Thẩm định pháp lý trong cho vay, ngân hàng đang coi nhẹ

Thẩm định pháp lý trong cho vay, ngân hàng đang coi nhẹ

(ĐTCK) Để bảo đảm đồng tiền rời khỏi két nhà băng rồi lại trở về từ những khoản vay, ngân hàng luôn chú trọng đến khâu thẩm định rủi ro tín dụng. Rủi ro về phương án kinh doanh, rủi ro trong kế hoạch trả nợ, về giá trị tài sản bảo đảm, năng lực tài chính khách hàng… đều được ngân hàng quy trình hóa việc thẩm định. Nhưng có một thứ rủi ro chưa được nhiều ngân hàng Việt Nam chú trọng thiết lập quy trình thẩm định: Rủi ro pháp lý trong cho vay.

Cách thẩm định “sơ sài”

Ai là đại diện hợp pháp của doanh nghiệp để ký kết hồ sơ tài liệu? Khoản vay cần phải được cấp thẩm quyền nào của doanh nghiệp phê duyệt theo luật định? Tính chất khoản vay có phù hợp với chức năng kinh doanh về mặt pháp lý của khách hàng? Dự án kinh doanh, giao dịch kinh doanh sử dụng vốn tín dụng có đảm bảo điều kiện pháp lý?…

Đó là một số vấn đề trong hàng loạt vấn đề tiềm ẩn rủi ro pháp lý liên quan đến hoạt động cho vay của các ngân hàng Việt Nam. Các rủi ro pháp lý này đang được các ngân hàng tiến hành ra sao? Hầu hết đều đẩy về các đơn vị kinh doanh tự thẩm định.

Việc thẩm định các vấn đề pháp lý mà đơn vị kinh doanh tiến hành hầu như chỉ là quá trình tiếp nhận hồ sơ từ khách hàng. Ngân hàng nào cũng có một quy trình chung hướng dẫn cách xác định các yếu tố pháp lý của khách hàng qua danh mục các hồ sơ pháp lý yêu cầu cung cấp như: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu, nghị quyết của hội đồng quản trị, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… 

Khoản vay thuộc thẩm quyền phán quyết của đơn vị kinh doanh (chi nhánh, phòng giao dịch...), thì thực tế rủi ro pháp lý ra sao do chính đơn vị kinh doanh tự thẩm định. Nếu khoản vay vượt quyền phán quyết của đơn vị kinh doanh, phải trình lên hội đồng tín dụng, ủy ban tín dụng hội sở chính ngân hàng, thì việc thẩm định thường chỉ tập trung vào các rủi ro tín dụng. Một số trường hợp bất thường, hồ sơ khoản vay mới được tham vấn ý kiến của bộ phận pháp chế nội bộ theo yêu cầu của cấp phê duyệt.

Như vậy, thực tế nơi đang nắm trọng trách thẩm định rủi ro pháp lý của khách hàng lại chính là các đơn vị kinh doanh.

Rủi ro pháp lý mức độ ra sao?

Thực tế với quy trình thẩm định như vậy, không khác nào sự kiểm soát rủi ro pháp lý đang bị bỏ ngỏ tại nhiều ngân hàng. Cán bộ tín dụng có thể rất nhạy bén về những yếu tố tài chính, về khả năng nhận biết rủi ro tín dụng từ khách hàng. Tuy nhiên, việc đòi hỏi khả năng phân tích, nhận định rủi ro pháp lý trong một hồ sơ vay vốn đối với họ bị giới hạn bởi kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn pháp lý. Dù sao, trước rủi ro pháp lý, thì cán bộ tín dụng cũng chỉ là “amateur”.

Trong khi đó, ngân hàng cũng không thể đòi hỏi bộ phận pháp chế của mình, với một lực lượng không nhiều nhân sự, phải thẩm định rủi ro pháp lý cho mọi khoản vay phát sinh hàng ngày trên toàn hệ thống.

Nhưng nếu bỏ ngỏ khâu thẩm định rủi ro pháp lý khoản vay như hiện nay, thực tế đã chứng minh có muôn vàn tình huống mà hậu quả tín dụng phát sinh từ rủi ro pháp lý. Đơn cử một ví dụ: Khoản vay của khách hàng doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, có hội đồng thành viên. Chi nhánh một ngân hàng khi cho vay yêu cầu khách hàng cung cấp hồ sơ pháp lý theo quy trình chung để thẩm định.

Do khoản vay có giá trị đến nghìn tỷ đồng và nhận thấy cấp cao nhất của công ty này là hội đồng thành viên, nên theo tiền lệ chi nhánh yêu cầu khách hàng cung cấp nghị quyết Hội đồng thành viên thông qua khoản vay.

Sau này, phía khách hàng cho rằng, hợp đồng tín dụng vô hiệu vì chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt của khách hàng thông qua. Bởi theo Luật Doanh nghiệp, cấp có thẩm quyền thông qua giao dịch tín dụng của một công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty mẹ chứ không phải hội đồng thành viên. Vậy là cách thẩm định pháp lý theo tiền lệ của chi nhánh đã khiến hợp đồng tín dụng bị vô hiệu, ngân hàng mất cả trăm tỷ đồng tiền lãi.

Vậy các ngân hàng cần ứng phó ra sao với thực tiễn này? Hãy nhìn vào cách thức thẩm định pháp lý mà nhiều ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam đang triển khai.

Luôn có một định mức xác định các khoản vay có giá trị lớn để từ đó việc thẩm định rủi ro pháp lý là bắt buộc. Kết quả đánh giá các vấn đề rủi ro pháp lý về doanh nghiệp, pháp lý điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp, pháp lý về sở hữu, ủy quyền… bắt buộc phải có từ bộ phận pháp chế ngân hàng hoặc luật sư khi khoản vay được xác định có giá trị lớn.

Sự bài bản trong khâu thẩm định rủi ro pháp lý này không ngẫu nhiên hình thành với các ngân hàng ngoại và đã đến lúc các ngân hàng nội không thể xem thường. 

Tin bài liên quan