Nguồn lực con người luôn được xem là yếu tố quyết định tới thành công về chất lượng thanh tra

Nguồn lực con người luôn được xem là yếu tố quyết định tới thành công về chất lượng thanh tra

Tạo “đường ray” cho “con tàu” thanh tra ngân hàng

(ĐTCK) Đề án Thanh tra trên cơ sở rủi ro đã bắt đầu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng từ năm 2004 và được coi là công cụ quan trọng để phát hiện, ngăn ngừa và kiềm chế rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Đáng chú ý, đây là một đề án kép, bao gồm“thanh tra trên cơ sở rủi ro” và “quản trị rủi ro tối thiểu”.

Tại sao lại cần đề án kép?

Trước hết, phải khẳng định rằng, thanh tra trên cơ sở rủi ro là một phương pháp mới so với phương pháp thanh tra trên cơ sở tuân thủ truyền thống, đã áp dụng nhiều năm trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.

Thanh tra trên cơ sở tuân thủ, hiểu một cách đơn giản, là phương pháp các đơn vị thanh tra kiểm tra mức độ tuân thủ của ngân hàng đối với các quy định của chính ngân hàng đó, cũng như đối với quy định của NHNN và quy định pháp luật.

Còn thanh tra trên cơ sở rủi ro là thanh tra trên cả mức độ tuân thủ, kể cả khi chưa có quy định về phần thanh tra, hoặc quy định ở mức thấp. Trong đánh giá về hoạt động của ngân hàng, nếu có nguy cơ rủi ro phát sinh, thanh tra có quyền yêu cầu ngân hàng đó nhắc nhở, cảnh báo và có biện pháp khắc phục, kể cả khi quy định hiện nay chưa có.

Phương pháp này đòi hỏi phải hiểu rõ về các khái niệm rủi ro và quản trị rủi ro phải được coi như một nền tảng chung nhất. Thông thường, các khái niệm về rủi ro lớn trong lĩnh vực ngân hàng bao gồm 3 phạm trù: Rủi ro tín dụng, Rủi ro vận hành, Rủi ro thị trường. Trong đó, rủi ro thị trường hàm chứa một rủi ro có thể tách riêng là rủi ro về thanh khoản.

Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao lại cần một dự án kép về thanh tra trên cơ sở rủi ro và quản trị rủi ro tối thiểu?

Câu trả lời đơn giản và đầy đủ nhất, là khi lực lượng thanh tra vào cuộc sẽ không chỉ dựa trên quy định mà phải cần đến một nền tảng chung như đã đề cập ở trên, cũng như lộ trình quản trị rủi ro. Đây được ví như “đường ray” để con tàu thanh tra trên cơ sở rủi ro “chạy suốt”. Các ngân hàng thương mại phải triển khai một chuẩn mực về quản trị rủi ro tối thiểu theo kỳ vọng, theo yêu cầu và thỏa thuận của ngân hàng với NHNN. Và NHNN trước mắt sẽ thực hiện việc thanh tra trên các chuẩn mực quản trị rủi ro đó, bên cạnh các quy định quy chuẩn khác.

Tạo “đường ray” cho “con tàu”  thanh tra ngân hàng ảnh 1

NHNN rất quan tâm thúc đẩy vấn đề về quản trị rủi ro tối thiểu, thanh tra trên cơ sở rủi ro 

Ngân hàng trong nước chưa xây được “đường ray chung”

Trong 10 năm qua, NHNN rất quan tâm thúc đẩy vấn đề về quản trị rủi ro tối thiểu, thanh tra trên cơ sở rủi ro. Tuy nhiên, trên thực tế, các hoạt động thanh tra này chưa được triển khai tại các ngân hàng trong nước, mà chỉ ở ngân hàng nước ngoài. Lý do là vì các ngân hàng nước ngoài đều hoạt động theo các quy tắc từ công ty mẹ, vốn đã có những tiêu chuẩn cụ thể về quản trị rủi ro như chuẩn Basel I, Basel II. Một số ngân hàng nước ngoài thậm chí đã áp dụng chuẩn Basel III.

Với các ngân hàng trong nước, thậm chí có ngân hàng chưa triển khai các chuẩn về quản trị rủi ro và hầu hết mới đang tự phát triển các khung quản trị rủi ro của riêng mình. Có ngân hàng dựa theo Basel I, có nơi Basel II, mà chưa tạo được một nền tảng chung, “đường ray chung” để chạy “con tàu” thanh tra trên cơ sở rủi ro.

Bên cạnh đó, bản thân đội ngũ thanh tra cũng chưa được trang bị kiến thức về nghiệp vụ thanh tra trên cơ sở rủi ro, dù trước đây, từ năm 2005, NHNN đã xây dựng quy trình, cẩm nang riêng về vấn đề này dưới sự hỗ trợ của tổ chức CIDA Canada.

Khi cơ quan thanh tra chưa sẵn sàng và các ngân hàng thương mại không có nền tảng đồng nhất thì việc công tác thanh tra chưa được thực hiện là tất yếu. Nói như vậy không có nghĩa là các ngân hàng hiện nay không thực hiện được công tác quản trị rủi ro, mà trên thực tế các ngân hàng đều đang chủ động thực hiện việc này.

Hiện nay có 10 ngân hàng hàng đầu, trong đó có Techcombank, được lựa chọn để triển khai trước Basel II. Có thể nói, các ngân hàng thương mại ở một mặt nào đó về công tác quản trị rủi ro, đang đi trước NHNN trong phạm trù này.

Để NHNN có thể triển khai được, cần đồng bộ hóa nền tảng về quản trị rủi ro tại các NHTM. Ví dụ như việc thí điểm Basel II tại 10 ngân hàng thương mại hàng đầu, sau đó nhân rộng tới các ngân hàng khác năm 2018. Tới lúc đó, chúng ta mới có thể có một mặt bằng chung, một nền tảng chung cho quản trị rủi ro. 

Đội ngũ thanh tra: Thiếu và yếu

Bản thân NHNN cũng cần nâng cao năng lực, vì hầu hết các thanh tra viên, kể cả những thanh tra viên kì cựu cũng chỉ mới thông thuộc các nghiệp vụ về thanh tra tuân thủ. Trong 10 năm vừa qua, NHNN đã củng cố và nâng cao năng lực của đội ngũ thanh tra viên, với sự tham gia của rất nhiều người trẻ, tài năng, được cập nhật kiến thức mới về quản trị rủi ro. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của lớp thanh tra viên mới này là thiếu trải nghiệm thực tế tại các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng. Có thể, họ đã có cơ hội tham gia vào các đoàn thanh tra tới các ngân hàng, nhưng phần lớn vẫn gói gọn ở thanh tra tuân thủ, chưa có trải nghiệm của người làm nghiệp vụ ngân hàng cụ thể.

Việc đảm bảo chất lượng và yêu cầu về nghiệp vụ thanh tra trên cơ sở rủi ro và quản trị rủi ro tối thiểu hiện là một câu hỏi lớn, chưa đề cập tới những tranh cãi, chưa đồng nhất quan điểm giữa NHNN và ngân hàng thương mại khi việc thanh tra được tiến hành. Việc này thực tế đã có lịch sử diễn ra trong quá trình thanh tra tuân thủ, cho dù thanh tra tuân thủ là điều dễ nhất, vì chỉ căn cứ trên câu chữ, văn bản, chưa nói tới các quy trình thanh tra ở các mức độ khoa học cao hơn.

Yếu tố quan trọng vẫn là “câu chuyện tư duy”

Để khắc phục, các ngân hàng thương mại cần sớm triển khai các chuẩn mực Basel II. Trong quá trình đó, cần liên tục có sự trao đổi về nghiệp vụ lẫn nhau, để hiểu các khó khăn trong thực hiện và triển khai của nhau. Tiếp theo là tăng cường đào tạo và trao đổi chuyên môn giữa các bên.

Trong các văn bản kiến nghị tại các diễn đàn của Basel II trước đây, NHNN nên là đơn vị dẫn dắt để đảm bảo tính đồng nhất. Đồng thời, tạo cơ hội để luân chuyển cán bộ giữa hệ thống ngân hàng thương mại và thanh tra NHNN để kiến thức được đan xen. Nhưng quan trọng nhất vẫn là câu chuyện tư duy, bởi bản thân các bên đều có rủi ro riêng: ngân hàng thương mại có rủi ro, thanh tra cũng có rủi ro. Để đảm bảo quản trị rủi ro ở mức cao, thường cán bộ thanh tra cần nắm bắt những gì rõ ràng, cụ thể được quy định và đã thống nhất. Mặt khác, ngân hàng thương mại lại chưa có được quyền ưu đãi đó.

NHNN cần có tư duy chấp nhận điều này để tăng cường thêm hiểu biết, năng lực, sự tự tin, chất lượng thanh tra và sự quyết đoán của thanh tra viên trong các tình huống, nhằm đảm bảo không tạo quá nhiều áp lực mà vẫn đạt được yêu cầu, mục tiêu thanh tra.     

Việt Nam hiện đã có 10 ngân hàng hàng đầu, gồm VietinBank, Vietcombank, Techcombank…, đang triển khai các chương trình thí điểm về quản trị rủi ro theo chuẩn Basel II của NHNN.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một đại diện từ nhóm 10 ngân hàng này cho rằng, nguồn lực con người chính là yếu tố quyết định tới thành công về chất lượng thanh tra ở cả ngân hàng thương mại, lẫn đội ngũ thanh tra của NHNN.

“Chúng tôi không có bất cứ lo ngại nào với việc triển khai phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro, mà luôn cho rằng, việc triển khai này là tất yếu”, vị lãnh đạo ngân hàng cho biết.

Tin bài liên quan