BOT Tân Đệ - một trong những trạm thu phí của Tasco, hiện đã dừng thu. Ảnh: Dũng Minh.

BOT Tân Đệ - một trong những trạm thu phí của Tasco, hiện đã dừng thu. Ảnh: Dũng Minh.

Tasco (HUT) sa lầy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nguồn doanh thu chủ lực từ hoạt động thu phí giao thông sụt giảm mạnh đẩy “ông trùm” BOT một thời Công ty cổ phần Tasco (mã HUT) vào tình cảnh thua lỗ lần đầu tiên kể từ khi niêm yết năm 2008.

Hoạt động kinh doanh chính: Phú quý giật lùi

Với mức lỗ ròng 153 tỷ đồng trong quý IV/2020 vừa qua, đây là quý thứ 3 liên tiếp Tasco phải cáo lỗi với cổ đông. Mang về gần 216 tỷ đồng doanh thu trong trong kỳ, giảm 14% so với cùng kỳ 2019, song giá vốn tăng gấp đôi khiến Công ty lỗ gộp gần 36 tỷ đồng.

Kèm theo việc gia tăng mạnh các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, tính riêng mức lỗ trong kỳ của Tasco lên tới gần 165,2 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế cả năm 2020 lên hơn 243 tỷ đồng, trong khi năm 2019 lãi ròng gần 45 tỷ đồng. Đây cũng là năm lỗ đầu tiên của Tasco kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX năm 2008.

Nguyên nhân chính khiến Tasco thua lỗ là do nguồn doanh thu từ hoạt động chính là thu phí giao thông sụt giảm mạnh. Điều này được Tasco thừa nhận tại báo cáo giải trình kết quả kinh doanh 2020 gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cách đây không lâu.

Từng là “gà đẻ trứng vàng” và tạo nên tên tuổi “ông trùm” BOT, BT cách đây 5-6 năm với lợi nhuận mang về hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, nhưng nay việc thu hồi vốn từ thu phí các dự án BOT, BT của Tasco gặp nhiều khó khăn.

Sau năm 2016 với mức doanh thu kỷ lục gần 2.800 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh của Tasco bắt đầu đi xuống từ đó đến nay với doanh thu giảm dần theo từng năm: Năm 2017 là 2.177,6 tỷ đồng, 2018 là 1.136,3 tỷ đồng, 2019 là 1.107,2 tỷ đồng và 2020 là 750,5 tỷ đồng; tương ứng với đó là mức giảm của lợi nhuận: Năm 2016 là 404 tỷ đồng, 2017 là 298 tỷ đồng, 2018 là 66 tỷ đồng, 2019 là 45 tỷ đồng và 2020 là âm 243 tỷ đồng.

Ngoài sự sụt giảm nguồn thu từ các dự án BOT, BT, dự án thu phí không dừng từng theo đuổi nhiều năm cũng là một tác nhân đẩy Tasco lún sâu hơn vào vũng lầy, mà như ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Tasco từng chia sẻ là “như miếng xương, làm rồi mới thấy sai lầm”.

Năm 2015, khi chính thức triển khai dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn I (dự án BOO1) với nhà cung cấp dịch vụ độc quyền là Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (công ty con do Tasco nắm giữ 97,82% vốn điều lệ) mang lại nhiều kỳ vọng.

Tuy nhiên, những vướng mắc về cơ chế, chính sách, sự hợp tác chưa toàn diện từ các nhà đầu tư BOT cũng như thói quen sử dụng tiền mặt của các chủ phương tiện… đã gây khó khăn lớn cho VETC, bất chấp việc dự án hoàn thành đúng tiến độ.

Kết quả là VECT báo lỗ lũy kế khoảng 300 tỷ đồng tính đến ngày 30/9/2019 và mức lỗ này có thể tăng lên tới 580 tỷ đồng trong năm 2020 nếu dự án được triển khai tiếp. Do đó, VECT đã đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải lựa chọn nhà đầu tư khác nhận chuyển nhượng dự án hoặc Nhà nước nhận lại để tiếp tục triển khai, nhưng không được chấp thuận.

Tất nhiên, người “ôm” khoản lỗ lớn này không ai khác ngoài công ty mẹ Tasco. Kết thúc năm 2020, lợi nhuận từ hoạt động thu phí tự động không dừng của Tasco giảm tới hơn 103,5 tỷ đồng và làm “dày” thêm khoản lỗ trong năm.

Ngành kinh doanh phụ cũng gặp khó

Tại báo cáo thường niên 2019 công bố tháng 5/2020, Tasco đang triển khai dự án BOT Quảng Bình tổng vốn đầu tư 1.983 tỷ đồng, dự kiến thời gian hoàn vốn là 21 năm 9 tháng kể từ tháng 7/2015; dự án BOT Quốc lộ 10, vốn đầu tư 2.815 tỷ đồng, mới thu phí, dự kiến hoàn vốn 14 năm 11 tháng; dự án BOT tuyến tránh Ðông Hưng - Thái Bình, vốn đầu tư 434 tỷ đồng, dự kiến thu phí tháng 7/2020 và thời gian hoàn vốn là sau 7 năm 7 tháng; dự án BOT 21, vốn đầu tư 487 tỷ đồng, phải giảm thu phí từ 20/3/2019 (trước đó từ tháng 7/2018 không thu phí trước áp lực từ các chủ phương tiện); dự án BOT 39 có vốn đầu tư 550 tỷ đồng, dự kiến hoàn vốn 18 năm từ ngày 1/1/2017… và một số dự án BT đổi đất khác.

Nhờ hoạt động đối ứng từ các dự án giao thông, Tasco có được quỹ đất khá lớn và bắt đầu chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với một loạt dự án như dự án Foresa Villa (Khu nhà ở sinh thái Xuân Phương rộng 38 ha), dự án Văn phòng cho thuê và chung cư cao cấp 48 Trần Duy Hưng, dự án Đầu tư xây dựng nhà ở South Building - Pháp Vân, dự án Xuân Phương Residence...

Tasco đã thu lãi lớn trong giai đoạn đầu chuyển hướng kinh doanh 2016-2017, trước khi đối diện với những lùm xùm tại những dự án quanh tuyến đường từ Lê Đức Thọ đến đường 70 tại Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Đây là một trong những dự án đối ứng gây lỗ nặng cho Tasco trong năm 2020 khi phải bổ sung 105 tỷ đồng nghĩa vụ tài chính về đất của toàn dự án theo yêu cẩu của UBND TP.Hà Nội sau khi thực hiện rà soát việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đông xây dựng - chuyển giao (BT).

Tính đến 31/12/2020, Tasco ghi nhận gần 1.137 tỷ đồng tài sản cơ bản dài hạn liên quan đến một loạt dự án như dự án BT Lê Đức Thọ - đường 70, Khu nhà ở Xuân Phương - Foresa Villa, Khu đô thị mới Vân Canh - Hoài Đức, dự án thu phí không dừng…, trong đó phần chi phí lớn nhất thuộc về các dự án Khu nhà ở sinh thái Xuân Phương (343 tỷ đồng), dự án Khu đô thị mới Vân Canh (271 tỷ đồng), dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến đường 70 (314 tỷ đồng)...

Ngoài ra, chi phí lãi vay cũng đang đè nặng lên hoạt động kinh doanh của Tasco. Tính tới cuối năm 2020, tổng nợ vay và thuê tài chính của Công ty lên tới hơn 5.509,28 tỷ đồng, phần lớn là các khoản vay dài hạn cho các dự án BOT, chiếm gần 55% tổng nguồn vốn.

Trước thực tế hiệu quả kinh doanh đi xuống từng năm, Tasco không còn hấp dẫn trong mắt các quỹ ngoại như VinaCapital hay Pyn Elite Fund và các quỹ này đã dần thoái vốn.

Tính đến nay, khoản vốn đầu tư của VinaCapital đã giảm xuống chỉ còn 1/3 sau gần 2 nắm giữ, Pyn Elite Fund cũng liên tục bán ra cổ phiếu HUT với mức giá thấp hơn đáng kể so với thời điểm mua vào.

Trên một số diễn đàn chứng khoán, bất động sản xuất hiện thông tin Tasco có kế hoạch thoái vốn khỏi một số lĩnh vực kinh doanh không mang lại hiệu quả để tái cơ cấu lại mô hình hoạt động, nhưng có khả thi hay không là câu chuyện dài hạn, còn khả năng sớm thoát lầy trong năm 2021 của “ông trùm” BOT này không được đánh giá cao.

Tin bài liên quan