Tản mạn về mô hình kích thích kinh tế của Việt Nam

Tản mạn về mô hình kích thích kinh tế của Việt Nam

(ĐTCK-online) Khủng hoảng tuy là thảm họa, nhưng lại là cơ hội tuyệt vời để các nước tiến hành các chương trình cải tổ sâu rộng và triển khai mô hình kích thích kinh tế.

Trước hết, hãy bàn về mô hình kích thích kinh tế của Mỹ, châu Âu và Trung Quốc để thấy rõ hơn mô hình kích thích kinh tế của chúng ta.

Mô hình kích thích kinh tế của Mỹ, châu Âu và Trung Quốc

Chính quyền của Tổng thống Obama đã tìm mọi cách thuyết phục người dân đồng ý với kế hoạch cải tổ sâu rộng nhằm thay đổi hẳn bộ mặt nước Mỹ. Kế hoạch kích thích kinh tế 789 tỷ USD vì vậy đã được thông qua dưới phiên bản "Tái thiết" và "Phục hồi" ARRP (American Recovery and Reinvestment Plan).

Kế hoạch kích thích và cải cách kinh tế của Mỹ, châu Âu và Trung Quốc hướng chủ yếu về xây dựng cơ cở hạ tầng, năng lượng tái tạo để tránh việc phụ thuộc quá nhiều vào dầu hỏa ngày càng cạn kiệt. Riêng Mỹ còn đang triển khai thêm một chương trình tham vọng là cải cách hệ thống y tế (health care reform). Chương trình này nếu được thông qua sẽ đóng góp vào thâm hụt ngân sách của nước Mỹ trong thập niên này thêm gần 10.000 tỷ USD. Một con số thâm hụt không tưởng. Như vậy, đi cùng với kế hoạch kích thích kinh tế thì đi kèm theo đó là kế hoạch hồi phục và cải cách thể chế.

 

Mô hình kích thích kinh tế của Việt Nam

Cho đến nay, vẫn chưa có một công trình nào tổng kết chính thức mô hình kích thích kinh tế của Việt Nam, nhưng nếu so sánh với mô hình kích thích kinh tế của Mỹ, châu Âu và Trung Quốc thì ta thấy có một số khác biệt và tương đồng. Những khác biệt và tương đồng này nói lên rất nhiều về hiệu quả của gói kích thích kinh tế của Việt Nam.

Điểm giống cơ bản trong mô hình kích thích kinh tế của Việt Nam với Mỹ, châu Âu và Trung Quốc là chúng ta đã tập trung khá mạnh vào chính sách chi tiêu trực tiếp của Chính phủ. Đây chính là thành công không thể phủ nhận của gói kích thích kinh tế nước ta.

Tuy nhiên, có một số vấn đề cần bàn thêm về mô hình kích thích kinh tế của Việt Nam.

Trước hết phải thấy rằng, mô hình kích thích kinh tế của Việt Nam có gói bù lãi suất và đây được xem như là một cách thức của "giải quyết theo tình huống" case by case. Hệ thống ngân hàng nước ta làm trung gian thay mặt ngân sách nhà nước xét duyệt trong "từng trường hợp cụ thể" ai là người xứng đáng nhận được khoản vay ưu đãi.

Và chính vì thay mặt Nhà nước nên nó đã không gắn với quyền lợi trực tiếp của các ngân hàng. Nhiều ngân hàng cho rằng, bỗng dưng mình lại phân bổ vốn thay cho Nhà nước?

Mâu thuẫn quyền lợi ở đây là có. Thế là ngân hàng cũng không mặn mà lắm với việc cho vay. Nếu cho vay đúng đối tượng và có hiệu quả thì không sao. Còn ngược lại? Thế là mới có thanh tra và kiểm tra dày đặc của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với các ngân hàng thương mại xem có đảo nợ hay có chuyển sang những kênh đầu tư khác hay không…?

Vậy có cách nào khác để tránh việc xử lý khủng hoảng theo cách thức Nhà nước phân bổ vốn cho nền kinh tế (thông qua hệ thống ngân hàng làm trung gian)?

Câu trả lời là có. Và nó nằm ở việc NHNN có thể giảm lãi suất cơ bản dưới mức 7% vào lúc bấy giờ. Việc nới lỏng tiền tệ như thế sẽ khiến cho mọi người đều tiếp cận dễ dàng hơn. Tuy nhiên, mặt trái của chính sách nới lỏng này là lạm phát có thể quay trở lại.

Bây giờ nhìn lại, đã không có những yếu tố thuộc về cú sốc bên ngoài dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng tăng lên. Giá xăng dầu thế giới - nỗi lo lớn nhất - đã giảm mạnh so với đỉnh giá tạo lập trong năm 2008.

Một lý giải đáng quan tâm là lãi suất cơ bản giảm mạnh có thể rơi vào hiện tượng mà những nhà hoạch định chính sách gọi là bẫy thanh khoản. Đây là hiện tượng mà mọi người kiên quyết giữ lại tài sản của mình dưới dạng tiền mặt (do lãi suất quá thấp) khiến cho chính sách tiền tệ bị vô hiệu hóa. Lập luận này rất quan trọng để những nhà làm chính sách thiết kế gói bù lãi suất ngắn hạn. Thực ra, bẫy thanh khoản có thể  tránh được bằng sự linh hoạt trong chính sách tiền tệ, ta có thể giảm lãi suất cơ bản dần dần để chờ tín hiệu phản ứng của thị trường.

Nếu lãi suất cơ bản giảm linh hoạt hơn nữa, thay cho gói bù lãi suất ngắn hạn, liệu rằng kinh tế nước ta có hồi phục sớm hơn nữa? GDP có lên đến 7% hoặc hơn nữa? Câu trả lời còn tùy thuộc vào đánh giá khác nhau của mọi người.

Nhìn ở góc độ khoa học, chúng ta có thể đánh giá được gói bù lãi suất thông qua sự đánh đổi của nó đối với tỷ giá và đặc biệt đối với yếu tố tâm lý, một yếu tố mà chúng ta gọi là niềm tin vốn rất quan trọng đối với Việt Nam.

Điều này có thể thấy qua tác dụng mà những nhà làm chính sách cho là "phụ" nhưng trên thực tế lại có vấn đề không nhỏ. Rõ nhất là sự méo mó trong lãi suất đã tác động trực tiếp đến tỷ giá và kéo theo đó là các loại giá khác trong nền kinh tế.

Việc điều chỉnh tỷ giá sát hơn với thị trường và kết thúc bù lãi suất ngắn hạn đã làm cho tỷ giá dịu đi, thị trường ngoại hối bớt căng thẳng.

Nếu ngay từ đầu chúng ta đã không chọn bù lãi suất như là thành phần quan trọng nhất của gói kích thích kinh tế mà bằng việc giảm mạnh lãi suất cơ bản thì "vòng kim cô" này đã không trói tay NHNN trong việc điều hành tỷ giá và lãi suất linh hoạt hơn nữa.

Ngoài việc sử dụng công cụ chính sách tài khóa, cần coi trọng hơn vai trò của chính sách tiền tệ. Không nên để xảy ra tình trạnh xem chính sách tiền tệ gần như là một biến "ràng buộc" (tỷ giá và lãi suất cố định) rồi từ đó tiến hành chính sách tài khóa.