Tân Thủ tướng Anh có lập trường cứng rắn với Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Bà Liz Truss chính thức trở thành Thủ tướng vào ngày 6/9 sau khi được Nữ hoàng Anh Elizabeth chấp thuận. Tân Thủ tướng là một trong những chính trị gia Anh có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc.
Tân Thủ tướng Anh Liz Truss. Ảnh: AFP

Tân Thủ tướng Anh Liz Truss. Ảnh: AFP

Theo hãng tin Reuters, mối quan hệ giữa London và Bắc Kinh đã trở nên xấu đi trong thập kỷ qua khi Anh ngày càng lo ngại rằng việc mở cửa cho các khoản đầu tư của Trung Quốc có thể gây ra rủi ro an ninh quốc gia và sự vươn lên về kinh tế và quân sự của Bắc Kinh có thể đang đi ngược lại chương trình nghị sự thương mại tự do hậu Brexit của Anh.

Thủ tướng Liz Truss coi Trung Quốc là mối đe dọa đối với trật tự quốc tế vốn dựa trên luật lệ và đã chi phối thương mại, ngoại giao sau Thế chiến thứ Hai. Tân Thủ tướng xác định vai trò của mình là xây dựng một bức tường thành chống lại mối đe dọa đó.

Trong một bài phát biểu cấp cao vào đầu năm nay, bà Liz Truss từng kêu gọi: "Các quốc gia cần phải tuân thủ luật chơi và bao gồm cả Trung Quốc", đồng thời nói thêm rằng Bắc Kinh "đang nhanh chóng xây dựng quân đội có khả năng thể hiện sức mạnh vào sâu trong các khu vực có lợi ích chiến lược của châu Âu".

Bà Truss cũng cảnh báo rằng nếu Trung Quốc không tuân thủ các quy tắc toàn cầu, họ sẽ tự cản trợ đà vươn lên như một siêu cường và họ nên rút ra bài học từ phản ứng kinh tế mạnh mẽ của phương Tây đối với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) của Trung Quốc đã gọi bà Truss là "người theo chủ nghĩa dân túy cấp tiến", đồng thời cho rằng, nữ chính trị gia Anh nên loại bỏ "tư duy đế quốc lỗi thời". Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning hôm 6/9 cho biết bà hy vọng quan hệ với Anh sẽ "đi đúng hướng".

Theo ông James Rogers, nhà đồng sáng lập Hội đồng nghiên cứu Geostrategy có trụ sở tại London, tân Thủ tướng Anh sẽ áp đặt nhiều hạn chế hơn đối với việc Trung Quốc mua lại các công ty của nước này và sẽ có nhiều động thái hơn nữa để gắn kết các nước lại với nhau nhằm ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

"Bà ấy (Thủ tướng Liz Truss - BTV) hiểu rằng những lợi ích kinh tế ngắn hạn có thể có tác động chiến lược và chính trị lâu dài, và sẽ cố gắng cân bằng những lợi ích đó hiệu quả hơn so với trước đây", ông James Rogers bình luận.

Dưới thời Thủ tướng David Cameron, Anh và Trung Quốc đã tạo nên cái mà ông gọi là "kỷ nguyên vàng" của quan hệ hai bên. Ông David Cameron từng khẳng định vào năm 2015 rằng ông muốn trở thành người bạn thân thiết nhất của Bắc Kinh ở phương Tây.

Tuy nhiên, trong 7 năm qua, với ba lần thay đổi Thủ tướng cùng với những lời chỉ trích ngày càng tăng đối với các hoạt động thương mại của Bắc Kinh, Anh đã chuyển trạng thái từ bên ủng hộ lớn nhất của Trung Quốc ở châu Âu thành một trong những bên chỉ trích gay gắt nhất.

Chính phủ Anh gần đây đã quay sang hạn chế sự tham gia của Trung Quốc vào lĩnh vực điện hạt nhân của nước này. Bà Truss cũng đã ký hiệp ước quốc phòng để cung cấp cho Australia công nghệ đóng tàu ngầm hạt nhân, nhằm đẩy lùi sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Năm 2021 với tư cách là Bộ trưởng Thương mại, bà Truss khi đó đã cảnh báo rằng phương Tây có thể mất quyền kiểm soát thương mại toàn cầu nếu không cứng rắn với Bắc Kinh và thúc đẩy cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

"Nếu chúng ta không hành động, thì thương mại toàn cầu có nguy cơ bị phân mảnh dưới sự thống trị của kẻ lớn nhất", bà Truss lưu ý.

Tin bài liên quan