Kể từ khi xảy ra mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông, lợi nhuận của TH1 sa sút liên tục

Kể từ khi xảy ra mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông, lợi nhuận của TH1 sa sút liên tục

TH1 sa sút vì mâu thuẫn cổ đông

(ĐTCK) Mâu thuẫn nội bộ giữa các cổ đông lớn đã kéo lùi CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam (TH1), một thời nằm trong nhóm những DN xuất nhập khẩu tốt nhất miền Bắc.

ĐHCĐ 2013 của TH1 diễn ra rất nóng bỏng khi nhóm cổ đông lớn đại diện cho 34% cổ phần phủ quyết gần như toàn bộ các nội dung HĐQT đệ trình. Sau đó là những đơn từ khiếu kiện của nhóm cổ đông gửi tới cơ quan chức năng.

Trước đó, dư luận đã ồn ào với việc CTCK Bảo Việt thoái vốn tại TH1 và sự việc được đưa tới tận các thành viên Chính phủ. Năm 2014, nhóm cổ đông lớn chiếm 34% vốn nói trên chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác (trong đó có CTCK Phố  Wall, CTCP Đầu tư và thương mại xuất nhập khẩu HFC Việt Nam).

Những tưởng mọi việc đã êm xuôi, song nguồn tin của ĐTCK cho thấy, DN vẫn đang ở thế “khó thở” vì thiếu sự hợp tác, đồng thuận của các cổ đông. Hiện cơ cấu cổ đông của TH1 khá đặc biệt, cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước sở hữu 36,61% cổ phần.

Một nhà đầu tư cá nhân và CTCP Đầu tư và thương mại xuất nhập HFC Việt Nam sở hữu khoảng 37% cổ phần, còn lại là thành viên Ban điều hành TH1 và cổ đông bên ngoài, đa phần là cán bộ công nhân viên của Công ty.

Do thế cân bằng giữa các nhóm cổ đông, nên nhiều vấn đề quyết sách quan trọng của Công ty đều khó được thông qua khi không có sự đồng thuận của nhóm cổ đông lớn.

Theo kế hoạch của SCIC, năm 2015, tổng công ty này sẽ thoái vốn khỏi TH1. Việc thoái vốn được thực hiện theo trình tự các quy định của SCIC như đánh giá lại giá trị doanh nghiệp.

Thanh khoản TH1 trên thị trường khá thấp và thường xuyên không diễn ra giao dịch ở cổ phiếu này, bởi vậy SCIC cho rằng thị giá TH1 không phản ánh đúng giá trị thực của cổ phiếu. Được biết, có cổ đông lớn của TH1 đã quan tâm đặt vấn đề mua lại số cổ phần của SCIC nhưng không thống nhất được về giá.

Thực tế, tiềm năng cổ phiếu TH1 là rất lớn, bởi ngoài thế mạnh và kinh nghiệm về lĩnh vực chính là xuất nhập khẩu, Công ty còn có quỹ đất rất lớn tại Hà Nội, TP. HCM có thể chuyển đổi thành các dự án bất động sản.

Bên cạnh đó, Công ty đang tham gia liên doanh sở hữu tòa nhà 59 Quang Trung, hàng năm mang lại nguồn lợi nhuận lớn và ổn định cho doanh nghiệp.

Theo dự kiến của TH1, Công ty sẽ họp ĐHCĐ thường niên 2015 vào ngày 27/5/2015. Tuy nhiên, HĐQT Công ty đã thông báo, do chưa hoàn tất chuẩn bị tài liệu, đồng thời nhằm chuẩn bị chu đáo hơn nữa những nội dung họp ĐHCĐ thường niên 2015 nên đã  xin tạm hoãn Đại hội.

Thời gian họp Công ty sẽ công bố sau. Giới quan sát lại cho rằng, lý do hoãn họp ĐHCĐ có thể xuất phát từ những thay đổi về cơ cấu cổ đông (có thể có tới đây).

Động thái mới nhất là việc, TH1 đã nhận được hồ sơ đăng ký chào mua công khai cổ phiếu từ ông Nguyễn Đăng Trường vào ngày 22/05/2015.

Theo đó, ông Trường đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu TH1, tương ứng tỷ lệ 39,7% số lượng cổ phiếu TH1 đang lưu hành với mức giá chào mua dự kiến là 25.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi, kết thúc phiên giao dịch ngày 26/5, TH1 có giá đóng cửa 18.900 đồng/CP (thời điểm công bố thông tin chào mua công khai). Ngay sau khi có thông tin về việc chào mua công khai cổ phiếu TH1, mã chứng khoán này đã liên tục tăng trần.

Tổng số tiền mà ông Trường dự kiến bỏ ra để sở hữu 39,7% cổ phần TH1 là 125 tỷ đồng. Mục đích của việc chào mua được nhà đầu tư đưa ra là nhằm đầu tư tài chính, kỳ vọng vào khả năng phát triển của Công ty.

Thời gian chào mua và thời hạn dự kiến hoàn tất việc chào mua: Không ngắn hơn 30 ngày và không dài quá 60 ngày kể từ khi được UBCK chấp thuận.

Kể từ khi xảy ra những vấn đề về mâu thuẫn cổ đông, hoạt động kinh doanh của TH1 đã sa sút. Năm 2012, lợi nhuận của Công ty chỉ đạt 11 tỷ đồng, thấp hơn 49% so với kế hoạch. Năm 2013, Công ty đạt 7,3 tỷ đồng lợi nhuận, bằng 35% kế hoạch năm.

Năm 2014, Công ty đạt  4,1 tỷ đồng lợi nhuận. Đến quý I/2015, lợi nhuận của TH1 chỉ đạt 1,3 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ 2014. Theo giải trình của lãnh đạo Công ty là do chi phí tài chính, chi phí khác tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, tỷ giá điều chỉnh đã làm lãi vay của Công ty tăng mạnh hơn. 

Tin bài liên quan