Ông Nguyễn Sơn

Ông Nguyễn Sơn

Tăng biên độ: Tạo cơ chế tốt nhất cho thị trường

(ĐTCK-online) Từ ngày 18/8, biên độ giao dịch chứng khoán trên hai sàn HOSE và HASTC sẽ được nới rộng lên tương ứng là +/-5% và +/-7%, thay cho mức +/-3% và +/-4%. Ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã có cuộc trao đổi với báo chí nhân sự kiện này.

Thưa ông, tại sao UBCK lại quyết tăng biên độ giao dịch chứng khoán vào thời điểm này và cơ sở của việc áp dụng biên độ mới?

Từ đầu năm 2008 đến nay, UBCK đã 4 lần ký quyết định thay đổi biên độ giao dịch của hai sàn HOSE và HASTC. Ba lần trước đó là: lần 1 ngày 27/3, giảm biên độ trên HOSE từ +/-5% xuống +/-1% và HASTC từ +/-10% xuống +/-2%; lần 2 ngày 7/4, nâng biên độ 2 sàn lên +/-2% và +/-3%; lần 3 ngày 19/6, nâng lên +/-3% và +/-4%. Mỗi lần điều chỉnh đã có những tác động nhất định đến thị trường.

Từ tháng 6 đến đầu tháng 8 này, TTCK đã có những cải thiện rõ rệt do cả yếu tố nội tại lẫn yếu tố vĩ mô. Lạm phát, cán cân thanh toán, tỷ giá hối đoái, đầu tư nước ngoài (cả số đăng ký và thực giải ngân) đều có những tín hiệu tích cực. Giá dầu, giá vàng trên thế giới giảm mạnh khiến giá dầu trong nước sau khi tăng cao đã được điều chỉnh giảm 1.000 đồng vào sáng ngày 14/8.

Tôi cho rằng, nếu giá dầu thế giới tiếp tục giảm thì Bộ Tài chính sẽ tiếp tục giảm giá xăng dầu trong nước. Kinh tế vĩ mô đang có nhiều biến chuyển thuận lợi cho TTCK. Bên cạnh đó, tính thanh khoản của TTCK đã được cải thiện. Nếu chỉ nhìn vào con số khoảng 1.000 tỷ đồng giá trị giao dịch trên cả 2 sàn mỗi phiên, chúng ta sẽ thấy không quá nhiều, nhưng nếu nhìn theo khối lượng giao dịch thì thời gian vừa qua, thị trường đã có những phiên giao dịch với khối lượng đạt kỷ lục.

Với những chuyển biến tích cực như trên, UBCK tin rằng, thay đổi về biên độ giao dịch lần này sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa tính thanh khoản của thị trường. Hơn nữa, đây cũng là điều mà nhiều NĐT và thành viên tham gia thị trường mong mỏi.

 

Trước đây, UBCK có những thay đổi tạm thời liên quan đến vấn đề phí giao dịch, mua cổ phiếu quỹ hay khuyến cáo về việc tạm ngừng ký mới hợp đồng giao dịch có kỳ hạn (repo). Hiện nay, quan điểm của UBCK về 3 vấn đề trên như thế nào?

Về vấn đề mua cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, ở giai đoạn trước, để tạo điều kiện cho công ty niêm yết và NĐT, UBCK đã có văn bản cho phép công ty niêm yết được mua cổ phiếu quỹ khi DN đang trong giai đoạn chuẩn bị phát hành cổ phiếu tăng vốn. Hiện tại, khi chưa có văn bản mới được ban hành thì quy định cũ vẫn còn hiệu lực.

Về vấn đề phí giao dịch chứng khoán phải nộp của các CTCK, trước đây, UBCK theo kiến nghị của Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính giảm tỷ lệ thu phí đối với các CTCK từ 0,05% xuống 0,03%. Trong thời gian tới, UBCK sẽ trình Bộ Tài chính 3 văn bản liên quan đến phí và lệ phí trên TTCK, khi đó sẽ có sự điều chỉnh đồng loạt các loại phí, lệ phí cho các thành viên tham gia thị trường. Tất nhiên, UBCK cũng phải tính toán đến yếu tố tạo nguồn thu cho Sở/TTGDCK, để tăng khả năng tự chủ về tài chính cho 2 cơ quan này.

Về hợp đồng repo, trước đây, nhiều CTCK đã ký các hợp đồng repo cổ phiếu với tỷ lệ cho vay khá cao, nên khi giá chứng khoán giảm tới 2/3 thì rủi ro cho các công ty là rất lớn. Khi đó, UBCK đã làm việc với 6 CTCK có các hợp đồng repo lớn và đưa ra khuyến cáo không nên ký mới. Vì đây chỉ là khuyến cáo nên các CTCK không bắt buộc phải thực hiện. Bên cạnh đó, repo hay cầm cố cổ phiếu cũng tạo nguồn tiền không nhỏ cho TTCK nên việc duy trì nghiệp vụ trên trong giai đoạn này là hữu ích cho không ít NĐT. Mặc dù vậy, điều quan trọng là các NĐT và CTCK phải tự nhìn nhận mặt trái của vấn đề, tránh  sa đà dẫn đến rủi ro cho mình và cho cả thị trường.

 

Thời gian qua, TTCK đã có những phiên tăng điểm mạnh. Liệu có vai trò của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hay quỹ bình ổn thị trường trong đó?

SCIC từng được kỳ vọng là sẽ mua vào chứng khoán để giúp thị trường bình ổn. Thực tế, SCIC đã mua một số mã trong một số phiên, nhưng sau đó vẫn không chống đỡ nổi thị trường. Do đó, UBCK cùng các bên đã tìm những giải pháp khả thi hơn, trong đó có ý kiến thành lập quỹ bình ổn thị trường do các thành viên tham gia góp vốn và xây dựng cơ chế can thiệp thị trường cho SCIC. Vấn đề là SCIC can thiệp khi nào, như thế nào, nguồn vốn ở đâu là không đơn giản, nên đến thời điểm này vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Quỹ bình ổn thị trường hiện cũng đang được bàn bạc với hy vọng sớm đưa vào thực tế.

 

Vậy ông đánh giá sao về TTCK hiện tại và sau khi điều chỉnh biên độ?

UBCK và các đơn vị liên quan đang nỗ lực hết mình để tạo cơ chế tốt nhất cho thị trường hoạt động, sẵn sàng đón nhận các cơ hội đầu tư. Như trên đã nói, kinh tế vĩ mô tích cực, bản thân thị trường cũng có nhiều biến chuyển tích cực, nhưng chứng khoán tăng hay giảm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nên tôi không thể nói tác động từ việc thay đổi biên độ đến diễn biến giá là như thế nào. Dù vậy, với những hỗ trợ tích cực từ vĩ mô, tôi hy vọng TTCK sẽ có diễn biến khả quan trong thời gian tới.