Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và thị trường chứng khoán đang bị tác động bởi nhiều yếu tố cả trong và ngoài nước.

Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và thị trường chứng khoán đang bị tác động bởi nhiều yếu tố cả trong và ngoài nước.

Thận trọng với những biến số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cái khó đối với doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán hiện nay là vẫn có những điểm mờ khi dự báo về rủi ro của lạm phát, tỷ giá, lãi suất trong thời gian tới.

Áp lực có thể kéo dài

Mặc dù giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán giảm mạnh, nhưng lần này gần như không có lệnh mua vào của cổ đông nội bộ, cổ đông là lãnh đạo doanh nghiệp như các lần trước, cụ thể là như khi giá cổ phiếu sụt giảm vì Covid-19 sau thời điểm tháng 3/2020. Hãn hữu thị trường ghi nhận Tổng giám đốc HDBank đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu vào tuần trước.

Một trong những lý do của tình trạng trên là các doanh nghiệp chưa tiên lượng được hết các rủi ro tác động đến hoạt động doanh nghiệp cũng như lợi nhuận trong thời gian tới như thế nào.

Vấn đề đáng lo ngại là lạm phát cao có khả năng kéo dài, khiến ngân hàng trung ương nhiều nước dự kiến tiếp tục nâng lãi suất và qua đó bỏ ngỏ câu trả lời việc tăng lãi suất trong bao lâu. Diễn biến này gây áp lực lớn lên tỷ giá hối đoái, đồng USD tiếp tục tăng giá mạnh. Tổng hoà các yếu tố này đều ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và thị trường chứng khoán.

Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Trưởng ban Chiến lược, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, lãi suất tại Mỹ và giá USD dự báo duy trì ở mức cao sẽ là rào cản đối với dòng vốn đầu tư gián tiếp vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Vốn ngoại có khả năng rút ròng, tìm đến các loại tài sản an toàn như trái phiếu chính phủ Mỹ.

Rủi ro suy thoái kinh tế thế giới ngày càng tăng, đồng thời xác suất của các vụ vỡ nợ lớn đang trở thành “bóng ma” đe dọa thị trường tài chính toàn cầu. Ngoài ra, cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn chưa có hồi kết cũng là yếu tố sẽ chi phối diễn biến trên thị trường chứng khoán.

Trong nước, tăng trưởng cung tiền nhìn chung đang chậm hơn so với tăng trưởng tín dụng, tiền đồng vẫn đang bị rút ròng trên kênh thị trường mở (OMO) và Ngân hàng Nhà nước có động thái bán USD. Mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng, khi mà không gian chính sách tiền tệ khá hạn hẹp trước các biến động khó lường từ thế giới.

Đồng thời, thị trường cũng bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi Nghị định 65/2022/NĐ-CP có quy định chặt chẽ hơn về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân, khiến doanh nghiệp lại phụ thuộc phần lớn vào kênh tín dụng ngân hàng.

Theo đó, VDSC nhận định, lãi suất cho vay ở những lĩnh vực có rủi ro cao sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã tăng 1% các loại lãi suất điều hành, nhưng với diễn tiến hiện tại từ thế giới, chính sách tiền tệ của cơ quan này dự kiến sẽ theo hướng chặt chẽ và thận trọng.

Tại Hội nghị nhà đầu tư 2022 tổ chức cuối tuần qua, chuyên gia của Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital cho rằng, với lãi suất tiết kiệm tăng 0,5 - 1%/năm, người dân gửi tiền vào ngân hàng có thể hưởng lãi 6 - 8%/năm, lãi suất thực dương khá cao (trong khi gửi tiết kiệm ở Mỹ, EU đang không có lãi do lạm phát ở vùng đỉnh nhiều năm).

Lãi suất cho vay không thay đổi nhiều, nhưng nếu ngành ngân hàng có thêm các đợt tăng lãi suất theo xu hướng trên thế giới thì sẽ làm tăng áp lực chi phí cho các doanh nghiệp.

Lợi nhuận doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng

Vấn đề lạm phát cao khiến các ngân hàng trung ương đưa ra chính sách tiền tệ thắt chặt có ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường chứng khoán, vì làm tăng chi phí vốn của doanh nghiệp đi vay, làm giảm lợi nhuận, từ đó làm tăng mức chiết khấu khi định giá cổ phiếu.

Vậy lãi suất đang tăng lên có quá sức chịu đựng của doanh nghiệp?

Bà Nguyễn Hoài Thu, thành viên Hội đồng quản trị VinaCapital chia sẻ, khi gặp gỡ các ngân hàng lớn, họ có nhắc đến chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước theo hướng không nên tăng lãi suất cho vay.

“Định hướng này phần nào giúp ổn định lãi suất cho vay. Điểm đáng mừng cho thị trường Việt Nam là tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp niêm yết không quá cao, bình quân ở mức 0,4 lần là khá lành mạnh. Vậy nếu lãi suất tăng 1 - 2%/năm thì các doanh nghiệp không bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, bà Thu nói.

Trước đà tăng của lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và sức ép về thanh khoản, tỷ giá trong nước hiện nay, để duy trì mức chênh lệch lãi suất dương, ông Phạm Vũ Thăng Long, Giám đốc Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Việt Nam đã tăng lên trên 4,5%, từ mức dưới 2% cuối năm ngoái và bằng mức trước đại dịch Covid-19 năm 2018, 2019.

Mặt bằng lãi suất tại Việt Nam đã tăng lên bằng mức trước đại dịch, nhưng vẫn còn có khả năng tăng thêm, tùy thuộc vào chu kỳ thắt chặt tiền tệ trong nước và trên thế giới kéo dài bao lâu. Tại Mỹ, Fed có khả năng sẽ nâng lãi suất lên 4,5%/năm và duy trì ở mức cao trong năm 2023 (dựa trên kỳ vọng của nhà đầu tư thể hiện qua hợp đồng tương lai lãi suất).

Khi lãi suất vay vốn tăng, các doanh nghiệp có nợ ròng (nợ vay lớn hơn tiền mặt và các khoản tương đương tiền) sẽ phải trả chi phí lãi vay nhiều hơn, trong khi các doanh nghiệp có tiền mặt ròng (tiền và các khoản tương đương tiền lớn hơn nợ vay) và dòng tiền ổn định có thể được hưởng lợi, vì lãi suất tiền gửi cũng tăng.

Lãi suất tăng cũng sẽ tác động đến định giá doanh nghiệp, vì lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm thường được sử dụng làm lãi suất tham chiếu phi rủi ro để tính lãi suất chiết khấu trong các mô hình định giá cổ phiếu. Lãi suất phi rủi ro tăng lên làm lãi suất chiết khấu tăng theo, dẫn đến định giá cổ phiếu giảm.

Dự báo, năm 2023, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ giảm đáng kể so với năm 2022.

HSC dự báo, năm 2023, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ giảm đáng kể, khiến tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) bình quân chỉ còn hơn 11%, dao động từ 0,5% ở ngành công nghiệp (giảm do lợi nhuận theo chu kỳ của cổ phiếu thép và phân bón) và 20% ở ngành tiêu dùng, tài chính, thấp hơn 10% so với dự báo tăng trưởng năm 2022 là 21%.

Ông Long cho rằng, thị trường cổ phiếu có khả năng sẽ gặp khó khăn cho đến khi kỳ vọng lạm phát, kỳ vọng lãi suất trên toàn cầu có xu hướng giảm và áp lực trên thị trường ngoại hối giảm.

Khi còn một số yếu tố bất định ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp, bản thân chính lãnh đạo doanh nghiệp cũng chưa thể tự tin đưa ra quyết định mua vào, nhất là khi cung tiền trên thị trường đang hạn hẹp khiến doanh nghiệp hay các ông chủ lớn phải phòng thủ để ứng phó với những khó khăn có thể xảy ra.

Tuy nhiên, nếu thị trường chứng khoán tiếp tục giảm mạnh trong tuần này, mức định giá chiết khấu thêm các rủi ro tiềm ẩn, thì kỳ vọng thông tin mua vào cổ đông nội bộ sẽ xuất hiện nhiều hơn tuần trước.

Tin bài liên quan