Thủy điện Ngòi Phát

Thủy điện Ngòi Phát

Tăng sở hữu Nedi 2 (ND2) lên mức chi phối, Vinaconex (VCG) có hoạt động đầu tư tài chính hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bên cạnh xây dựng và bất động sản, đầu tư tài chính cũng là một lĩnh vực đem lại nhiều điểm sáng trong bức tranh sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (HOSE: VCG).

Động thái VCG mua hơn 6,4 triệu cổ phiếu ND2 của CTCP Đầu tư Phát triển điện Miền Bắc 2 (Nedi2) được giới đầu tư nhìn nhận là phương thức tái cơ cấu đầu tư linh hoạt và hiệu quả của doanh nghiệp này.

Tái cơ cấu linh hoạt

Sau khi hoàn tất mua hơn 6,4 triệu cổ phiếu ND2, Vinaconex nâng mức sở hữu tại doanh nghiệp này lên 51,10%, tương đương hơn 25,5 triệu cổ phiếu. Trước giao dịch, Vinaconex sở hữu hơn 19 triệu cổ phiếu ND2, tương đương sở hữu 38,24%. Theo công bố của VCG, kể từ ngày 23/6/2021, Công ty NEDI2 trở thành công ty con của Vinaconex. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, ND2 đóng cửa ở mức giá 29.000 đồng/CP.

Động thái gia tăng tỷ lệ sở hữu của VCG tại doanh nghiệp thủy điện này được đánh giá có tiềm năng lớn, bởi ND2 hiện là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả khá cao trong các doanh nghiệp thủy điện miền bắc.

Nedi2 hiện đang vận hành khai thác Nhà máy Thủy điện Ngòi Phát ổn định kể từ khi phát điện đến nay. Trước hết, vị trí địa lý thuận lợi giúp nhà máy vận hành với hiệu suất cao. Số liệu tổng hợp từ các công ty cùng ngành cho thấy, số giờ vận hành công suất cực đại bình quân giai đoạn 2016-2019 của nhà máy cao hơn hẳn so với mức trung bình của các nhà máy thủy điện cùng quy mô.

Dự án Thủy điện Ngòi Phát có tổng mức đầu tư 2.129 tỷ đồng, công suất 72 MW là một trong số ít dự án thủy điện có quy mô lớn tại tỉnh Lào Cai, được khánh thành và chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2014. Dự án Thủy điện Ngòi Phát mở rộng (công suất 12 MW) bắt đầu vận hành cuối quý II/2020, nâng công suất của ND2 lên 84 MW.

Hoạt động sản xuất thủy điện có tính ổn định, nhu cầu phụ tải điện liên tục tăng qua các năm sẽ giúp tình hình tài chính của ND2 tiếp tục khả quan, duy trì được chính sách cổ tức cao (20% bằng tiền mặt/năm). Đây là một khoản đầu tư hiệu quả nếu xét trên thị giá cổ phiếu ND2 hiện nay.

Bên cạnh hiệu quả từ dòng tiền đều đặn đến từ cổ tức cao của ND2, việc gia tăng đầu tư vào doanh nghiệp của VCG còn được nhận định nhằm thâm nhập sâu hơn vào lĩnh vực điện năng, được nhận định sẽ có nhiều triển vọng trong những năm tới.Thông qua ND2, Vinaconex và đối tác Toyota Tsusho có thể nghiên cứu tính khả thi của việc phát triển các dự án thủy điện và năng lượng tái tạo khác tại Việt Nam.

Đầu tư tài chính hiệu quả

Ngoài ND2, Vinaconex hiện đang sở hữu vốn tại nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh doanh bền vững và tỷ suất lợi nhuận cao khác như nước sạch, giáo dục, xuất khẩu lao động... Doanh nghiệp này cho biết sẽ liên tục tái cơ cấu các khoản đầu tư, hoặc tiếp tục duy trì để đảm bảo quyền chi phối thông qua việc nâng tỷ lệ sở hữu vốn, thực hiện M&A để mở rộng quy mô, gia tăng vị thế đối với các lĩnh vực này, hoặc thực hiện giảm tỷ lệ sở hữu, thoái toàn bộ vốn tại các công ty không cần nắm giữ tùy theo chiến lược phát triển từng giai đoạn.

Mới đây, HĐQT Vinaconex cũng đã phê duyệt chủ trương mua lại toàn bộ cổ phần nhà nước (41,5%) tại Công ty cổ phần Xây lắp và vật liệu Xây dựng Đồng Tháp (BDT). BDT có ngành nghề kinh doanh chính là khai thác cát, san lấp mặt bằng, mua bán vật liệu xây dựng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, kinh doanh bất động sản...

Năm 2021, BDT muốn chuyển đổi tỷ trọng hoạt động kinh doanh, tập trung đầu tư vào khu, cụm công nghiệp do công ty quản lý và đầu tư xây dựng. Điều này có lẽ phù hợp với chiến lược đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật của Vinaconex, khi doanh nghiệp này muốn đón đầu dòng vốn FDI, cũng như xu hướng dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ và sản xuất lớn vào Việt Nam.

Cụm công nghiệp Tân Lập do BDT đầu tư tại tỉnh Đồng Tháp

Cụm công nghiệp Tân Lập do BDT đầu tư tại tỉnh Đồng Tháp

Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên 2021 của Vinaconex hồi tháng 4 năm nay, định hướng gia tăng đầu tư vào những lĩnh vực thiết yếu và có nhu cầu lớn ở Việt Nam tiếp tục được HĐQT khẳng định mạnh mẽ. Đại diện doanh nghiệp này cho biết sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư, tiến hành các thương vụ M&A trong lĩnh vực BĐS và bất kỳ lĩnh vực nào có tiềm năng tăng trưởng.

Cũng tại ĐHCĐ 2021, Chủ tịch Đào Ngọc Thanh cho biết Vinaconex sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên chi phối tại Vinaconex – ITC, chủ đầu tư Dự án Cát Bà – Amatina và sẽ tập trung phát triển Dự án trọng điểm này. Trước đó, khi Vinaconex-ITC tăng vốn từ 360 tỷ đồng lên 1.800 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của Vinaconex đã giảm từ hơn 53% xuống còn gần 11%.

Việc tái cơ cấu các khoản đầu tư liên tục của VCG được các chuyên gia đánh giá rất linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh thị trường từng giai đoạn, góp phần tạo tiềm lực tài chính vững chắc cho TCT.

Tin bài liên quan