Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Tháng 2 tệ hại, quỹ ngoại vẫn giữ niềm tin

(ĐTCK) Tháng 2/2020, chỉ số VN-Index giảm 5,81%. Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường, ngay cả các quỹ lớn cũng có hiệu suất đầu tư âm, nhưng những nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp này vẫn duy trì niềm tin vào triển vọng tích cực của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

PYN Elite chớp thời cơ

Quỹ đầu tư PYN Elite vừa công bố báo cáo tháng 2/2020 với việc lợi suất đầu tư trong tháng là âm 2,79%, mức thấp nhất trong tháng 2 kể từ năm 2011 cho tới nay.

Quỹ ngoại này hiện quản lý khối tài sản 395 triệu EUR (gần 10.000 tỷ đồng), giá trị tài sản ròng/chứng chỉ quỹ là 282,338 EUR.

Theo PYN Elite, tháng 2/2020 là khoảng thời gian hỗn loạn của TTCK toàn cầu, khi ngày càng nhiều ca nhiễm Covid-19 được phát hiện tại Hàn Quốc, Ý và các quốc gia khác.

Chỉ số VN-Index giảm 5,8% chủ yếu bởi cổ phiếu VIC giảm giá 8,2%, SAB giảm giá 22,2%, BID giảm giá 11,7%, trong khi giá trị tài sản ròng của PYN giảm 2,8% do các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn là CII giảm giá 12,2%, VEA giảm 9,1% và MWG giảm 3,9%.

Do các lệnh hạn chế di chuyển, cấm nhập cảnh đang được áp dụng, hàng không, du lịch, năng lượng (dầu mỏ) và những lĩnh vực có liên quan khác đều phải trải qua quãng thời gian khó khăn. Nông nghiệp, nhất là hoạt động xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp cũng theo hướng đi xuống.

Trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp chính của Việt Nam đạt 2,5 tỷ USD, giảm 4,3%; xuất khẩu các chế phẩm từ nông nghiệp đạt 932 triệu USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 2/2020 giảm xuống 49 điểm từ mức 50,6 điểm trong tháng 1, khi lượng đặt mua hàng mới giảm xuống và chuỗi cung ứng hàng hóa từ Trung Quốc đứt gãy đẩy giá nguyên liệu đầu vào đi lên.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất đánh giá, tình hình sẽ sớm được cải thiện và lượng sản phẩm đầu ra sẽ tăng trưởng trong 12 tháng tới.

Trong bối cảnh này, PYN Elite cho biết: “Chúng tôi đã tận dụng cơ hội TTCK theo hướng xuống dốc và có một số khoản đầu tư thú vị vào những cổ phiếu sụt giảm mạnh”.

Hiện tại, một trong những khoản đầu tư thú vị mà PYN Elite nhắc tới chính là việc mua cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.

Vào đầu tháng 2/2020, ACV vẫn chưa nằm trong số các khoản đầu tư lớn nhất của quỹ này, tuy nhiên, tính tới cuối tháng, đây là khoản đầu tư lớn thứ 10 của PYN, chiếm 2,3% danh mục, tương ứng gần 9 triệu EUR.

Diễn biến của giá cổ phiếu ACV thời gian qua đang phần nào chứng minh quyết định đầu tư của PYN là sáng suốt. Sau khi giảm hơn 20% trong tháng 2, giá cổ phiếu ACV đã tăng trở lại gần 16% trong 1 tuần qua.

Thời điểm cuối tháng 2/2020, 93% tài sản của PYN Elite là cổ phiếu tại thị trường Việt Nam, 7% còn lại là tiền mặt.

AFC Vietnam Fund: Mọi mất mát sẽ được đền bù

Quỹ AFC Vietnam Fund có thêm 1 tháng có hiệu suất đầu tư âm khi giảm 3,9% trong tháng 2/2020. Trong bối cảnh này, báo cáo cập nhật của AFC Vietnam Fund vẫn tràn ngập kỳ vọng.

AFC Vietnam Fund cho rằng, thế giới đã chứng kiến nhiều lần đại dịch và TTCK thường chỉ chịu ảnh hưởng trong giai đoạn rất ngắn, từ 1 - 2 quý. Một số lĩnh vực sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn, chẳng hạn ngành du lịch, nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, mọi mất mát của các hoạt động kinh tế trong thời gian dịch bệnh bất thường đều sẽ được đền bù cho tới cuối năm, mà dịch diễn biến sau dịch SARS vào năm 2003 là ví dụ gần nhất.

Theo đó, khi dịch SARS bùng phát và kết thúc, các chỉ số tại TTCK chỉ mất 6 tháng để hồi phục lại mức trước đó.

Danh mục đầu tư của AFC Vietnam Fund không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đợt dịch bệnh hiện nay, bởi Quỹ không nắm giữ nhiều cổ phiếu hàng không hay dịch vụ lưu trú.

Trong khi đó, thị trường Việt Nam cũng như các thị trường mới nổi khác đang có mặt bằng giá thấp hơn so với thời gian trước và được định giá thấp hơn so với kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm nay.

Cho dù tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 dự kiến giảm so với năm 2019, vào khoảng 6%, nhưng con số này vẫn rất nổi bật so với tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế khác, nhất là các quốc gia phát triển trên toàn cầu.

AFC Vietnam Fund nhận định, với việc ngành du lịch đóng góp 12% GDP, sản xuất đóng góp 20%, Chính phủ Việt Nam sẽ có nhiều động thái hỗ trợ sự phát triển của các lĩnh vực này, từ đó hạn chế tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế.

Một báo cáo mới đây của Moody’s dự báo, dịch Covid-19 sẽ tạo động lực lớn thúc đẩy sự chuyển dịch của các nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam, điều này có thể khiến tăng trưởng GDP hàng năm của Việt Nam tăng thêm 2%.

Chưa kể, hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA) được thông qua có thể giúp xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU tăng 42,7% cho tới năm 2025, giúp tăng trưởng GDP thêm 4,6%. Năm 2019, xuất khẩu sang EU của Việt Nam đạt 54,45 tỷ USD, tăng 1,11% so với năm 2018.

Hiện tại, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn là mối đe dọa, AFC Vietnam Fund cho rằng, nhiều nhà đầu tư lo ngại việc rót vốn vào các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu mạnh sang Trung Quốc, với các sản phẩm như thủy sản, rau củ, hoa quả và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội lớn để mua vào cổ phiếu với mức giá đã được chiết khấu bởi nỗi sợ hãi.

Quỹ này cho biết, họ nhìn thấy cơ hội mua lớn với một số cổ phiếu, trong đó có ANV của Nam Việt, nhà xuất khẩu thủy sản (cá) lớn thứ hại tại Việt Nam.

Giá cổ phiếu ANV đã giảm 23,6% kể từ đầu năm tới nay và giảm 18,2% riêng trong tháng 2, hiện giao dịch ở mức P/E 3,2 lần, P/B 0,9 lần, trong khi cổ tức là 8,6%.            

Tin bài liên quan