Thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ giảm mạnh trong quý III/2007

Bộ Thương mại Mỹ cho biết, trong quý III/07, thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này đã giảm mạnh hơn dự kiến xuống 178,5 tỷ USD, so với mức tương ứng 188,9 tỷ USD trong quý II/07; thâm hụt cán cân thanh toán cũng giảm từ 5,5% GDP trong quý II/07 xuống khoảng 5,1% GDP, mức thấp nhất kể từ quý I/04.

Trong khi đó, một cuộc điều tra của Chính phủ Mỹ cho thấy thâm hụt thương mại của nước này trong quý III/07 đã giảm xuống 173,2 tỷ USD, so với mức tương ứng 178,4 tỷ USD trong quý trước đó. Theo nhà kinh tế Nigel Gault của Global Insight, sự kết hợp giữa mức tăng nhu cầu ở Mỹ chậm lại, các nền kinh tế nước ngoài tăng trưởng mạnh và đồng USD giảm giá đã góp phần làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.

Lĩnh vực dịch vụ của Mỹ trong quý III/07 đạt thặng dư 26,5 tỷ USD, so với mức 25,8 tỷ USD trong quý trước đó, góp phần cải thiện tình trạng thâm hụt thương mại. Ngoài ra, một nhân tố khác giúp Mỹ đạt được kết quả trên là hoạt động khởi sắc của ngành du lịch Mỹ, thu hút nhiều du khách quốc tế hơn nhờ đồng USD yếu đi.

Mỹ là quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới và phải nhập khẩu phần lớn nhu cầu dầu thô để duy trì nhịp độ phát triển kinh tế trong nước. Bội thu ngân sách của Mỹ đã tăng lên 20,5 tỷ USD trong quý III/07, so với 12,7 tỷ USD trong quý II/07, khi mà thu nhập của người lao động Mỹ gia tăng nhờ giá trị tài sản nước ngoài của họ được cải thiện.

Trong Báo cáo Tài chính của Chính phủ Mỹ năm 2007, Bộ Tài chính Mỹ cho biết thâm hụt ngân sách của Mỹ trong tài khóa 2007 (kết thúc vào ngày 30/9/07) dự kiến sẽ lên tới 275,5 tỷ USD, tăng 69% so với mức 162,8 tỷ USD thông báo cách đây 2 tháng nếu chính phủ nước này sử dụng các phương thức kế toán tương tự như các công ty tư nhân.