Tập đoàn Evergrande bị yêu cầu thanh lý sau khi không đạt được thỏa thuận tái cơ cấu nợ

Tập đoàn Evergrande bị yêu cầu thanh lý sau khi không đạt được thỏa thuận tái cơ cấu nợ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Hai (29/1), một tòa án ở Hồng Kông (Trung Quốc) đã ra lệnh thanh lý nhà phát triển bất động sản China Evergrande Group sau khi không thể đạt được thỏa thuận tái cơ cấu với các chủ nợ.

Đây là động thái có thể gây ra tác động tới thị trường tài chính của Trung Quốc khi các nhà hoạch định chính sách nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc.

Evergrande - nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới với tổng nợ hơn 300 tỷ USD - đã khiến lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn rơi vào tình trạng suy thoái. Công ty lần đầu tiên vỡ nợ về các nghĩa vụ tài chính của mình vào năm 2021, chỉ hơn một năm sau khi Trung Quốc thắt chặt chặt hoạt động cho vay đối với các nhà phát triển bất động sản trong nỗ lực hạ nhiệt bong bóng bất động sản.

Quyết định này được đưa ra bởi Thẩm phán Hồng Kông Linda Chan sau khi Evergrande không đưa ra được các thông tin liên lạc hoặc giải pháp hiệu quả trong hơn 18 tháng.

Thẩm phán Linda Chan cho rằng, việc tòa án ra lệnh cho Evergrande ngừng hoạt động kinh doanh là phù hợp vì công ty không đưa ra đề xuất tái cơ cấu khả thi cũng như tình trạng mất khả năng thanh toán của công ty.

Phán quyết thanh lý đối với Evergrande có thể sẽ làm rung chuyển thị trường vốn và bất động sản vốn đã mong manh của Trung Quốc.

Trung Quốc đang cố gắng khôi phục nền kinh tế trong bối cảnh thị trường bất động sản tồi tệ nhất trong 9 năm và thị trường chứng khoán giảm xuống gần mức thấp nhất trong 5 năm, do đó, bất kỳ cú đánh mới nào vào thị trường có thể làm suy yếu thêm nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách nhằm vực dậy tăng trưởng.

Trong khi đó, quá trình thanh lý có thể phức tạp, kèm theo những cân nhắc chính trị tiềm ẩn do có nhiều cơ quan chức năng liên quan.

Nhưng động thái này được cho là sẽ có ít tác động đến hoạt động của Evergrande, bao gồm cả các dự án xây dựng nhà ở trong thời gian tới, vì có thể mất vài tháng hoặc nhiều năm để cơ quan thanh lý ở nước ngoài do các chủ nợ chỉ định nắm quyền kiểm soát các công ty con trên khắp Trung Quốc.

Sau khi thanh lý, người thanh lý có thể nắm quyền kiểm soát các công ty con của Evergrande trên khắp Trung Quốc bằng cách thay thế từng người đại diện theo pháp luật, một quá trình có thể mất vài tháng hoặc nhiều năm. Trong khi đó, việc hoàn thành các dự án xây dựng nhà ở đang diễn ra sẽ là ưu tiên hàng đầu của công ty, ngành và chính phủ.

Evergrande đã thực hiện kế hoạch cải tổ khoản nợ trị giá 23 tỷ USD với nhóm trái chủ đặc biệt trong gần hai năm. Kế hoạch ban đầu đã thất bại vào cuối tháng 9 khi họ cho biết nhà sáng lập tỷ phú Hui Ka Yan đang bị điều tra vì nghi ngờ phạm tội.

Đơn yêu cầu thanh lý được đệ trình lần đầu tiên vào tháng 6/2022 bởi Top Shine, một nhà đầu tư của đơn vị Fangchebao của Evergrande cho biết Evergrande đã không tôn trọng thỏa thuận mua lại cổ phần mà họ đã mua trong công ty con.

Quá trình tố tụng đã bị hoãn lại nhiều lần và Thẩm phán Linda Chan cho biết, phiên điều trần tháng 12 sẽ là phiên điều trần cuối cùng trước khi đưa ra quyết định có nên thanh lý Evergrande hay không trong trường hợp không có kế hoạch tái cơ cấu cụ thể.

Trước ngày 29/1, ít nhất ba nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc đã bị tòa án Hồng Kông ra lệnh thanh lý kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ diễn ra vào giữa năm 2021.

Tin bài liên quan