 5/4/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ tận tâm, tận lực, trách nhiệm, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn, hoàn thành tốt nhất trọng trách được giao; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nguyện sẽ mang hết sức mình, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực cùng các thành viên Chính phủ đoàn kết, liêm chính, hành động quyết liệt, hiệu quả, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Việt Nam nhất định sẽ vượt qua mọi sóng to, gió cả

“Hôm nay, dưới lá cờ đỏ sao vàng, tôi xin hứa trước Quốc hội và Nhân dân cả nước, sẽ không ngừng tu dưỡng đạo đức, phẩm chất, tận tâm, tận lực, trách nhiệm, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước được Hiến pháp và pháp luật quy định”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu nhậm chức. Ông cũng hứa sẽ gần gũi, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân, đồng thời mong nhận được sự ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của cả hệ thống chính trị, đồng bào, chiến sỹ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài để hoàn thành tốt nhất trọng trách được giao.

Tiếp đó, Chủ tịch nước hơn một lần nhắc lại hình ảnh con tàu Việt Nam trong hải trình đặc biệt của nhiệm kỳ này, hình ảnh ông đã nhấn mạnh tại Báo cáo Công tác nhiệm kỳ trước Quốc hội đầu kỳ họp.

“Trong toàn bộ nhiệm kỳ vừa qua, con tàu Việt Nam ta đã vượt qua một hải trình dồn dập, đầy bão tố; từ bất ổn kinh tế thế giới đến đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ liên tiếp tác động rất nặng nề đến sự phát triển của đất nước, song dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, điều hành quyết liệt, sát sao của Chính phủ, sự phối hợp và giám sát chặt chẽ của Quốc hội và sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Nhân dân, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên mọi lĩnh vực, trở thành điểm sáng của khu vực và thế giới trong thực hiện “mục tiêu kép”, được bạn bè quốc tế đánh giá cao; tô đậm thêm những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của chặng đường 35 năm đổi mới đất nước, khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ ta”, Chủ tịch nước phát biểu.

Vị lãnh đạo cao nhất của Nhà nước khẳng định: “Khó khăn không phải là thứ sinh ra để làm chùn bước chân của chúng ta, nó là bài kiểm tra tinh thần nhẫn nại và ý chí vươn lên của chúng ta, làm cho kết quả đạt được của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn và ý nghĩa sâu sắc hơn, xứng đáng là món quà truyền thừa cho con cháu chúng ta trong tương lai”.

Chủ tịch nước nói tiếp: “Trên chuyến hải trình sắp tới, con tàu Việt Nam ta sẽ còn gặp phải những con sóng dữ và nhiều ngọn gió lớn, đó là khi có cả những thời cơ và thách thức đan xen. Tôi luôn tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với bản lĩnh và trí tuệ của con người Việt Nam, với sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, đất nước ta nhất định sẽ vượt qua mọi sóng to, gió cả để đến bến bờ bình an và hạnh phúc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đề ra, trong đó tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, nâng cao niềm tin của người dân đồng lòng hành động xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”.

Dựa vào Nhân dân trong giám sát và kiểm soát quyền lực

Phát biểu nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trước yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhận rõ trách nhiệm của mình phải kế thừa và phát huy những thành tựu, kết quả đạt được; tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Cụ thể, một là, xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Tăng cường phân cấp, phân quyền, đồng thời xác định rõ trách nhiệm, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân: đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính nhà nước và toàn xã hội. Cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia trên cơ sở phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, dựa vào Nhân dân trong giám sát và kiểm soát quyền lực; chủ động phòng ngừa, kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực bằng các cơ chế, giải pháp mạnh mẽ, chặt chẽ, quyết liệt, hiệu quả. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Ba là, quản lý, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển đất nước; đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược có trọng tâm, trọng điểm; coi trọng chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người dân; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi hơn nữa để sản xuất - kinh doanh phát triển; chủ động phòng chống và có giải pháp hiệu quả để khắc phục những tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19.

Bốn là, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa vì hòa bình, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, là thành viên có trách nhiệm và có uy tín với cộng đồng quốc tế.

Năm là, xây dựng cơ chế, chính sách, điều kiện để phát triển giá trị văn hóa và con người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển và xây dựng đất nước; có giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và đào tạo, coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, trong đó quan tâm, chú ý hơn đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng yếu thế trong xã hội. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, để mỗi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, an toàn, văn minh.

“Với trọng trách mới được giao, tôi nguyện sẽ mang hết sức mình, vượt qua mọi khó khăn, thách thức; kế thừa, phát huy truyền thống và kinh nghiệm quý báu của các đồng chí Thủ tướng qua các thời kỳ; nỗ lực cùng các thành viên Chính phủ đoàn kết, liêm chính, hành động quyết liệt, hiệu quả, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, tất cả vì lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc”, Thủ tướng nói.

Tóm tắt tiểu sử tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

- Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh ngày 20/7/1954, quê ở xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; trình độ cao cấp lý luận chính trị, cử nhân kinh tế.

- Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII, XIV.

- Năm 2006, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần đầu khi 52 tuổi, được bầu vào Bộ Chính trị lần đầu vào năm 2011, khi 57 tuổi.

- Quá trình công tác, ông Nguyễn Xuân Phúc đã trưởng thành từ cán bộ Ban Quản lý kinh tế tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, qua nhiều chức vụ ở địa phương, giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam từ 2001 - 2006. Tiếp đó, ông đã kinh qua các chức vụ như: Phó tổng thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

- Năm 2011, ông được bầu giữ chức Phó thủ tướng. Đến năm 2016, ông được tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016.

- Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Xuân Phúc tái cử chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021.

- Tháng 1/2021, ông được bầu vào Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị nhiệm kỳ 2021 - 2026.

- Tháng 4/2021, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, ông được miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng và được bầu làm Chủ tịch nước.

Tóm tắt tiểu sử tân Thủ tướng Phạm Minh Chính

- Ông Phạm Minh Chính sinh ngày 10/12/1958, quê ở Xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa; là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa XII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII.

- Quá trình công tác, từ năm 1984 trải qua nhiều công việc, từ nghiên cứu viên ở Bộ Nội vụ, công tác tại Đại sứ quán Việt Nam tại Rumani, đến năm 1994, ông Chính về công tác tại Bộ Công an. Đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau, đến năm 2010, ông làm Thứ trưởng Bộ Công an. Tháng 8/2011, ông Chính được bổ nhiệm làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Tháng 4/2015, ông được Bộ Chính trị điều động phân công giữ chức vụ Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương. Sau khi được bầu vào Bộ Chính trị khóa XII, ông được phân công làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương.

- Tháng 1/2021, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, ông Chính được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sau đó tiếp tục được bầu vào Bộ Chính trị.

- Tháng 4/2021, tại Kỳ họp thứ 11, ông được Quốc hội khóa XIV bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ.

- Ông Chính đang là đại biểu Quốc hội khóa XIV, đoàn Quảng Ninh.

Tin bài liên quan