Chương trình công bố Dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp có tính đổi mới sáng tạo” (ADB Ventures) thu hút sự quan tâm của đông đảo các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp

Chương trình công bố Dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp có tính đổi mới sáng tạo” (ADB Ventures) thu hút sự quan tâm của đông đảo các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp

Tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn mạo hiểm cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
Nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, ngày 7/10, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) chính thức công bố Dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp có tính đổi mới sáng tạo” (ADB Ventures) do ADB tài trợ.

Ưu tiên 4 lĩnh vực có thể tạo ra sự thay đổi tích cực

Với khoản tài trợ 1 triệu USD dành cho Việt Nam trong thời gian thực hiện từ năm 2021 -2023, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, mục tiêu của Dự án ADB Ventures là nhằm hỗ trợ một số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển các giải pháp công nghệ có thể tạo ra sự thay đổi tích cực. Các đối tượng ưu tiên của Dự án là các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực: công nghệ sạch (cleantech); công nghệ tài chính (fintech); nông nghiệp (agritech) và sức khỏe, y tế (healthtech).

“Đây là các lĩnh vực tiềm năng và ưu tiên phát triển tại Việt Nam trong thời gian tới. Mặc dù nguồn vốn không lớn, nhưng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn đầu tư mạo hiểm tại thị trường Việt Nam và thị trường các quốc gia thành viên khác của ADB thông qua các khoản hỗ trợ kỹ thuật, qua đó giảm một phần rủi ro thị trường đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển các giải pháp tạo ra sự thay đổi tích cực đến biến đổi khí hậu, bình đẳng giới”, ông Đông cho hay.

Thứ trưởng Trần Duy Đông kỳ vọng, ADB Ventures sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn đầu tư mạo hiểm tại thị trường Việt Nam và thị trường các quốc gia thành viên khác của ADB

Thứ trưởng Trần Duy Đông kỳ vọng, ADB Ventures sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn đầu tư mạo hiểm tại thị trường Việt Nam và thị trường các quốc gia thành viên khác của ADB

Phân tích về nhu cầu vốn cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, bà Lê Hoàng Uyên Vy, Nhà sáng lập Do Ventures cho biết, 4 nhân tố quan trọng cho sự phát triển của hệ sinh thái start-up là nhân tài, hỗ trợ từ Chính phủ, cơ sở hạ tầng và nguồn vốn.

Đánh giá Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn để nhà đầu tư nước ngoài, bà Vy đưa ra 3 lý do cho nhận định trên, bao gồm giá trị trung bình của các khoản đầu tư giai đoạn sau tiếp tục tăng, giá trị thoái vốn giảm trong năm 2020 và định giá thoái vốn tăng đáng kể.

Khảo sát của Do Ventures với 50 quỹ đang hoạt động tại 6 thị trường lớn ở Đông Nam Á gồm Việt Nam, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan cho thấy, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hàng đầu trong thời gian tới, theo sau là Indonesia. Các lĩnh vực mới nổi mà nhà đầu tư có xu hướng tập trung vào tại Việt Nam bao gồm giáo dục, y tế, và dịch vụ tài chính.

Chia sẻ một số kinh nghiệm để các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sẵn sàng bứt phá sau khủng hoảng, bà Lê Hoàng Uyên Vy cho rằng, các doanh nghiệp cần tái cấu trúc để tồn tại. “Trước khi gọi thêm vốn, hãy cắt giảm tối đa chi tiêu và tìm cách tạo ra các nguồn doanh thu mới”, bà Vy nói.

Tuy nhiên, nếu quyết định gọi vốn, các doanh nghiệp cũng cần phải cân nhắc tất cả các hình thức có thể, bao gồm quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần, crowd-funding, vốn vay ngân hàng, vốn viện trợ...

“Khủng hoảng luôn là chất xúc tác cho những đột phá mới. Đây chính là thời điểm quan trọng để các start-up Việt Nam nắm bắt thời cơ, tạo dấn ấn trong khu vực và thế giới”, Co-Founder của Do Ventures kỳ vọng.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia, ADB tại Việt Nam chia sẻ, tầm nhìn của ADB Ventures là thu hút hơn 1 tỷ USD vốn rủi ro vào năm 2030

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia, ADB tại Việt Nam chia sẻ, tầm nhìn của ADB Ventures là thu hút hơn 1 tỷ USD vốn rủi ro vào năm 2030

Kỳ vọng thu hút hơn 1 tỷ USD vốn rủi ro vào năm 2030

Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, việc hợp tác giữa NIC và ADB để triển khai thực hiện Dự án ADB Ventures “là bước khởi đầu quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới để huy động các nguồn lực, góp phần giải quyết bài toán về nguồn vốn cho hoạt động của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam”.

“Tôi tin tưởng rằng, Dự án ADB Ventures sẽ đạt được các mục tiêu đề ra, góp phần hỗ trợ một số doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển các giải pháp công nghệ có thể tạo ra sự thay đổi tích cực, góp phần giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”, Thứ trưởng chia sẻ tầm nhìn.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia, ADB tại Việt Nam khẳng định, “ADB Ventures chỉ là chương trình khởi đầu”. Trong những năm tới, ADB sẽ tiếp tục huy động các nguồn vốn mới từ các đối tác đồng tài trợ của khu vực công và tư nhân, sử dụng sự kết hợp giữa vốn chủ sở hữu và vốn vay để hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững.

“Tầm nhìn của chúng tôi là ADB Ventures trở thành nền tảng đầu tư công nghệ có tác động hàng đầu trong khu vực, thu hút hơn 1 tỷ USD vốn rủi ro vào năm 2030. Tôi mong đợi tác động mà sáng kiến ​​hoạt động của khu vực tư nhân sáng tạo ra sẽ có ở Việt Nam và trên toàn khu vực”, ông Andrew Jeffries kỳ vọng.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho biết, sẽ có khoảng 20+ dự án thử nghiệm ADB Ventures Lab và dự kiến khoảng 10 doanh nghiệp tại Việt Nam nhận được khoản tài trợ ADB Ventures SEED

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho biết, sẽ có khoảng 20+ dự án thử nghiệm ADB Ventures Lab và dự kiến khoảng 10 doanh nghiệp tại Việt Nam nhận được khoản tài trợ ADB Ventures SEED

Được biết, Việt Nam sẽ tham gia thực hiện một phần của chương trình khu vực, đó là 2 hợp phần hỗ trợ kỹ thuật bao gồm Hỗ trợ kỹ thuật Thử nghiệm công nghệ (ADB Ventures Lab) và Hợp phần Hỗ trợ kỹ thuật Hạt giống (ADB Ventures SEED).

Hợp phần Hỗ trợ kỹ thuật Thử nghiệm công nghệ (ADB Ventures Lab) sẽ hợp tác với những đối tác đổi mới sáng tạo hàng đầu để lựa chọn các nhà cung cấp giải pháp công nghệ. Trong khi đó, hợp phần Hỗ trợ kỹ thuật Hạt giống (ADB Ventures SEED) cung cấp khoản tài trợ hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại lên tới 200.000 USD cho mỗi doanh nghiệp được lựa chọn để thí điểm và thử nghiệm các giải pháp công nghệ tại các thị trường mới. Các doanh nghiệp này chủ yếu được chọn lọc từ Hợp phần 1 để thẩm định nhằm mục đích giảm rủi ro cho các khoản đầu tư mạo hiểm tiềm năng.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho biết, với chức năng phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, hỗ trợ, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của các doanh nghiệp, NIC sẽ phối hợp với ADB tìm kiếm, lựa chọn các doanh nghiệp tiềm năng đang hoạt động tại Việt Nam đáp ứng đủ điều kiện của Dự án.

Dự kiến có khoảng 20+ dự án thử nghiệm ADB Ventures Lab và dự kiến khoảng 10 doanh nghiệp tại Việt Nam nhận được khoản tài trợ ADB Ventures SEED trong giai đoạn từ tháng 9/2021 đến tháng 12/2023.

Tin bài liên quan