Quốc hội đã dành thời gian thảo luận kỹ về kết quả và hạn chế của nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ và Chủ tịch nước

Quốc hội đã dành thời gian thảo luận kỹ về kết quả và hạn chế của nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ và Chủ tịch nước

Tân Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ: Bắc nhịp cầu vững chắc cho nhiệm kỳ mới

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 5/4, Quốc hội hoàn thành miễn nhiệm và bầu mới Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ. Nhiều đại biểu tin tưởng, những người kế nhiệm sẽ bắc nhịp cầu vững chắc cho một nhiệm kỳ mới.

Lắng nghe nhiều hơn, chọn người giỏi hơn

Trước khi kiện toàn nhân sự cao nhất của Nhà nước, tại kỳ họp này, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận ở tổ và hội trường, đánh giá sâu sắc hơn kết quả và hạn chế của cả nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ và Chủ tịch nước.

Theo đại biểu, doanh nhân Trần Thị Hiền (Hà Nam), trong các phiên thảo luận, mỗi đại biểu Quốc hội khi chỉ ra các hạn chế tại báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, đều mong muốn các vị lãnh đạo mới dành sự quan tâm khắc phục, giải quyết rốt ráo các hạn chế đó.

“Với nhiệm vụ, quyền hạn riêng, đương nhiên kỳ vọng vào mỗi vị cũng có sự khác nhau, nhưng ở bình diện chung của đất nước, để đạt mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, thì nhiệm kỳ mới đòi hỏi sự đổi mới tư duy mạnh mẽ từ những người lãnh đạo cao nhất. Cần phải coi đổi mới sáng tạo như là đặc trưng của giai đoạn tới, cần chấp nhận các mô hình, cách làm đột phá trong phát triển kinh tế. Để làm được như vậy, cần có bệ đỡ vững chắc nhất từ thể chế, mà Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ có vai trò rất quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện thể chế”, bà Hiền trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đại biểu Ngọ Duy Hiểu mong muốn trong nhiệm kỳ mới, Chủ tịch nước và Chính phủ tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đổi mới mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa. Đầu tiên là đổi mới mạnh mẽ trong xây dựng thể chế. “Coi thể chế không chỉ là hành lang pháp lý, mà trước hết là tài nguyên và nguồn lực phát triển. Nguồn lực này là vô tận. Nếu chúng ta biết cách tạo ra, khai thác và sử dụng, nhất là trong bối cảnh đất nước ta, nguồn lực vật chất còn hạn chế. Khi xây dựng thể chế, cần đầu tư cao hơn, lắng nghe nhiều hơn, chọn người giỏi hơn và dự báo dự liệu dài hơn”, ông Hiểu phát biểu trước Quốc hội.

Cũng quan tâm đến trách nhiệm của Thủ tướng và Chính phủ trong hoàn thiện thể chế, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) mong muốn, tới đây, Thủ tướng sẽ quyết liệt hơn nữa trong xây dựng thể chế và đặc biệt cần nêu cao trách nhiệm người đứng đầu của các bộ, ngành trong công tác này. Để khi ban hành luật thì các văn bản hướng dẫn chi tiết đồng thời cũng được ban hành ngay để đưa luật vào cuộc sống, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh, phải chống cho được tham nhũng chính sách. Ở kỳ họp này, các đại biểu cũng nêu ra nhiều lo lắng về tình trạng trên. Đại biểu Trần Thị Dung cho rằng, nếu chỉ một mình Thủ tướng thì không làm được, vì dự thảo luật luôn gắn với bộ, ngành cụ thể, vậy nên không chỉ Thủ tướng, mà các thành viên Chính phủ đều phải nghiêm túc thì mới tạo được sự đồng bộ, giảm được lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật.

Còn rất nhiều mong muốn được bày tỏ, nhưng khái quát từ hàng trăm ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước và Chính phủ cho thấy, các đại biểu kỳ vọng Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ quan tâm lãnh đạo thể chế hóa đầy đủ, kịp thời Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Kỳ vọng với các vị lãnh đạo cao nhất của Nhà nước còn là triển khai hiệu quả chiến lược xây dựng pháp luật, chiến lược cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với hoàn thiện cơ chế và tăng cường kiểm soát quyền lực; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Đột phá để thực hiện khát vọng phát triển đất nước

Theo nhận xét của Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Chính phủ khóa XIV đã ghi dấu ấn mạnh mẽ với 570 chuyến công tác khắp mọi miền đất nước, tạo được sự cảm mến cho người dân.

“Với nhân sự được dự kiến là Thủ tướng, chúng tôi tin tưởng ở sự nỗ lực, quyết tâm của ông khi trải qua nhiều cương vị”, bà Nguyễn Thanh Hải bày tỏ.

"Chúng tôi đánh giá cao khi ông đảm nhiệm chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Mỗi lần quay trở lại Quảng Ninh, mọi người đều nhắc tới dấu ấn của ông Phạm Minh Chính. Những dấu ấn ấy đã được ghi vào trong nghị quyết từ thời ông Phạm Minh Chính làm Bí thư, hiện nay Quảng Ninh vẫn đi theo chủ trương, đường lối đã được xây dựng từ thời đó, và có thể nói Quảng Ninh là hiện tượng của khu vực phía Bắc về phát triển kinh tế, xã hội và đặc biệt từ kinh tế nâu chuyển sang xanh. Trước đây môi trường ô nhiễm, nói đến Quảng Ninh là nói đến khói, bụi, than, nhưng nay có thể nói là rất sạch. Chúng tôi thấy đây là kinh nghiệm mà như tôi trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy cũng phải học tập", bà Hải chia sẻ với phóng viên bên hành lang Quốc hội.

Với thời gian ông Phạm Minh Chính công tác tại Ban Tổ chức Trung ương, theo bà Nguyễn Thanh Hải, công tác tổ chức cán bộ cũng đạt được kết quả rất rõ nét, những chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng về tăng cường cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số… đều được thể hiện bằng những con số cụ thể.

"Chúng tôi tin tưởng trên cương vị Thủ tưởng, ông Phạm Minh Chính sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân. Đặc biệt, trong điều hành sẽ có những điểm mới, điểm đột phá để đưa đất nước thực hiện khát vọng trở nên hùng cường trong thời gian tới", Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên bày tỏ.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Chính phủ là cơ quan điều hành, chỉ đạo mọi lĩnh vực trong cả nước, nên vị trí, vai trò của Thủ tướng rất quan trọng. Trong bối cảnh Thủ tướng mới, một số Phó thủ tướng và thành viên Chính phủ cũng được kiện toàn ở kỳ họp này thì sẽ có áp lực công việc lớn với các vị sau khi được bầu.

“Tôi nghĩ rằng, với kinh nghiệm thực tiễn, năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức và tính xung phong, gương mẫu của các nhân sự mới, cũng như sự giúp đỡ tận tình, tạo điều kiện của người tiền nhiệm, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”, ông Hòa nói.

Tân Chủ tịch nước và tân Thủ tướng tuyên thệ

Mở đầu tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 11, sáng nay, Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch nước với nhân sự được đề cử là ông Nguyễn Xuân Phúc, người vừa được miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ cuối tuần trước.

Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân Chủ tịch nước trình nhân sự để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ, cũng là người kế nhiệm chính mình. Kết quả bầu người kế nhiệm ông Nguyễn Xuân Phúc được công bố ngay chiều cùng ngày, sau đó tân Thủ tướng tuyên thệ nhậm chức. Trong các ngày 6, 7 và 8/4, Quốc hội tiếp tục kiện toàn nhiều chức danh khác, trong đó có miễn nhiệm và phê chuẩn mới hơn một nửa thành viên Chính phủ đương nhiệm.

Tin bài liên quan