Tháng 3, ký quỹ có gì mới?

Tháng 3, ký quỹ có gì mới?

(ĐTCK) 22 công ty chứng khoán, chiếm 83,8% thị phần môi giới, đã đồng thuận với quan điểm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) về việc nâng tỷ lệ ký quỹ lên 60% trong một cuộc thăm dò quan điểm của các thành viên thị trường mà nhà quản lý tổ chức vào giữa tháng 1/2018. 

UBCK phải báo cáo vấn đề margin với Bộ Tài chính, nhưng liệu cơ quan này có quyết điều chỉnh vào tháng 3 tới hay không là câu hỏi ngỏ trong bối cảnh thị trường chứng khoán không còn sốt nóng như trước thời điểm ý kiến này được đưa ra thăm dò các thành viên.

UBCK cho biết, tính đến ngày 6/2/2018, dòng tiền margin trên thị trường chứng khoán khoảng 42.000 tỷ đồng, chiếm 1,16% quy mô vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo quy định hiện hành, các công ty chứng khoán được cho vay tối đa 50% số tiền đầu tư chứng khoán với các mã cổ phiếu trong danh sách được margin mà 2 Sở giao dịch chứng khoán công bố. Thực tế, để đảm bảo an toàn cho chính mình, mỗi công ty chứng khoán đều định ra một hạn mức cho vay riêng với từng mã cổ phiếu.

Những mã uy tín và doanh nghiệp có nền tảng hoạt động tốt hầu hết đều được các công ty cung cấp hạn mức tối đa margin (50%). Tuy nhiên, những mã “nóng” chỉ được một số ít công ty cấp margin và tỷ lệ cũng thấp hơn nhiều mức cho phép. Chẳng hạn, cổ phiếu ROS hiện chỉ có 8 trên tổng số gần 70 công ty chứng khoán hoạt động có cấp margin.

Thực tế trên cho thấy, khi thị trường ở trạng thái bình thường và các công ty chứng khoán đã tự biết phòng tránh rủi ro thì câu chuyện điều chỉnh margin có lẽ cần thêm thời gian để cân nhắc kỹ.

Quy định pháp lý nếu điều chỉnh, cần điều chỉnh tổng thể, sao cho  bao quát các vấn đề mà thị trường đã từng nêu lên như có nên cho vay ký quỹ với các mã tốt trên UPCoM, có nên giảm thời hạn sau 6 tháng niêm yết mới được ký quỹ, có nên điều chỉnh tiêu chí đánh giá cổ phiếu trong danh mục được vay ký quỹ…

Một quy định khi ban hành sẽ có tác động đến nhiều chủ thể, trong đó mục tiêu giảm dòng tiền vay vào các mã nóng là cần thiết, nhưng cũng có thể sẽ dễ ảnh hưởng đến dòng chảy bình thường của vốn vào các mã cổ phiếu ổn định, vốn là yếu tố căn bản tạo nên thanh khoản cao trên thị trường.

Liên quan đến margin, ý kiến mà nhà quản lý cần lưu tâm là nên xây dựng benchmark (tạm gọi là quy chuẩn) điều chỉnh margin để thị trường có thể dự liệu được các động thái của nhà quản lý thị trường chứng khoán Việt Nam và không quá bị động.

Ông Nguyễn Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Rồng Việt đã nêu quan điểm này tại cuộc họp với lãnh đạo ngành chứng khoán và đề xuất tham khảo cách mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) xây dựng tiêu chí khi tính toán điều chỉnh lãi suất, chẳng hạn căn cứ trên tỷ lệ thất nghiệp, trên tỷ lệ lạm phát, hay những tỷ lệ được định lượng nào đó, để xây benmark cho điều tiết dòng tiền vay trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tin bài liên quan