Ông Phạm Hồng Hải

Ông Phạm Hồng Hải

Tân Tổng giám đốc HSBC Việt Nam: Tại HSBC, con người là trung tâm mọi hoạt động

(ĐTCK) Những ngày giáp Tết, dường như những bận rộn thường ngày trên cương vị tân Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, ông Phạm Hồng Hải, không phải nhân đôi, mà là nhân ba, nhân bốn. ĐTCK may mắn xen vào một khoảng trống để trò chuyện với vị tổng giám đốc người Việt tại một ngân hàng quốc tế hàng đầu này. Câu chuyện quay đi, quay lại cũng về hai chữ “con người”.

Tuyển một nhân viên là tạo lập sự gắn bó lâu dài bí quyết để ông được lựa chọn làm tổng giám đốc cho một ngân hàng quốc tế hàng đầu là gì?

Tôi nhớ lại năm 2004, khi lần đầu tiên được bổ nhiệm làm Giám đốc Kinh doanh vốn và tiền tệ tại Việt Nam. Đó cũng là lần đầu tiên HSBC bổ nhiệm người Việt Nam làm công tác này vì có liên quan rất lớn tới quản lý rủi ro thị trường và thanh khoản của Ngân hàng.

Tôi luôn cảm ơn việc Tập đoàn đã tin tưởng giao các trọng trách cho tôi. Điều đó nói lên họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro để thử thách nhân viên, như một số thị trường khác trong khu vực châu Á cũng có tổng giám đốc là người bản địa.

Với chính sách nhân sự coi trọng việc phát triển tài năng bản địa, HSBC mong muốn các tổng giám đốc bản địa sẽ giúp Ngân hàng phục vụ khách hàng tốt hơn, với sự am hiểu thị trường địa phương cộng với kinh nghiệm hoạt động trong môi trường đa quốc gia.

Chi nhánh Việt Nam là 1 trong 5 chi nhánh đầu tiên được thành lập của Tập đoàn HSBC từ 145 năm trước 

Ông nằm trong danh sách được Tập đoàn HSBC lựa chọn dạng hạt giống từ hơn 10 năm về trước. Ông có thể chia sẻ thêm về cách đào tạo nhân sự của Tập đoàn?

HSBC luôn quan niệm, ngành ngân hàng liên quan chặt chẽ tới con người. Với một ngân hàng, uy tín và dịch vụ là hàng đầu, do đó yếu tố con người luôn được đặt lên vị trí quan trọng nhất. Mục tiêu của HSBC khi tuyển một nhân viên là tạo lập sự gắn bó lâu dài, mỗi nhân sự được đào tạo và phát triển để có thể phát huy tối đa các tiềm năng trong lĩnh vực họ ưa thích và có khả năng. Nhân viên được đào tạo về kiến thức ngân hàng cũng như kiến thức “mềm” sẽ giúp họ trong môi trường làm việc với khách hàng.

Bên cạnh đó, HSBC có những chương trình riêng dành cho nhóm nhân viên tài năng, để xây dựng họ thành đội ngũ nòng cốt và thế hệ lãnh đạo tiếp theo. Ngoài ra, Tập đoàn cũng liên tục tạo điều kiện để các nhân viên tài năng được cọ xát và làm việc chung với các đồng nghiệp tại các nước khác nhau. Đây là một lợi thế rất lớn của nhân viên HSBC khi không chỉ học được từ 1.400 con người tại HSBC Việt Nam, mà từ hơn 140.000 nhân sự trong Tập đoàn HSBC.

Khi tuyên thệ nhậm chức, ông cam kết những gì với lãnh đạo Tập đoàn?

Điều thứ nhất, tôi mong muốn được quảng bá Việt Nam tới 74 thị trường nơi HSBC đang hoạt động. Đây là một thế mạnh riêng biệt của HSBC, cho phép ngân hàng có thể kết nối các nhà đầu tư và khách hàng tới những thị trường, bạn hàng và cơ hội tiềm năng. Thực ra, việc quảng bá Việt Nam đã được HSBC tiến hành từ rất lâu trước đó, gần đây nhất là cùng với Bộ Tài chính gặp gỡ các nhà đầu tư quốc tế trong hai năm 2013 và 2014 để chuẩn bị cho giao dịch phát hành trái phiếu chính phủ trị giá 1 tỷ USD. Bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam rất đáng để các nhà đầu tư quốc tế quan tâm, nhưng nhiều khi họ lại chưa có được những kênh truyền thông đúng và kịp thời cung cấp thông tin cho họ.

Điều thứ hai, việc kết nối với các thị trường cho phép tôi đưa các sản phẩm dịch vụ của HSBC về phục vụ khách hàng tại Việt Nam. Lợi thế của HSBC là quy mô toàn cầu, nên chúng tôi có khả năng thiết kế và tạo dựng các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Điều thứ ba, xây dựng đội ngũ nhân viên ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế và có đạo đức nghề nghiệp cao, đáp ứng yêu cầu của pháp luật sở tại và đảm bảo các chuẩn mực chung của HSBC.

Trong giao dịch làm ăn, cuối cùng vẫn là mối quan hệ giữa người với người

Là người đứng đầu một ngân hàng, ông nhìn nhận thế nào về xu hướng phát triển của thị trường tài chính Việt Nam?

Thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Ngành tài chính - ngân hàng là xương sống của nền kinh tế. Nhìn lại lịch sử phát triển của ngành tài chính Việt Nam, chúng ta thấy từ khi ra đời, thị trường tài chính đã đóng góp rất lớn cho công cuộc phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, thị trường tài chính cũng gặp rất nhiều khó khăn khi trải qua giai đoạn phát triển về lượng nhưng chưa có sự chuẩn bị kỹ càng về chất cho cả quy trình nghiệp vụ, nguồn lực về con người, hệ thống… Thị trường đã và đang trong giai đoạn điều chỉnh để có những thay đổi về chất như giải quyết nợ xấu, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng hoặc đầu tư vào hệ thống ngân hàng lõi. Tôi tin rằng, thị trường tài chính Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới, khi kinh tế vĩ mô được cải thiện. Các định chế tài chính mạnh sẽ phát triển bền vững.

Rủi ro trong kinh doanh với cá nhân ông và HSBC là gì? Biện pháp quản lý rủi ro nào của Ngân hàng theo quan điểm của ông?

Điều quan trọng nhất khi có một khách hàng là phải hiểu về khách hàng đó, nguồn gốc tài sản của họ, đối tác kinh doanh của họ, lĩnh vực, thị trường và cách họ tiến hành kinh doanh. Không phải khách hàng nào cũng hiểu và chấp nhận được cách quản lý rủi ro rất chặt chẽ của HSBC. Nhưng khi chúng tôi giải thích cho họ hiểu, một phần của công tác tìm hiểu và cập nhật các thông tin này trên hệ thống của HSBC là để bảo vệ khách hàng cũng như bảo vệ ngân hàng và hệ thống ngân hàng chống lại tội phạm tài chính, nên họ ủng hộ chúng tôi. Đây là những khách hàng chúng tôi thực sự muốn làm ăn cùng.

Theo tôi, giao dịch làm ăn, cuối cùng vẫn là mối quan hệ giữa người với người. Bạn sẽ không đưa một đơn mở tài khoản cho khách hàng và đơn giản là để họ điền vào. Sự tư vấn và giải thích kỹ càng, những buổi nói chuyện để tìm hiểu sâu hơn về khách hàng và sự tương tác được giữ thường xuyên sẽ giúp bạn có được sự am hiểu sâu sắc về khách hàng. Những điều này đôi khi được lập thành quy trình, nhưng đôi khi không được ghi lại trong sách nào cả, nó đòi hỏi bạn hiểu mối tương tác giữa con người với con người để thực hiện. Nhưng khi làm được, đó là bạn đã hiểu khách hàng của mình và giúp ngân hàng quản lý rủi ro tốt. Đó cũng là nguyên tắc quản lý rủi ro của HSBC, hiểu rõ về khách hàng của mình, từ đó đối xử công bằng với khách cũng như duy trì mối quan hệ lâu dài, phục vụ đúng nhu cầu của khách hàng.

Với sự am hiểu tình hình địa phương, ông cho biết những đóng góp cơ bản của HSBC Việt Nam cho Tập đoàn HSBC?

Chi nhánh tại Việt Nam là 1 trong 5 chi nhánh đầu tiên được thành lập của Tập đoàn HSBC từ 145 năm trước, với mục đích tài trợ thương mại giữa châu Á và châu Âu, cho thấy tầm quan trọng về vị trí của Việt Nam trong bản đồ thương mại thế giới. Với 74 chi nhánh của HSBC trên toàn cầu, chúng tôi tự hào được đóng góp vào sự phát triển của HSBC để trở thành ngân hàng quốc tế hàng đầu trên thế giới. Cho tới ngày nay, tầm quan trọng này vẫn không thay đổi.

Do đó, chúng tôi vẫn luôn đặt sứ mệnh hỗ trợ về thương mại của Việt Nam thông qua việc giới thiệu các đối tác nước ngoài mới tại các thị trường mới cho các doanh nghiệp Việt Nam, quảng bá môi trường đầu tư tại Việt Nam cho các nhà đầu tư muốn đầu tư vào Việt Nam, cũng như hỗ trợ các công ty Việt Nam đang muốn phát triển ra nước ngoài. Ngoài ra, HSBC Việt Nam giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường vốn quốc tế.

Một câu hỏi hơi có chút cá nhân, Tết Việt, nhưng các tập đoàn toàn cầu vẫn làm việc. Kế hoạch dành cho gia đình và công việc của ông như thế nào trong những ngày Tết sắp tới?

Mặc dù vẫn theo dõi tình hình thị trường thế giới, các công việc của Tập đoàn giao và các trao đổi với khách hàng ở thị trường nước ngoài, nhưng tôi sẽ dành nhiều thời gian cho gia đình. Nguyên tắc của tôi không thay đổi: gia đình là điều quan trọng nhất và là hậu phương vững chắc cho bất cứ thành công nào của một con người. Do đó, bất cứ khi nào có thể, tôi đều muốn dành thời gian tối đa cho gia đình của mình.

Tin bài liên quan