Tăng cường năng lực chống rửa tiền

Tăng cường năng lực chống rửa tiền

(ĐTCK-online) Sau 2 năm thực hiện Nghị định 74/2005/NĐ-CP về phòng, chống rửa tiền (có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2005), đến nay, Việt Nam vẫn chưa “bắt tận tay, day tận trán” vụ rửa tiền nào nhưng không có nghĩa, tội phạm rửa tiền không xuất hiện tại Việt Nam.

Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là “cơ hội” để tội phạm lừa đảo, rửa tiền trong nước “mở rộng thị trường”. Các chuyên gia kinh tế nhận định, với nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi; giao dịch kinh tế có giá trị hàng tỷ đồng vẫn chủ yếu thực hiện bằng tiền mặt; các giao dịch, đầu tư trên TTCK chưa được quản lý chặt chẽ thì Việt Nam rất dễ trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho hoạt động rửa tiền.

Chống rửa tiền là một trong những cam kết mà Việt Nam bắt buộc phải thực hiện khi gia nhập WTO. Để bảo đảm cam kết của mình, Nghị định 74/2005/NĐ-CP quy định khá chi tiết, cụ thể các hành vi nghi ngờ đến rửa tiền. Cụ thể, trong 1 ngày, 1 tổ chức hoặc cá nhân thực hiện 1 hoặc nhiều giao dịch bằng tiền mặt có tổng giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc bằng ngoại tệ, bằng vàng có giá trị tương đương 200 triệu đồng (đối với gửi tiết kiệm thì tổng giá trị giao dịch bằng tiền mặt trong 1 ngày là 500 triệu đồng trở lên) đều bị đưa vào danh sách cần theo dõi, giám sát. Thông tin về những giao dịch này và 13 hình thức giao dịch đáng ngờ khác sẽ được các định chế tài chính như tổ chức tín dụng, bảo hiểm; tổ chức phát hành, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, lưu ký chứng khoán… lưu giữ ít nhất 5 năm kể từ ngày đóng tài khoản hoặc 5 năm kể từ ngày kết thúc giao dịch. Các định chế tài chính nếu nghi ngờ những giao dịch kể trên sẽ báo cáo ngay tới Trung tâm Thông tin phòng, chống rửa tiền (trực thuộc Ngân hàng Nhà nước) hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời thực hiện phong toả tài khoản, niêm phong hoặc tạm giữ tài sản, thậm chí tạm giữ người trực tiếp giao dịch và thực hiện các biện pháp ngăn chặn khác theo quy định của pháp luật.

“Về chính sách, Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ điều kiện của các nước trong việc chống rửa tiền. Tuy nhiên, quá trình thực thi của cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan chuyên trách về chống rửa tiền trực thuộc Bộ Công an vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, hạn chế lớn nhất là cơ quan chức năng của Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc đấu tranh chống loại tội phạm này; các quy định của luật pháp hiện hành chưa tương thích với hệ thống pháp luật của nhiều nước về phòng, chống rửa tiền”, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Nguyễn Hòa Bình bình luận. Vị quan chức này tiết lộ, hiện ngành công an đã có trong tay một số vụ liên quan đến tội phạm rửa tiền, nhưng không thể truy tố được do bị vướng mắc về luật.

Ông Bình cho biết, tại nhiều nước, cá nhân, tổ chức nào có khoản tiền lớn bất thường mà không giải trình được tính hợp pháp của nguồn tiền thì đã coi là tiền bất hợp pháp. Còn tại Việt Nam , để đấu tranh với tội phạm rửa tiền, cơ quan quản lý nhà nước phải chứng minh quá trình hình thành bất hợp pháp của nguồn tiền. Với nền kinh tế tiền mặt, việc kiểm soát thu nhập hạn chế… nên việc chứng minh sự bất hợp pháp của nguồn tiền gặp rất nhiều khó khăn. “Đứng trước thực trạng này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an xây dựng Đề án tăng cường năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật đối với việc đấu tranh chống rửa tiền. Đây là Đề án rất quan trọng, không chỉ nhận được sự quan tâm của nhiều bộ, ngành, mà còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều tổ chức quốc tế”, ông Bình cho biết.