Ảnh: Dũng Minh.

Ảnh: Dũng Minh.

Tập đoàn Cao su tham vọng mở rộng sản xuất săm lốp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãnh đạo Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) vừa đề xuất ý tưởng M&A một số doanh nghiệp săm lốp thuộc Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) nhằm tối ưu hóa chuỗi giá trị ngành.

VRG gặp khó vì mủ cao su rớt giá

Tại buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) về Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn đến năm 2025, lãnh đạo Tập đoàn Cao su Việt Nam đã báo cáo về việc Tập đoàn dự kiến tham gia đầu tư vào các công ty sản xuất săm lốp xe đã có thương hiệu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).

Tập đoàn Cao su Việt Nam được cổ phần hóa từ đầu năm 2018, nhưng cổ đông Nhà nước vẫn nắm tới 96,77% cổ phần và hiện thuộc quyền quản lý của CMSC.

Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh mảng kinh doanh chính của Tập đoàn chịu ảnh hưởng tiêu cực của việc giá mủ cao su xuống thấp nhiều năm nay.

Đặc biệt, trong nửa đầu năm nay, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu khiến nhu cầu mủ cao su thiên nhiên và giá cùng rớt mạnh, doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn giảm 20,4% và 19,7% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 6.060 tỷ đồng và 850 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 21,1% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Trong khi đó, việc giá mủ cao su sụt giảm lại giúp các doanh nghiệp sản xuất săm lốp, trong đó có một số doanh nghiệp thuộc Vinachem lãi đột biến.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (mã chứng khoán CSM) báo lãi trước thuế gần 40 tỷ đồng trong 6 tháng, cao gần gấp 4 lần cùng kỳ.

Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng (mã chứng khoán SRC) cũng đón nhận kết quả kinh doanh bán niên khả quan với lợi nhuận hơn 33 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2019 và vượt 58% kế hoạch năm.

M&A doanh nghiệp săm lốp, hướng mở cho tương lai

Nói về đề xuất tái cơ cấu ngành công nghiệp cao su, Tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam Huỳnh Văn Bảo chia sẻ: “Kế hoạch M&A các doanh nghiệp săm lốp cao su thuộc Vinachem nếu thành công sẽ giúp khép kín chuỗi giá trị sản phẩm cao su và là nòng cốt để tiếp tục phát triển sản phẩm săm, lốp của Tập đoàn trong tương lai”.

Sản xuất săm lốp được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp phụ trợ có tiềm năng phát triển rất tốt.

Theo ông Võ Hoàng An, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, tính đến năm 2019, Việt Nam có trên 180 doanh nghiệp sản xuất tham gia xuất khẩu lốp xe, sản phẩm lốp xe của Việt Nam đã xuất khẩu tới 153 thị trường.

Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm lốp xe của Việt Nam liên tục tăng trong 5 năm qua, đạt mức tăng trưởng bình quân 17,8%/năm. Riêng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu lốp xe của Việt Nam đạt 1,2 tỷ USD.

Dự báo nhu cầu tiêu thụ lốp xe của thế giới tiếp tục tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 3 - 4%/năm trong giai đoạn hiện nay, trong đó riêng tốc độ tăng trưởng về giá trị của thị trường săm lốp Việt Nam sẽ đạt khoảng 8%/năm, cao gấp hai lần so với mức bình quân của thế giới.

Cơ sở cho dự báo này là ngoài yếu tố thuận lợi từ thị trường xuất khẩu thì nhu cầu tiêu thụ trong nước sẽ đột biến khi ngành công nghiệp ô tô trong nước đang phát triển mạnh với kế hoạch đầy tham vọng của Trường Hải, Vinfast...

Trong số các doanh nghiệp cao su là thành viên của Vinachem thì Cao su Miền Nam và Cao su Đà Nẵng là 2 doanh nghiệp dẫn đầu trong Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này. Năm 2019, sản phẩm săm lốp, yếm ô tô mang về doanh thu gần 3.450 tỷ đồng cho Cao su Đà Nẵng, chiếm 84% tổng doanh thu Công ty.

Với Cao su Miền Nam, sản lượng các loại săm lốp năm 2019 đều ghi nhận tăng trưởng mạnh. Trong đó, sản lượng săm xe máy là 18,14 triệu chiếc, săm xe đạp 3,73 triệu chiếc, lốp xe máy 3,29 triệu chiếc, lốp xe đạp 2,46 triệu chiếc, lốp ô tô các loại gần 2 triệu chiếc.

Cao su Miền Nam có thể xem là trường hợp mở đường cho việc hiện thực hóa ý tưởng M&A doanh nghiệp săm lốp thuộc Vinachem của Tập đoàn Cao su Việt Nam, bởi từ năm 2017, Tập đoàn đã bắt đầu liên kết với đơn vị này sản xuất lốp xe thương hiệu VRG.

Với tổng diện tích cây cao su duy trì ổn định khoảng từ 300.000 - 320.000 ha vào năm 2025, bảo đảm sản lượng khai thác trên 400.000 tấn/năm, như Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2020 - 2025 đặt ra, Tập đoàn Cao su Việt Nam thừa khả năng cung ứng lượng mủ cao su cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo săm lốp trong nước.

Nếu làm chủ chuỗi khép kín từ khâu cung ứng nguyên liệu cho tới sản xuất trong ngành công nghiệp chế tạo săm lốp cao su, Tập đoàn Cao su Việt Nam sẽ tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh, không còn phụ thuộc vào sự biến động giá mủ cao su trên thị trường thế giới.

Ý tưởng được ủng hộ

Chưa rõ “các công ty sản xuất săm lốp đã có thương hiệu thuộc Tập đoàn Vinachem” mà lãnh đạo Tập đoàn Cao su Việt Nam nhắc đến là những công ty nào.

Nhưng ba công ty săm lốp tốt nhất của Vinachem là Cao su Miền Nam, Cao su Đà Nẵng và Cao su Sao Vàng đều là các doanh nghiệp đã cổ phần hóa và niêm yết trên sàn chứng khoán. Trong đó, tại Cao su Miền Nam và Cao su Đà Nẵng, tỷ lệ vốn Nhà nước vẫn chiếm đa số.

Theo Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất giai đoạn 2017 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn sẽ phải thực hiện thoái vốn nhà nước tại 3 công ty xuống dưới 51% trong giai đoạn này. Lộ trình trước mắt là giảm tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ xuống 36%.

Năm 2019, Vinachem đã thực hiện thoái vốn tại Cao su Sao Vàng trong một thương vụ gây nhiều tranh cãi thông qua bán bán đấu giá 4,2 triệu cổ phiếu cho 4 nhà đầu tư, với mức trúng đấu giá 46.453 đồng/cổ phiếu, cao hơn mức giá khởi điểm đúng 1 đồng/cổ phiếu. Sau khi thoái vốn thành công, hiện tỷ lệ vốn do Vinachem nắm giữ là 36%.

Ảnh tác giả

Ý tưởng đầu tư để xây dựng chuỗi giá trị nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh như vậy cần được khuyến khích và tạo điều kiện thực hiện để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Với Cao su Đà Nẵng, kế hoạch thoái vốn của Vinachem trong năm 2019 không thành công khi phiên đấu giá 17,2 triệu cổ phần không có nhà đầu tư đăng ký tham gia. Do đó, đến nay, Vinachem vẫn nắm giữ 50,51% tại doanh nghiệp này. Còn tại Cao su Miền Nam, hiện Vinachem sở hữu 51% và đang có kế hoạch thực hiện thoái vốn xuống 36%.

Bình luận về đề xuất của Tập đoàn Cao su Việt Nam, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, về lý thuyết, M&A là giải pháp mở rộng quy mô sản xuất và thị trường một cách nhanh nhất, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Xét trong trường hợp của Tập đoàn Cao su Việt Nam, đây cũng là một cách làm hiệu quả, bởi Tập đoàn không thể thành lập một công ty sản xuất lốp mới để cạnh tranh, mà cần tận dụng ngay các thương hiệu đã có để phát triển.

“Cơ bản là chiến lược có mục tiêu tốt, chủ động đầu vào và đầu ra khép kín chuỗi giá trị để gia tăng lợi nhuận”, ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, ý tưởng đầu tư để xây dựng chuỗi giá trị nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh như vậy cần được khuyến khích và tạo điều kiện thực hiện để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.

Xét trên góc độ quy định pháp lý, ông Hiếu cho rằng, các luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Luật Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất – kinh doanh tại doanh nghiệp đều không cấm doanh nghiệp nhà nước đầu tư, miễn là đúng quy trình thủ tục và doanh nghiệp không đầu tư ngoài lĩnh vực sản xuất chính. “Điều đáng bàn ở đây là thủ tục quy trình mất bao lâu, hiệu quả dự án liệu có còn hay không”.

Một vấn đề nữa được ông Hiếu đặt ra là vai trò của CMSC - cơ quan chủ sở hữu nhà nước tại cả Vinachem và Tập đoàn Cao su Việt Nam - trong thương vụ.

“Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần có cái nhìn tổng thể đối với các doanh nghiệp để đánh giá hiệu quả của việc thoái vốn và đầu tư, đảm bảo cân bằng giữa lợi ích và mục tiêu của Chính phủ là thoái vốn thu hút tư nhân, song điều đó không có nghĩa là không có mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Bài toán này chỉ có Ủy ban mới cân đối được”, vị chuyên gia nhìn nhận.

Ghi nhận từ phía CMSC, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh bước đầu thể hiện quan điểm ủng hộ đề xuất của Tập đoàn Cao su Việt Nam.

“Trong giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn những năm tiếp theo, Tập đoàn Cao su Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất - kinh doanh. Việc sáp nhập doanh nghiệp theo kiến nghị của Tập đoàn Cao su Việt Nam là hết sức cần thiết nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng nguồn nguyên liệu phát triển sản phẩm công nghiệp. Ủy ban sẽ đồng hành hỗ trợ Tập đoàn, là cầu nối với Chính phủ, bộ, ngành tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách”, lãnh đạo CMSC chia sẻ.

Tin bài liên quan