Ông Nguyễn Duy Hưng.

Ông Nguyễn Duy Hưng.

Thách thức phía trước

(ĐTCK) Việc chính phủ nhiều nước có các hành động can thiệp vào nền kinh tế để chặn đà suy giảm đang tạo nên hy vọng về khả năng sớm tăng trưởng trở lại của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch CTCK Sài Gòn lại cho rằng, khó khăn nhất có thể đã qua, nhưng thách thức trong việc tìm lại đường hướng để phát triển còn ở phía trước. TTCK tăng nóng vượt quá xa so với sự chuyển động chung của nền kinh tế là biểu hiện của sự không bền vững. Nhiều NĐT dường như đang bước vào sai lầm của quá khứ khi tham vọng về thị trường biến đổi quá nhanh…

Như ông từng nói, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay chỉ có thể so sánh với cuộc khủng hoảng đã từng xảy ra vào những năm 30, nghĩa là sẽ cần rất nhiều thời gian mới có thể phục hồi. Vậy quan điểm của ông về sự phục hồi hiện như thế nào trước việc chính phủ nhiều nước đưa ra những gói hỗ trợ lớn để cứu nền kinh tế?

Sau rất nhiều nhận định bi quan, gần đây, trên các diễn đàn bắt đầu thấy xuất hiện những nhận định lạc quan về sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Theo tôi điều này có 2 lý do. Thứ nhất, đó là nhờ sự phát triển vượt trội về công nghệ thông tin, khiến nhịp sống của cả thế giới lúc này nhanh hơn khoảng 5 - 6 lần những năm 30. Thứ hai, sự hợp tác của các quốc gia trong việc chặn đà suy giảm đã mang đến những hy vọng nhất định. Tuy nhiên, chính sự can thiệp này đã và đang phá vỡ một số cấu trúc thị trường mà trước đây người ta cho là nền tảng của sự phát triển, điển hình là lý thuyết về nền kinh tế thị trường. Vào lúc này, người ta có thể hy vọng rằng những gì tồi tệ nhất đã qua, nhưng điều đó không có nghĩa nền kinh tế sẽ tốt đẹp, vì khó khăn còn rất nhiều, đặc biệt trong việc tìm lại đường hướng để phát triển, sản phẩm để phát triển. Theo tôi, sự can thiệp của chính phủ nhiều nước có thể chặn được đà suy giảm mạnh, nhưng can thiệp xong rồi, bài toán làm thế nào để phát triển tiếp không phải là dễ, nếu không muốn nói là rất khó.

Đối diện với khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, Chính phủ Việt Nam cũng đã và đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn đà suy giảm. Vậy ông đã nhìn thấy sự phục hồi trở lại của nền kinh tế hay chưa?

Có rất nhiều cách để đánh giá mức độ phục hồi/tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng tôi ấn tượng với cách nhìn của Alan Greenspan. Ngoài các báo cáo, các con số tài chính, ông dựa vào số thùng cattong được tiêu thụ trong kỳ. Nếu số thùng cattong được tiêu thụ gia tăng sẽ là chỉ báo cho thấy nền kinh tế đang phục hồi/tăng trưởng và ngược lại. Tại Việt Nam, cũng theo hướng đó, tôi nhìn thấy đâu đấy có dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế qua việc gia tăng dòng xe container trên đường Sài Gòn - Thủ Đức. Số xe này chạy nhiều hơn dường như là dấu hiệu của sự phục hồi.

Theo tôi, giai đoạn khó khăn nhất khi chỉ số lạm phát tăng phi mã và khi dòng vốn nước ngoài ồ ạt rút ra khỏi Việt Nam đã qua, nhưng nền kinh tế VN sẽ chưa thể phục hồi và tăng trưởng ngay được. Chúng ta cần nhớ rằng, GDP thực sự và GDP công bố là khác nhau. GDP thực sự giảm rất nhiều, nhưng không thể thống kê được. Nhìn nền kinh tế Việt Nam sẽ thấy, xuất khẩu đang suy giảm; dòng vốn nước ngoài chưa có dấu hiệu quay trở lại; dự trữ ngoại tệ chưa dồi dào, tính hiệu quả của các dự án đầu tư còn thấp… Rõ ràng, VN còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, duy trì tăng trưởng dương là bài toán khó. Tuy nhiên, tôi tin rằng, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên phục hồi nền kinh tế, nhưng mức độ phục hồi, cũng như tăng trưởng sẽ thấp hơn các năm trước.

Kỳ vọng vào sự phục hồi sớm, giá cổ phiếu cũng như chỉ số chứng khoán tại Việt Nam nhiều phiên gần đây liên tiếp tăng trần, ông nghĩ gì về hiện tượng này?

Cách đây chưa lâu TTCK Việt Nam đã sụt giảm rất mạnh, khiến chỉ số chứng khoán rơi từ mức trên 1.000 điểm xuống còn hơn 200 điểm. Khi TTCK giảm mạnh, nhiều người có tâm lý đón đáy, nên khi VN-Index rơi gần đến 200 điểm, dòng tiền đổ vào thị trường tăng rất nhanh. Mặt khác, việc nới lỏng tín dụng thông qua việc nhiều ngân hàng cho vay mua chứng khoán cũng là một tác động đẩy dòng tiền chảy nhanh vào chứng khoán. Nhưng TTCK tăng gần 40% trong 1 tháng qua khi GDP quý I chỉ đạt 3,1% đang cho thấy một sự phấn khích thái quá và ẩn chứa sự không bền vững. TTCK tăng khi mà tất cả các mã cổ phiếu đều tăng là một mối lo ngại mà trước đây chúng ta đã mắc phải. Trên thị trường có những công ty tốt có giá hợp lý, nhưng cũng có nhiều công ty không còn tốt nữa và giá cổ phiếu không hợp lý. Thực tế, nhiều quỹ đầu tư, công ty đầu tư, NĐT tổ chức… đang đầu tư theo kiểu mạo hiểm làm thị trường trồi sụt rất mạnh. Theo tôi, nếu tình trạng TTCK tăng nóng như hiện nay còn duy trì thì rất gần thôi, sẽ xảy ra sự đảo chiều.

Vậy ông có lời khuyên gì với NĐT lúc này?

Một là hãy nhìn lại quá khứ, có lúc VN-Index đã lên trên 1.000 điểm và khi đó NĐT vẫn không thoả mãn. Tham vọng  của con người biến đổi rất nhanh, cách đây 1 tháng, ai cũng mong (nghĩ) rằng những con số của ngày hôm nay nếu xảy ra vào cuối năm sẽ rất vui, nhưng nay, khi đạt được rồi thì lại muốn tăng hơn nữa. Tuy nhiên, bài học quá khứ cho thấy rằng, khi VN-Index rơi xuống 200 điểm, rất nhiều NĐT đã mất tiền và nhiều DN phải đối diện với thua lỗ, thậm chí phá sản.

Hai là, NĐT phải cân đối được nguồn tiền của mình để chọn lựa cơ hội phù hợp. TTCK có nhiều loại cổ phiếu, có những loại tốt, nhưng có nhiều loại giá thấp mà vẫn quá đắt. Việc đưa ra một tiêu chí cụ thể để làm căn cứ đầu tư chung cho mọi người là rất khó, vì mức độ chấp nhận rủi ro cũng như kỳ vọng của mỗi người là khác nhau. Lời khuyên chung của tôi là hãy chọn mua cổ phiếu của những DN thực sự minh bạch; chọn DN có giá trị sổ sách so với thị giá có một khoảng cách tương đối lớn và hãy chọn DN có khả năng tồn tại và phát triển ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng. Điều cần nhất là đừng chỉ cân nhắc về thời điểm, mà còn cần cân nhắc cả về giá mua. Tôi muốn mượn lời của Warrent Buffett để nói rằng: "phải biết sợ hãi khi thị trường tham lam".