Tăng tốc các đầu tàu giải ngân giao thông

0:00 / 0:00
0:00
Các đơn vị được Bộ Giao thông - Vận tải giao nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công sẽ phải bung hết sức để có thể hoàn thành “quân lệnh”: giải ngân tối thiểu 95% vốn kế hoạch được giao trong năm 2023 (tương đương 90.460 tỷ đồng).
Thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

Thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

“Thẻ vàng” cho nhà thầu yếu

Mặc dù mới trải qua khoảng 6 tháng kể từ ngày khởi công, nhưng Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh - một trong những đơn vị thi công Gói thầu số 12-XL thuộc Dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn (Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025) đã 2 lần phải nhận “thẻ vàng” từ Ban Quản lý dự án 85 do tiến độ thi công bết bát.

Trong văn bản khiển trách (vi phạm lần 2), Ban Quản lý dự án 85 cho biết, Gói thầu XL12 triển khai thực hiện từ ngày 1/3/2023, thời gian thực hiện hợp đồng 34 tháng. Tính đến cuối tháng 9/2023, tức là đã qua 6,5/34 tháng thực hiện hợp đồng, nhưng giá trị sản lượng thực hiện của Tập đoàn Trường Thịnh chỉ đạt khoảng 3,264/614,59 tỷ đồng, tương đương 0,53% giá trị hợp đồng, chậm 11,11% so với kế hoạch (71,56/614,586 tỷ đồng) và là nhà thầu thi công chậm nhất trên toàn Dự án.

Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án 85, dù có một số nguyên nhân khách quan như đoạn tuyến chủ yếu là xử lý nền đất yếu chưa có đất để đắp, một số đoạn tuyến còn vướng mặt bằng, nhưng nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ là lỗi chủ quan của nhà thầu, không huy động đủ nhân lực, máy móc thiết bị, vật tư, vật liệu để triển khai thi công các hạng mục công trình trên tuyến không vướng mặt bằng như hầm chui, cống đổ tại chỗ, cống đúc sẵn…

Đặc biệt, Ban Điều hành tại công trường của Tập đoàn Trường Thịnh bị đánh giá là không tạo sự chủ động trong công việc, công tác xây dựng mô hình kế hoạch triển khai thực hiện còn lúng túng, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ triển khai thực hiện.

Trước đó, đầu tháng 4/2023, Ban Quản lý dự án 85 cũng phải phát văn bản phê bình (vi phạm lần thứ 1) đối với các đơn vị thi công Dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn, trong đó có Tập đoàn Trường Thịnh do chậm trễ công tác chuẩn bị và thi công tại hiện trường. Tuy nhiên, đến nay, nhà thầu này vẫn không có chuyển biến, thậm chí trong 4 tuần liên tiếp gần đây không có sản lượng.

Đây là lý do khiến Ban Quản lý dự án 85 buộc phải “rút thẻ vàng” khiển trách (vi phạm lần thứ 2) đối với Tập đoàn Trường Thịnh do thi công chậm không đáp ứng yêu cầu tiến độ, đồng thời yêu cầu nhà thầu này trong vòng 7 ngày phải có văn bản cam kết kèm theo biện pháp khắc phục, bù đắp thời gian bị chậm trước ngày 15/11/2023.

“Trường hợp đến ngày 15/11/2023, nhà thầu vẫn không có biện pháp, giải pháp và thực hiện khắc phục, bù đắp việc chậm tiến độ trên hiện trường, Ban Quản lý dự án 85 sẽ tiến hành thực hiện các hình thức xử lý theo quy định của Hợp đồng”, ông Vương Đình Đồng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 85 - đơn vị được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giao nhiệm vụ chủ đầu tư với đầy đủ “thượng phương bảo kiếm” tại Dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn nhấn mạnh.

Cần phải nói thêm, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 85 bắt buộc phải mạnh tay với các nhà thầu bê trễ tại các dự án sử dụng vốn đầu tư công do đơn vị này quản lý, nếu không muốn nhận chế tài xử lý từ chính Bộ GTVT.

Tại công văn đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2023 gửi Ban Quản lý dự án 85 vào cuối tháng 9/2023, Bộ GTVT cho biết, đây là đơn vị được giao kế hoạch vốn lớn nhất so với tổng số kế hoạch năm của cả Bộ GTVT (khoảng 17%). Đến ngày 15/9/2023, đơn vị này mới giải ngân 6.935/16.136 tỷ đồng, đạt khoảng 42,94%, dự kiến đến hết tháng 9/2023 giải ngân 8.361/16.136 tỷ đồng, đạt 51,82%, chậm khoảng 1.076 tỷ đồng so với kế hoạch đăng ký.

Bộ GTVT đánh giá, từ nay đến hết năm kế hoạch 2023, Ban Quản lý dự án 85 còn phải giải ngân 7.775 tỷ đồng. Đây là thách thức lớn, cần phải quyết tâm hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ hoàn thiện các thủ tục đấu thầu, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giải quyết dứt điểm các vướng mắc về mặt bằng, vật liệu, bãi đổ thải…

“Để đạt được mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị Giám đốc Ban Quản lý dự án 85 trực tiếp rà soát tiến độ và kế hoạch triển khai cụ thể của từng dự án; chủ động có phương án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, có phương án xử lý nguồn vốn được giao trong trường hợp không thể giải ngân và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ GTVT về số liệu báo cáo và phương án đề xuất”, công văn của Bộ GTVT yêu cầu.

Xử lý cán bộ nhũng nhiễu giải ngân

Không chỉ Ban Quản lý dự án 85, mà tất cả các chủ đầu tư trực thuộc Bộ GTVT đều đã nhận được văn bản có nội dung nhắc nhở tương tự, với chi tiết khối lượng vốn đầu tư công còn tại từng dự án cần phải giải ngân trong 3 tháng cuối cùng.

Theo đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), trong bối cảnh sức ép về tiến độ thực hiện, giải ngân đang rất căng thẳng, bất kỳ đơn vị nhà thầu nào không đáp ứng tiến độ sẽ bị cảnh cáo, khiển trách, thậm chí là điều chuyển khối lượng, chấm dứt hợp đồng, đặc biệt tại các công trình trọng điểm như các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Không chỉ các dự án quy mô lớn do các đơn vị thuộc Bộ GTVT làm chủ đầu tư, đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng trực tiếp đốc thúc tiến độ các dự án được giao cho sở GTVT địa phương quản lý. Trong đó, 2 dự án hạ tầng tại Hà Nam là ví dụ điển hình.

Quá sốt ruột với tiến độ Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 21B và Dự án Đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình qua Hà Nam (giai đoạn II) khi đến hết tháng 8/2023 mới giải ngân chưa tới 12% kế hoạch năm, đầu tháng 10/2023, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã ký công văn gửi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đề nghị quan tâm chỉ đạo các sở, ngành chức năng địa phương hỗ trợ Sở GTVT Hà Nam đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Mặc dù khối lượng vốn kế hoạch cần phải giải ngân trong năm 2023 của mỗi dự án nói trên chỉ vài trăm tỷ đồng, nhưng Bộ GTVT đang tận dụng tối đa mọi dư địa để có thể hoàn thành mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% vốn kế hoạch được giao (tương đương 90.460 tỷ đồng) trong năm 2023.

Theo ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT), kết quả giải ngân hàng tháng của Bộ GTVT đang đạt so với kế hoạch, nhiều dự án đã đẩy nhanh được tiến độ, kết quả giải ngân duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước và dự kiến đến hết cuối năm vẫn có thể tiếp tục ở mức cao hơn bình quân chung cả nước.

“Cụ thể, đến hết tháng 9/2023, ước giải ngân khoảng 56.496 tỷ đồng (gồm 3.593 tỷ đồng vốn nước ngoài; 52.903 tỷ đồng vốn trong nước), đạt 60% kế hoạch đã giao chi tiết và kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao”, ông Thái cho biết.

Mặc dù vậy, sức ép về giải ngân đối với các chủ đầu tư thuộc Bộ GTVT vẫn đang rất nặng. Bình quân trong 3 tháng cuối năm 2023, mỗi tháng Bộ GTVT phải giải ngân được khoảng 10.000 tỷ đồng, trong bối cảnh nguồn vật liệu xây dựng thông thường tại các dự án đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn II vẫn đang rất căng thẳng.

Tại cuộc Hội nghị giao ban 9 tháng đầu năm 2023 của Bộ GTVT được tổ chức vào giữa tuần trước, người đứng đầu ngành GTVT yêu cầu các chủ đầu tư/ban quản lý dự án, các nhà thầu thi công phải hết sức tập trung, nỗ lực chỉ đạo thực hiện với quyết tâm cao nhất, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; bám sát tiến độ, kế hoạch đã đăng ký theo từng tháng, quý, quyết liệt đôn đốc đảm bảo đáp ứng đúng yêu cầu; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan để tháo gỡ khó khăn, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung vật liệu để đẩy nhanh tiến độ dự án.

“Các chủ đầu tư phải xử lý, thay thế kịp thời những cán bộ, viên chức yếu kém về năng lực, có hành vi nhũng nhiễu trong các khâu nghiệm thu, thanh toán, gây cản trở giải ngân vốn đầu tư công. Người đứng đầu các chủ đầu tư/ban quản lý dự án chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng nếu kết quả giải ngân không đạt yêu cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo.

Tổng kế hoạch giải ngân năm 2023 khoảng 95.222 tỷ đồng

Năm 2023, Bộ GTVT được giao 94.161 tỷ đồng kế hoạch vốn ngân sách trung ương, trong đó 39.586 tỷ đồng từ nguồn vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, 54.549 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và 26,331 tỷ đồng từ nguồn thu xử lý sắp xếp nhà đất. Ngoài ra, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thực hiện, giải ngân kế hoạch 2022 sang năm 2023 khoảng 1.061 tỷ đồng vốn trong nước.

Như vậy, tổng kế hoạch giải ngân năm 2023 khoảng 95.222 tỷ đồng. Bộ GTVT đã giao chi tiết kế hoạch năm 2023 cho các dự án và điều chỉnh chi tiết kế hoạch qua 7 đợt cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án với tổng số 94.135 tỷ đồng, đạt 99,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; còn lại 26,331 tỷ đồng kế hoạch được giao từ nguồn thu xử lý sắp xếp nhà đất chưa thể phân bổ do không có kế hoạch trung hạn, chưa đủ điều kiện để thực hiện phân bổ chi tiết kế hoạch.

Tin bài liên quan