Tết về bản

Tết về bản

(ĐTCK) Cả cao nguyên đá xám lạnh, cứng đờ trong giá buốt. Đường lên bản trơn trượt bởi sương giá. Mưa Xuân khiến không khí đùng đục, bảng lảng, nhưng có lẽ chính những cách trở non cao lại càng khiến chuyến công tác xã hội cuối năm của chúng tôi thêm phần ý nghĩa…  

Những ngày áp tết, ai cũng bận tối mắt tối mũi. Nhưng khi nghe em gái Mai Anh, Phó phòng Truyền thông của LienVietPostBank nhắn, “sếp Hưởng (ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank) chuẩn bị tổ chức đoàn công tác đưa Tết về bản ở Xín Mần, Hà Giang, các chị tham gia chương trình nhé”, là tôi nhận lời ngay. Phần vì cái địa danh Xín Mần mới nghe qua đã gợi lên cái sắc cạnh của đá tai mèo, phần vì nghĩ, người làm ngân hàng cuối năm bận trăm thứ việc mà còn bứt ra đi được. Còn mình vốn đi và viết đã thành nghề. Chẳng lẽ…

Nhưng chưa lên xe đã được nghe đủ các lời cảnh báo. Nào là cua tay áo liên tục, xe đánh võng đến anh em còn hãi, chưa nói gì chị em, nào là mùa này ẩm ướt lên bản vắt nhiều khủng khiếp, nào là chân tay mặt mũi sẽ phồng rộp vì gió núi… Thôi thì đủ cái khó, cái khổ của miền biên viễn khiến chị em nào trong đoàn cũng vừa phập phồng, vừa âu lo.

Thế nhưng, nói vậy mà chẳng phải vậy. Đoàn công tác đi theo đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, mấy trăm cây số trải nhựa thênh thênh, hai bên đường vẫn còn nguyên cái phong vị miền núi thật êm đềm và thú vị. Cung đường từ Lào Cai đi Bắc Hà, qua Simacai cũng có vài khúc cua khuỷu tay thật, nhưng khi nghe tiếng hô “đến Xín Mần rồi”, ai nấy đều ngạc nhiên vì chẳng quá gian nan. Chỉ có điều cậu tài xế trẻ nhưng đã nhiều kinh nghiệm đồng rừng cảnh báo: “Từ đây lên bản mới nhọc các anh chị ạ…”.

Bản Díu - đích đến của đoàn công tác cách Xín Mần chừng gần 30 km, có lẽ khó khăn thiếu thốn lắm. Đồ chừng như vậy, bởi đang lang thang ngắm chợ chiều Xín Mần thì tôi nghe thấy giọng anh Nguyễn Đức Hưởng mua bán, trả giá nghe chừng náo nhiệt lắm. “Tải khoai này bao nhiêu tiền? Lấy thêm tải ngô nữa… Trên bản không có nước uống đâu, Mai Anh mua thêm nước mang lên…”. Chạy lại ngó thì cả mấy xe đã len đầy khoai, ngô, tỏi, gừng, rau, thịt, nước…, thậm chí cả dép lê, mũ len, khăn quàng, găng tay. Bất chợt liên tưởng đến hình ảnh Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank vẫn hay hùng biện ở các hội thảo, hội nghị hay ký hợp đồng cả trăm tỷ, ngàn tỷ mà tôi cứ tủm tỉm cười. Hóa ra vị doanh nhân này cũng đảm đang chuyện dưa cà mắm muối ra phết!

Tôi hỏi: “Anh mua làm gì mà nhiều thế, em thấy các bạn Phòng truyền thông chuẩn bị hết rồi mà?”. Anh Hưởng trả lời: “Bọn em không biết đó thôi, trên bản không có sẵn mọi thứ như dưới này. Với lại, anh không muốn lên đó, thấy thiếu cái nọ, cái kia rồi phải dùng đồ của bà con, nên cứ mang thêm”.

Xong công tác chuẩn bị, đoàn tiếp tục lên đường. Mới hơn 5h chiều, nhưng sương núi khiến trời tối đen. Tài xế nhiều kinh nghiệm mà xe vẫn phải bò mãi hơn 2 tiếng sau mới  đến bản. Bước chân ra khỏi xe, cái lạnh ùa vào cắt da, cắt thịt, dù ai cũng đã phòng bị đủ các loại khăn áo dầy cộp, đến mức có lỡ mà trượt ngã chắc phải nhờ người kéo lên!

Sau bữa ăn tối nhanh gọn, cả đoàn nhanh chóng tỏa đi các hướng, nhóm lên thăm các cháu tiểu học bán trú; nhóm vào nhà dân bản gói bánh gio; nhóm chuẩn bị cho đêm văn nghệ và lửa trại…

Tôi theo nhóm lên thăm các cháu tiểu học bán trú. Trường học đã được Nhà nước đầu tư xây dựng nên khá khang trang và sạch sẽ. Khoảng 40 em, hầu hết là người dân tộc thiểu số đang chăm chú học bài. Những khuôn mặt có khi còn nhem nhuốc, những bộ quần áo có khi còn vá víu, mỏng manh, nhưng cháu nào cũng có đôi mắt trong veo và đặc biệt là rất lễ phép. Nhận túi quà từ tay tôi, cháu gái Nông Thị Săng, người dân tộc La Chí cảm ơn rõ to vào bảo “Con sẽ cất đi để cuối tuần mang về đưa mẹ”…

Tết về bản ảnh 1

Đang vui với các cháu thì tiếng loa âm vang cả núi rừng tịch mịch, giục giã mọi người tập trung về sân khấu vừa dựng tạm. Những bài hát về bản làng, tình yêu con người, thiên nhiên vang lên rộn rã. Từ các vị khách LienVietPostBank, hay các chủ nhà huyện Xín Mần, Bản Díu hay các em thiếu nhi trường nội trú đều hào hứng tham gia các tiết mục văn nghệ. Gương mặt ai cũng ánh hồng lên bởi ngọn lửa trại ấm áp mới được nhen lên. Bao nhiêu mệt nhọc của chuyến đi dường như tan biến cả. Chúng tôi như được hòa mình vào cái thanh khiết, vô tư của núi rừng, của tình người, trong phút chốc bỏ lại những toan lo thường nhật, những guồng quay công việc vốn luôn ám ảnh…

Tết về bản ảnh 2

Hơn 11h, đêm liên hoan văn nghệ mới chấm dứt. Mấy dãy phòng học được trưng dụng thành nơi nghỉ ngơi hình như có gió lùa nên ai cũng lập cập, răng va vào nhau như đánh đàn. Trải chăn, mặc nguyên quần áo, chui người vào túi ngủ, cuốn phần chăn còn lại lên trên, tôi như con sâu cuộn tròn trong cái kén… Một giấc ngủ chập chờn với gió núi thổi lớt phớt qua mặt cuối cùng rồi cũng đến!

Sáng ngày tiếp theo, lịch trình vẫn dày đặc. Chúng tôi tỏa đi các trường tiểu học, mầm non và các gia đình nghèo, gia đình chính sách trong bản với quần áo, chăn màn, máy lọc nước… trên tay. Người dân nơi đây thật nghèo nhưng cũng thật tình cảm, họ trân trọng và nâng niu từng món đồ được tặng. Nhiều gia đình cứ giữ chúng tôi ở lại dùng cơm với gia đình vì “đường xa xôi thế mà các anh chị lên được đến đây là vui lắm rồi”. Nhìn những cháu bé có đứa còn đi chân đất, mắt sáng lên vì được choàng lên người manh áo mới mà ai  cũng đều rưng rưng. Đứa nào khi được hỏi cũng bảo sẽ mang quà về cho mẹ, cho em. Lại chợt nghĩ đến những đủ đầy của bọn trẻ nơi thành phố…

Cuối ngày, cả đoàn tập trung trước nhà văn hóa xã để xem biểu diễn Lễ hội Tết Khu Cù Tê - ngày tết đặc sắc của riêng người La Chí thông thường được tổ chức vào tháng 7 Âm lịch... Nhưng để chào mừng đoàn công tác lên bản dịp cuối năm này, mọi người ở đây quyết định tái hiện lại một cái tết Khu Cù Tê với đầy đủ các đặc trưng văn hóa của người dân La Chí.

Tết Khu Cù Tê là dịp người ở đây ăn tết to nhất (còn to hơn Tết Nguyên đán và tết mừng cơm mới), là dịp những người trong dòng họ gặp nhau, người đi xa về với gia đình, dòng tộc, ăn uống hàn huyên tâm sự. Tết Khu Cù Tê thể hiện đậm nhất những yếu tố văn hóa thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng nguyên thủy, coi vạn vật hữu linh của người La Chí.

Đặc biệt, hội tết có những màn hát đối rất thú vị làm người miền xuôi liên tưởng đến màn hát đối ở những canh quan họ Bắc Ninh… Có màn hát kể về câu chuyện tình dang dở khi người con trai hát dẫn lời: “Mỗi người một quê, chia tay nhau đã lâu lắm rồi bây giờ là dịp gặp lại, em còn nhớ anh không?”. Cô gái đáp: “Chia tay nhau em buồn lắm, có dịp Tết tháng 7 em ra thăm anh”… Lời bài hát nhẹ nhàng, chầm chậm, là câu chuyện về nỗi nhớ nhung, buồn khổ của những mối tình phải chia cắt… Đôi mắt đã mờ đục, nhìn xa xăm như đang hồi tưởng lại một thời tuổi trẻ, ông Sin Diu Kinh, thôn Cốc Tủm, xã Bản Díu chợt giật mình khi lời bài hát dừng: “Hôm nay mình thấy vui lắm. Có khách lên thăm, được tặng chăn ấm, lại được xem hội, được nghe hát là mình thấy Tết Khu Cù Tê rồi”.

Trong cái rộn ràng của hội tết vùng cao, chia sẻ với tôi, anh Hưởng bảo rằng, đây không phải là lần đầu tiên tổ chức những chuyến công tác xã hội như thế này. Những địa chỉ anh và LienVietPostBank hướng đến luôn là những vùng miền đặc biệt khó khăn. Dù tốn nhiều thời gian, công sức chuẩn bị trong khi công việc kinh doanh thường nhật rất bộn bề, nhưng đó là những khoảng lặng cần thiết để cân bằng lại những áp lực thương trường vốn rất phức tạp.

“Mỗi chuyến công tác xã hội, chúng tôi tâm niệm không chỉ cho đi mà được nhận lại rất nhiều. Đi và đến tiếp xúc với những cảnh đời, cảnh người, để bớt vô cảm hơn, có cái nhìn nhân văn hơn trong cả nghiệp kinh doanh lẫn cuộc sống. Mỗi niềm vui, niềm hạnh phúc trong ánh mắt người già, con trẻ ở những vùng khó khăn là động lực để chúng tôi tiếp tục thực hiện những chuyến công tác này”, anh Hưởng bảo.

Và tôi chắc rằng không chỉ vị Phó chủ tịch LienVietPostBank mới mang trong lòng suy nghĩ đó. Chuyến về xuôi của đoàn như lắng đọng hơn hôm xuất hành. Có lẽ ai cũng đều có những cảm xúc của riêng mình để suy tư, để nghĩ ngợi...

Về những điều tốt đẹp và ý nghĩa trong cuộc sống này! 

Tin bài liên quan