Một nhân viên y tế đang chuẩn bị tiêm vaccine Pfizer cho một nông dân ở bang Selangor. Ảnh: AP.

Một nhân viên y tế đang chuẩn bị tiêm vaccine Pfizer cho một nông dân ở bang Selangor. Ảnh: AP.

Tê liệt vì Covid-19, Malaysia tăng tốc chiến dịch tiêm chủng

0:00 / 0:00
0:00
6 tuần sau khi áp lệnh phong tỏa trên toàn quốc, Malaysia vẫn đang ở trong tình trạng tê liệt vì Covid-19 và phải tìm mọi cách đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này.

Các bệnh viện quá tải, nhân viên y tế kiệt sức, những người mất việc làm trở nên nghèo đói. Nền kinh tế tê liệt, lạm phát liên tục gia tăng, tới mức gấp đôi so với nước láng giềng Indonesia cũng đang quay cuồng trong cuộc khủng hoảng Covid-19, nếu tính theo đầu người.

Trong bối cảnh hàng nghìn người chết cùng với sự nản lòng trước tình hình dịch bệnh Covid-19, quốc gia Đông Nam Á 32 triệu dân này vẫn có một sự may mắn.

Malaysia hiện tự hào là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng nhanh nhất thế giới, với hơn 400.000 liều/ngày. Trong tuần trước, trong số các nước có quy mô tương tự hoặc lớn hơn, chỉ có Canada làm tốt hơn Malaysia. Tốc độ tiêm chủng tại Malaysia thậm chí gấp đôi Australia.

Đàm phán lại nguồn cung vaccine, Malaysia tăng tốc tiêm chủng

Ông Khairy Jamaluddin, Bộ trưởng Khoa học, công nghệ và đổi mới, chịu trách nhiệm thực hiện chiến dịch tiêm chủng hiện nay nói rằng chính phủ Malaysia đã thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng từ cách đây 2 tháng, sau khi đàm phán lại về việc cung cấp và phân phối số vaccine mà nước này đã mua. 70% trong số này là vaccine của Pfizer.

“Phần lớn vaccine mà chúng tôi đặt mua là Pfizer, nhưng sau đó chúng tôi đã phải đa dạng nguồn vaccine. Chúng tôi đã sớm nhận ra rằng, sẽ rất nguy hiểm nếu để trứng vào một hoặc hai giỏ”, ông Khairy nói.

“Tôi nghĩ chúng tôi đang ở giai đoạn thực sự cần thiết phải tiêm chủng để thoát khỏi tình hình hiện nay”, ông nói.

Ngoài Pfizer, Malaysia cũng đã tìm mua vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca, vaccine Sinovac và loại vacicne CanSino 1 mũi tiêm của Trung Quốc, cũng như các loại khác thông qua cơ chế COVAX.

Sau sự khởi đầu chậm chạp, hiện 25% dân số Malaysia đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và Malaysia có thể đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 40% số người trưởng thành vào cuối tháng 8 và 60% vào cuối tháng 9 nếu các nhà cung cấp thực hiện đúng cam kết của họ.

Theo thỏa thuận đàm phán giữa Malaysia với Pfizer, hãng dược phẩm của Mỹ sẽ chuyển cho quốc gia Đông Nam Á này 25 triệu liều vaccine từ nay đến tháng 9, ông Khairy nói.

Quy mô đợt bùng phát dịch Covid-19 hiện nay cũng đã giúp dỡ bỏ được một rào cản lớn ở Malaysia, đó là sự do dự tiêm vaccine của người dân.

Tiêm chủng là cách duy nhất để thoát khỏi khủng hoảng

Tính đến ngày 14/7, Malaysia đã ghi nhận 6.503 người tử vong vì Covid-19, trong khi số ca mới ghi nhận hàng ngày lên tới mức kỷ lục 11.618 ca.

Dù vậy, khi tăng tốc tiêm chủng, Malaysia đã không làm được gì để xóa bỏ sự bất mãn đối với cách xử lý của chính phủ đối với dịch Covid-19. Chỉ hơn một năm trước, thời điểm ngày 7/7/2020, Malaysia không ghi nhận ca Covid-19 mới nào trên cả nước và sự tự mãn đã được cho là nguyên nhân khiến nước này rơi vào tình trạng tê liệt như hiện nay.

“Tôi nghĩ không có cách xử lý nào là hoàn hảo dù là ở bất cứ đâu trên thế giới. Các nước đã thành công trong việc ngăn chặn và kiềm chế số ca mới cũng đã ghi nhận sự gia tăng trở lại số ca mắc. Nếu nhìn vào những nước đang làm tốt hiện nay, bạn có thể nói rằng trước đây họ đã làm không tốt và họ chỉ được cứu vãn vì những lô vaccine đến sớm”, ông Khairy nói với Sydney Morning Herald.

“Tất nhiên, chúng tôi lẽ ra có thể làm tốt hơn một số khía cạnh nhất định. Nhưng cũng cần phải nói rằng, sau một thời gian, rất khó để khiến công chúng tuân thủ các biện pháp hạn chế vì bản thân họ cũng đã rất mệt mỏi. Ở đây, tôi không đổ lỗi cho công chúng. Bởi cuối cùng, sẽ có lúc mọi người mất cảnh giác”, Bộ trưởng Khairy cho biết thêm

Ông Khairy cũng thừa nhận rằng, thông tin về việc các bộ trưởng của chính phủ làm trái các quy tắc phòng chống, dịch Covid-19 đã làm tổn hại đến uy tín của lệnh phong tỏa mới nhất này, đồng thời nhấn mạnh, “tấm gương từ các lãnh đạo là điều rất quan trọng”.

“Ở khía cạnh này, tôi nghĩ chúng tôi đã phạm phải sai sót”, ông thừa nhận.

Trong khi đó, hệ thống y tế đang ở bên bờ vực sụp đổ, các nhân viên y tế kiệt sức khi số ca mắc Covid-19 gia tăng nhanh chóng. Nhiều bác sỹ phải giằng xé trước lựa chọn “ai được sống, ai phải chết” trong số các bệnh nhân của mình.

Tại một khu vực bầu cử ở phía Tây Nam Kuala Lumpur, dây thép gai và các ngân hàng thực phẩm ở các góc phố đã trở nên quen thuộc kể từ khi lệnh phong tỏa được thực hiện.

Nhiều người rơi vào cảnh khó khăn vì mất kế sinh nhai. Không ai biết đến bao giờ những điều này mới kết thúc.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Hartini Zainudin, một nhà hoạt động vì quyền trẻ em, người đang giúp điều phối sự hỗ trợ, cho biết “lệnh phong tỏa hiện là điều khủng khiếp” đối với những người rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Có lẽ không phủ nhận điều này, nhưng như Bộ trưởng Khairy nói, tiêm chủng nhanh chóng là cách duy nhất thoát khỏi cuộc khủng hoảng Covd-19 hiện nay.

Tin bài liên quan