Việc đầu tư lớn cho hạ tầng truyền tải quyết định thành công của các dự án năng lượng tái tạo.

Việc đầu tư lớn cho hạ tầng truyền tải quyết định thành công của các dự án năng lượng tái tạo.

Thách thức vốn “xanh”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quy hoạch điện VIII của Việt Nam đòi hỏi năng lực huy động vốn không chỉ từ hệ thống ngân hàng mà phải từ thị trường chứng khoán trong nước và thị trường vốn quốc tế.

Nhu cầu vốn lớn cho chuyển đổi năng lượng

Trong Báo cáo đánh giá khả năng vay vốn của các dự án năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện VIII, do FiinRating kết hợp với Indochine Counsel thực hiện, có đề cập, Quy hoạch điện VIII đã vạch ra một kế hoạch đầy tham vọng, với quy mô đầu tư khoảng 135 tỷ USD vào ngành điện trong giai đoạn 2021 - 2030. Con số này tương đương khoảng 33% GDP hiện tại của Việt Nam và thể hiện cam kết của Việt Nam trong tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng điện và gia tăng công suất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng.

Trong tổng số vốn trên, khoảng 119,8 tỷ USD được phân bổ cho các dự án phát điện, tập trung vào phát triển nguồn gió và LNG; 14,9 tỷ USD được dành cho các khoản đầu tư vào lưới truyền tải điện. Báo cáo thẳng thắn chỉ rõ, việc cấp vốn cho các dự án điện đòi hỏi nguồn vốn lớn, dài hạn và đây là thách thức với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Cụ thể, khoản đầu tư 135 tỷ USD trong 10 năm tới sẽ chuyển thành con số giải ngân khoảng 13,5 tỷ USD hàng năm.

“Tính đến ngày 30/6/2022, dư nợ tín dụng cho năng lượng tái tạo là khoảng 212.000 tỷ đồng (cỡ 9 tỷ USD), tương đương 2,2% GDP, trong khi kế hoạch đầu tư hàng năm là cỡ 3,3% GDP hiện tại và kéo dài trong 10 năm tới. Vì vậy, nếu chỉ dựa vào tín dụng ngân hàng là không đủ, do những hạn chế nhất định”, Báo cáo nhận xét.

Vì vậy, với quy mô và phạm vi của Quy hoạch điện VIII, cần có các nguồn vốn dài hạn khác, bao gồm thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường cổ phiếu trong nước và thị trường nợ quốc tế.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, Việt Nam phải đa dạng hóa các nguồn vốn ngoài tín dụng ngân hàng để thực hiện các mục tiêu trong Quy hoạch điện VIII. Theo đó, trái phiếu doanh nghiệp và đầu tư tín dụng tư nhân từ các nhà đầu tư phi ngân hàng của thị trường trong nước và quốc tế nên là nguồn vốn chính cho kế hoạch đầy tham vọng này.

Thực tế, trong nửa đầu năm 2023, Việt Nam đã thực hiện các bước để thu hút vốn nước ngoài, đặc biệt là thông qua Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP). Theo đó, JETP đặt mục tiêu đảm bảo khoản tài chính công và tư nhân ban đầu trị giá 15,5 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang năng lượng xanh. Tuy nhiên, số vốn này được cho là “tương đối khiêm tốn so với quy mô và phạm vi rộng lớn của Quy hoạch điện VIII”.

Tiếp cận vốn xanh đòi hỏi tầm nhìn xa

Để tiếp cận các nguồn trái phiếu xanh, hoặc được tài trợ, tái cấp vốn cho các dự án có tác động tích cực tới môi trường, các dự án cần phải đáp ứng các tiêu chí liên quan đến mục tiêu, tiêu chuẩn xanh, báo cáo minh bạch và đánh giá độc lập.

Một số doanh nghiệp niêm yết đầu tư điện năng lượng tái tạo đã tiếp cận được nguồn vốn xanh từ các ngân hàng và định chế tài chính nước ngoài, đảm bảo cho năng lực tài chính bền vững. Chẳng hạn, Tập đoàn Bamboo Capital trong quý II/2023 đã nhận khoản vay trị giá 100 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS Bank). Đây là nguồn vốn cấp cho các dự án năng lượng tái tạo đã đi vào vận hành của Tập đoàn, với lãi suất thấp hơn đáng kể so với các khoản vay trong nước.

Trước đó, ngày 30/3/2023, Công ty cổ phần BCG- SP Solar 1, công ty con của BGG - SP Greensky (công ty liên doanh giữa Tập đoàn SP Group (Singapore) và BCG Energy (Việt Nam) đã nhận được khoản giải ngân 31,5 triệu USD trong gói tín dụng lên đến 50 triệu USD của DBS Bank. Khoản vay hợp vốn 31,5 triệu USD mà DBS Bank giải ngân cho BCG - SP Solar 1 được dùng để tài trợ các dự án điện mặt trời áp mái. BCG - SP Solar 1 và DBS Bank đang tiếp tục thương thảo để giải ngân phần còn lại của gói vốn 50 triệu USD này.

Đại diện BCG Energy cho biết, với lãi suất tốt cùng kỳ hạn phù hợp hơn với các dự án năng lượng mặt trời áp mái, khoản vay hợp vốn sẽ giúp liên doanh củng cố cơ cấu tài chính, hạ khung lãi suất đầu tư xuống đáng kể.

Dù vậy, việc tiếp cận nguồn vốn xanh phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, có lộ trình ngay từ khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. Đặc biệt, nhà đầu tư phải có 30% vốn đối ứng, thay vì đi vay toàn bộ như nhiều doanh nghiệp đầu tư điện tái tạo của Việt Nam đã thực hiện lâu nay. Các quy chuẩn về thiết bị, công nghệ áp dụng trong dự án cũng phải có đàm phán với bên cho vay ngay từ đầu.

Thông thường, ở giai đoạn ban đầu, các doanh nghiệp sẽ vay vốn tín dụng, trái phiếu trong nước, với lãi suất cao hơn đáng kể nhưng thủ tục tiếp cận dễ dàng. Khi dự án ký được hợp đồng bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và vận hành tốt trong thời gian nhất định, ngân hàng nước ngoài sẽ ký kết hợp đồng cho vay với nhiều điều khoản ưu đãi, thời gian cho vay dài hơn nhiều so với các khoản vay trong nước.

Chẳng hạn, hồi năm 2021, cụm dự án điện gió tại Quảng Trị, với tổng công suất 144 MW, gồm 3 dự án Liên Lập, Phong Huy, Phong Nguyên của Công ty cổ phần Xây lắp điện 1 (PC1) và đối tác nhận được khoản vay hợp vốn của ba bên, bao gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Tài trợ xuất khẩu Úc (EFA) trị giá 32 triệu USD có thời hạn lên tới 14 năm, lãi suất tốt. Nhờ được trả dần gốc vay trong 14 năm nên dù tỷ giá có biến động mạnh cũng ít ảnh hưởng đến dòng tiền hiện tại của PC1.

Thách thức phía trước

Những biến cố bất ngờ từ môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế đã khiến nhiều doanh nghiệp đầu tư năng lượng phụ thuộc vào nguồn tín dụng ngắn hạn, lãi suất cao khó khăn. Finn Ratings nhận xét, nhiều nhà phát triển năng lượng tái tạo đã gặp vấn đề về tài chính không phù hợp, vì các dự án của họ trước đây được tài trợ bởi các khoản vay trung và dài hạn từ các ngân hàng địa phương, vốn đã đáo hạn gần đây. Ngoài ra, kỳ hạn trái phiếu thường là 4 - 5 năm, trong khi thời gian hoàn vốn của dự án khoảng 10 - 15 năm, tùy thuộc dự án điện mặt trời hay điện gió.

Điều này dẫn tới thực tế, các nhà đầu tư có thể phải đối mặt với áp lực từ việc trái phiếu sắp đáo hạn, bất chấp những nỗ lực tái cơ cấu nợ đang diễn ra. Cũng đã xuất hiện tình trạng việc hoàn trả trái phiếu bị trì hoãn và gia hạn thời hạn trái phiếu.

Báo cáo của Finn đưa ra một vài dữ liệu cho thấy, từ ngày 4/5/2023, ước tính có gần 10,96% trái phiếu năng lượng chưa thanh toán hiện tại đã bị vỡ nợ, chủ yếu bao gồm các nhà phát triển năng lượng tái tạo quy mô lớn. Dù tỷ lệ này được cho là nhỏ hơn so với tình trạng vỡ nợ trong lĩnh vực bất động sản nhưng cũng dấy lên hồi chuông báo động với cả ngành năng lượng.

Bởi thế, trong việc triển khai các dự án năng lượng tới đây, bài toán cấu trúc nguồn vốn được các nhà đầu tư coi trọng hơn hết. Việc gọi vốn vay nước ngoài, trong đó có tín dụng xanh trở nên cấp thiết hơn khi các nguồn vốn trong nước hạn hẹp, kỳ hạn ngắn và đắt đỏ hơn.

Tuy nhiên, thách thức là không hề nhỏ vì các dự án năng lượng đòi hỏi nguồn vốn lớn, bài toán tài chính thường đi kèm với lộ trình chính sách ổn định. Đây là điều chưa dễ thực hiện ở Việt Nam. FiinRating nhận xét, Quy hoạch Điện VIII không đưa ra hướng dẫn cụ thể về cơ chế định giá cho các dự án sắp tới, việc thiếu cơ chế định giá minh bạch có thể khiến nhà đầu tư khó đánh giá khả năng tài chính của doanh nghiệp để cho vay.

Theo thống kê, Việt Nam là một trong những quốc gia đang thu hút nhiều nguồn vốn xanh từ quốc tế. Chỉ trong hai năm 2021 - 2022, đã có hơn 7 tỷ USD vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam, phần lớn trong đó là dành cấp cho các dự án xanh nhằm giảm thiểu tác hại với môi trường và hạn chế phát thải. Số lượng tổ chức nước ngoài cấp vốn cho tín dụng xanh ở Việt Nam đã tăng gấp 2,5 lần so với những năm trước đó. Tuy nhiên, các tổ chức nước ngoài thường chọn giải ngân qua các ngân hàng trong nước, nên nguồn vốn quốc tế chỉ có lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 1%/năm so với thông thường.

Nhìn rộng hơn về tín dụng xanh trên quy mô cả nền kinh tế, trong giai đoạn 2017 - 2021, dư nợ cấp tín dụng xanh tại Việt Nam có mức tăng trưởng bình quân hơn 25%/năm. Tính đến ngày 31/12/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 500.000 tỷ đồng, tăng 12,96% so với cuối năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Tuy nhiên, giải ngân vốn xanh vẫn còn khá khiêm tốn, mới chiếm 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Bà Bùi Thúy Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Các tổ chức tín dụng trong nước chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để phát triển và triển khai cho vay chương trình tín dụng xanh”. Dù vậy, ghi nhận từ thị trường cho thấy, bên cạnh đáp ứng các quy định ngặt nghèo của bên cho vay, các doanh nghiệp và ngân hàng Việt Nam vẫn chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh.

Tin bài liên quan